05/04/2010 04:12 GMT+7

Câu chuyện thời gian - Kỳ 4: Cuộc chạy về ngày mai

PHI VÂN
PHI VÂN

TT - Cảm xúc về Ấn Độ đối với tôi trên đoạn đường từ sân bay về khách sạn giống như nhận xét của những nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam lần đầu, ấy là cảm nhận về “một nguồn năng lượng và tinh thần doanh nghiệp đáng kinh ngạc” (an incredible energy and entrepreneurship).

WMdRJwgb.jpgPhóng to

Nhân viên văn phòng thưởng thức món trà sữa trên chiếc xe đạp của ông lão bán dạo (áo trắng, cạnh cột điện) - Ảnh: Phi Vân

Kỳ 1:UAE - thời gian là tương laiKỳ 2:Nơi thời gian ngưng lạiKỳ 3:Cổ xưa trong... hiện đại

Một và... một tỉ (!)

Lịch làm việc của tôi do công ty đối tác Ấn Độ sắp xếp trung bình sáu buổi họp/ngày, mỗi buổi cách nhau 10 phút, bắt đầu từ 8g-19g, với bữa trưa vừa ăn trưa vừa họp (working lunch).

Trao đổi với Sundar, CEO của Tập đoàn Citymax tại Ấn Độ, ông cho biết chiến lược của Ấn Độ chủ yếu nằm ở vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho 1,1 tỉ dân, trong đó 85% dân số dưới 45 tuổi và đến 52% dân số dưới 25 tuổi, một lực lượng lao động nòng cốt của tương lai.

Chính phủ Ấn Độ bắt đầu chính sách mở cửa kinh tế vào những năm 1990. Chính sách này đã giúp Ấn Độ tăng trưởng trung bình 7%/năm kể từ năm 1997 bằng kinh tế dịch vụ. 1/3 dân số Ấn Độ làm việc trong các ngành dịch vụ, mang lại tỉ lệ đóng góp 62,6% cho GDP cả nước.

Với mục tiêu phát triển Ấn Độ thành trung tâm dịch vụ về gia công phần mềm cho nước ngoài (outsourcing) và là sân sau (back office) của các công ty tầm cỡ trên khắp thế giới về IT, viễn thông, tài chính..., Chính phủ Ấn Độ cũng đầu tư đáng kể vào giáo dục nhằm phát triển đội ngũ lao động cho chiến lược này.

Tương tác với đội ngũ nhân viên và quản lý của những tập đoàn và công ty tầm cỡ tại Ấn Độ, tôi thấy người Ấn Độ làm việc rất có đầu óc và hiệu quả. Tất cả yêu cầu và mục tiêu trong cuộc họp được chuẩn bị kỹ, giấy tờ sắp xếp sẵn sàng và họ không ngần ngại phát biểu ý kiến riêng của bản thân.

Báo cáo kết quả thực hiện chiến lược marketing năm 2009, Nandu, giám đốc marketing, cho biết họ tận dụng bất kỳ cơ hội nào để quảng bá thương hiệu. Radio cho cơ hội quảng bá miễn phí, ngay lập tức anh và đồng sự thức trắng đêm để làm và kịp chuyển băng cho nhà đài vào sáng sớm.

Tôi nhớ đến tin nhắn lúc 2g sáng của một đồng nghiệp đang làm việc tại Ấn Độ. Vì cần in tờ gấp (brochure) gấp rút cho chuyến đi của ngày hôm sau, anh đưa đĩa cho nhà in vào buổi chiều và cả nhà in đã thức đến 2g sáng để giao tài liệu cho anh tại phi trường vào sát giờ bay.

Chính đội ngũ lao động có đầu óc, hiệu quả làm việc cao và khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát... đã dẫn dắt đất nước này đến thành công dữ dội.

Cứ thử tưởng tượng việc phải chống chọi với 1,1 tỉ người để nắm lấy một cơ hội, bạn sẽ biết mình phải làm gì!

Kết nối quá khứ - tương lai

Trưa hôm sau Pankaj, giám đốc hoạt động của công ty, mời tôi đi ăn trưa tại một nhà hàng Ấn Độ nổi tiếng ở Bangalore.

Nhà hàng rộng đến 200 chỗ ngồi nhưng chật kín. Bữa trưa được dọn ra một cách chậm rãi và thú vị, bắt đầu từ một tàu lá chuối trải trên bàn cho mỗi người. Có khoảng mười người chuyên làm nhiệm vụ tiếp thức ăn, họ xách trên tay một xô nhỏ chứa một loại thực phẩm như cơm, các loại càri, thịt cá, các loại xốt...

Sau khi gọi món, tờ giấy ghi món ăn được để lại trên bàn. Chờ khoảng mười phút thì một nhân viên đến, tay phải cầm xô đồ ăn, tay trái cầm một cái vá, múc lên tàu lá của tôi một loại xốt. Năm phút sau một nhân viên khác lại đến, tay phải cầm xô thức ăn, tay trái cầm một cái vá, múc lên tàu lá món xốt thứ hai. Và cứ như thế đến món thứ sáu thì nhân viên cuối cùng ghé qua và múc một vá cơm đổ vào giữa tàu lá.

Tôi nhìn quanh, mọi người đang bận rộn dùng tay trộn cơm, xốt và thức ăn. Pankaj giải thích việc ăn bốc là một phương pháp khoa học giúp cảm nhận được thức ăn từ xúc giác.

“Hãy xem những đầu bếp chuyên nghiệp, họ tiếp xúc với nguyên liệu toàn bằng tay, nếu thử thức ăn họ lấy tay quẹt một miếng để nếm, có gì đâu là ghê”, Pankaj hùng hồn nói.

Chúng tôi ăn trưa hết hai giờ trước khi trở lại phòng họp. Công việc lại cuốn đi cho đến khoảng 16g. Tôi nhìn ra cửa sổ và ngạc nhiên thấy một nhóm nhân viên văn phòng đang túm tụm ngoài sân, trên tay mỗi người cầm một ly nhựa nhỏ xíu.

Tôi tò mò hỏi George, giám đốc huấn luyện của công ty đối tác, “chuyện gì đang xảy ra?”, George không nói lời nào, nháy tôi ra ngoài. Anh đi thẳng đến chiếc xe đạp cũ kỹ đậu bên đường của một ông già mặc áo dài trắng, trên yên sau xe là một cái thùng nhỏ xíu quấn vải rất dày. George nói gì đó và ông già lấy trong bịch nilông ra hai cái ly nhựa trong, rót một loại nước màu kem đục.

Đó là ly trà sữa ngon nhất mà tôi được nếm: đậm và rất ngọt, chỉ hai hớp là hết nhưng hương vị của nó ngấm tận tâm khảm. George cho biết những người bán dạo kiểu này còn rất nhiều. Họ thường có mặt tại các khu cao ốc văn phòng vào giờ giải lao buổi chiều để phục vụ giới nhân viên văn phòng cần thư giãn trước những ý tưởng sáng tạo.

Túm tụm chừng 15 phút thì tất cả biến mất trong những tòa nhà xung quanh. Ông già lục đục thu xếp đồ đạc sau một buổi kinh doanh trà sữa thành công.

Tối hôm đó, chúng tôi đi ăn tối tại một nhà hàng của giới trung thượng lưu. Tôi ngạc nhiên nghe Pankaj và Nandu là giám đốc hoạt động và giám đốc marketing của Tập đoàn Citymax kể rằng hôn nhân của họ là do cha mẹ sắp đặt. Chúng tôi thảo luận thoải mái về đề tài này, cả hai đều bảo họ hạnh phúc.

Quả là khó lý giải: một khi đã làm việc cho các nhãn hiệu nước ngoài, đi du lịch nhiều, giao lưu với nhiều nền văn hóa, tiếp cận Internet từng giờ... tôi không hiểu cái gì thu xếp họ vào sự “đặt đâu ngồi đấy” của cuộc đời?

Tôi nhớ mãi câu bông đùa của giám đốc khách hàng Công ty quảng cáo JWT: “Nếu trên bao bì của một gói bột giặt hướng dẫn dùng hai muỗng thì chắc chắn người tiêu dùng Ấn Độ sẽ chỉ sử dụng một muỗng!”.

Tất cả khó khăn và sự thận trọng trong chi tiêu hiện tại là để tích góp chuẩn bị cho tương lai đất nước. Nếu từ chính phủ cho tới người dân đã có một mục tiêu rõ ràng là trở thành thị trường quan trọng thứ năm trên thế giới năm 2025 và thứ ba trên thế giới năm 2050 thì những hối hả, vất vả, hi sinh và chuẩn bị của hiện tại âu cũng là đáng giá!

Trên đường đến sân bay tôi thấy cổng chào của một đám cưới ghi trang trọng tên họ gia đình hai bên cô dâu và chú rể với chức danh “gia đình tiến sĩ... và gia đình tiến sĩ... kính chào quý khách”.

Không biết 40 năm sau khi đã trở thành thị trường thứ ba trên thế giới, còn có chức danh về học vấn nào cao hơn tiến sĩ trong một đám cưới nào đó của tương lai hay không nữa?

______________

Không ở đâu trên thế giới có một thủ tướng đoạt kỷ lục Guinness về uống hết 1,45 lít bia trong 11 giây. Khi mà văn phòng đặt tại các quốc gia đang phát triển luôn ở trạng thái công việc “phải xong từ hôm qua”, thì văn phòng chính công ty lại ở trạng thái “chờ đến hôm sau”.

Kỳ cuối: Chậm, tận hưởng kiểu... Úc

PHI VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên