03/04/2010 03:40 GMT+7

Câu chuyện thời gian - Kỳ 2: Nơi thời gian ngưng lại

PHI VÂN
PHI VÂN

TT - Tôi đang thẫn thờ ngắm dòng sông Nile từ bancông ở khách sạn Sofitel Plaza Giza thì điện thoại reng. Bảo đang ở Ai Cập, anh bạn trầm trồ: “Sướng vậy? Ai Cập chắc là hoành tráng lắm!”. Tôi như một hành khách trên chuyến tàu thời gian, lạc lõng, bối rối vì không biết mình đang ở quá khứ hay hiện tại.

mMz74n2N.jpgPhóng to

Chờ khách tại khu du lịch Thung Lũng Những Vị Vua (Valley of The Kings) - Luxor, Ai Cập - Ảnh: Phi Vân

Góc đêm Cairo...

Ai Cập mà tôi nhìn thấy trên đường từ sân bay về đến khách sạn, với những khu nhà cổ xưa đã xuống cấp trầm trọng, với sự pha trộn kỳ lạ của những chiếc xe hơi, xe tải, xe đẩy hàng cũ kỹ và những đám đông đứng chờ xe buýt... cứ trải ra như một thước phim tài liệu trắng đen của quá khứ không rõ thời gian. Xe khách sạn phóng như bay trên đường, vượt trái, vượt phải, thắng gấp, cua nhanh... và dừng lại trước cửa khách sạn. Cuộc họp đầu tiên bắt đầu hai giờ sau đó với giám đốc khách hàng của một công ty quảng cáo có uy tín tại Cairo. Thị trường và người tiêu dùng Ai Cập hiện ra qua con số.

Với 83 triệu dân, xấp xỉ dân số Việt Nam, Ai Cập là một thị trường được các công ty đa quốc gia xem là trọng điểm trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi (Middle East & North Africa). Ai Cập có thu nhập GDP đầu người ở mức 5.800 USD, đứng thứ 133 trên thế giới, với mức tăng trưởng GDP khá tương tự Việt Nam (khoảng 7%/năm, riêng năm 2009 là 4,5% do khủng hoảng kinh tế thế giới).

Ai Cập cũng là nước có dân số trẻ với 31% dân số dưới 14 tuổi, tương tự Việt Nam, là một thị trường tiêu dùng của tương lai. Với nền văn minh cổ lẫy lừng khiến mọi người lầm tưởng Ai Cập là một nước đã phát triển. Sự thật quốc gia này chỉ bắt đầu chính sách mở cửa vào những năm 1990, thu hút đầu tư nước ngoài cùng lúc với quá trình tư nhân hóa. Hiện tại phần lớn công ty bản địa là các công ty gia đình vừa và nhỏ, tạo nên mảng kinh tế tư nhân rất giống Việt Nam.

Ai Cập cung cấp khoảng 80% tổng sản lượng vải cotton trên toàn thế giới vào những năm 1960 và 1970. Hiện tỉ lệ này đã giảm còn 55%. Ai Cập bắt đầu sản xuất vải cotton từ những năm 1820. Độ ẩm và đất đai phì nhiêu của đồng bằng sông Nile giúp Ai Cập trồng được những sợi vải nổi tiếng thế giới, dài gấp đôi sợi vải nơi khác. Ai Cập thu hút khoảng 10 triệu du khách mỗi năm.

Có dân số tương đương Việt Nam, nhưng tổng thu nhập quốc dân của Ai Cập lại cao hơn rất nhiều nhờ xuất khẩu và du lịch.

Cuộc họp kết thúc bằng lời mời ăn tối lúc 23g30. Địa điểm là khu trung tâm mua sắm mới và lớn nhất Cairo: City Star. Taxi phóng như bay trên đường và... chạy vòng vèo khi hành khách không phải là người bản địa. Hình như cả thành phố Cairo có mặt ở City Star đêm nay. 22g30 mà rất đông người, đa số là giới trẻ, chen chúc vào cổng chính trung tâm mua sắm. Thảo nào quảng cáo bên ngoài (out of home advertising) là một trong những công cụ quảng cáo chính của thị trường Ai Cập. Trung tâm mua sắm chỉ có năm tầng, nhưng mỗi tầng có 4-5 quán cà phê đủ nhãn hiệu từ địa phương đến nước ngoài.

Có 20-25 quán, mỗi quán sức chứa 70-100 chỗ ngồi và đều rơi vào tình trạng hết chỗ. Tức là cùng lúc nơi này có khoảng 1.400 người ngồi uống cà phê. Đây là minh chứng về thói quen giải trí của giới trẻ Ai Cập: họ thích đi ngoài đường, tụ tập tại các trung tâm mua sắm, siêu thị và các quán cà phê... Một cảm giác rất gần với Việt Nam!

Tôi dạo quanh, khá nhiều nhãn hàng thời trang trung và cao cấp có mặt tại Ai Cập. Thanh niên nam nữ từng nhóm đi dạo và nhìn ngắm thì nhiều, nhất là hàng thời trang. Phòng thử đồ lúc nào cũng có một hàng dài chờ nhưng quầy tính tiền khá thưa thớt. Đi ngắm (window-shopping) là một trong những thú vui của những người trẻ tuổi. Đối với một nước có 90% dân số theo đạo Hồi với phong tục ăn mặc kín đáo và che mặt như Ai Cập, sự hiện diện của những bộ thời trang hiện đại, màu sắc và được trưng bày trong các cửa hàng cho thấy khuynh hướng tiếp cận thời trang trẻ của thế giới đang bắt đầu nhen nhúm tại đất nước này.

Bữa tối kết thúc lúc 1g30 sáng và chúng tôi rời khỏi City Star trong nhóm khách cuối cùng. Taxi phóng như bay, tài xế một tay lái xe, một tay cầm điện thoại “tám” với ai đó. Đồng nghiệp của tôi sợ hãi nên đề nghị tài xế chạy chậm lại. Bác tài quay qua, chau mày, giơ ngón trỏ để lên miệng và suỵt một tiếng yêu cầu chúng tôi giữ im lặng!

Quá khứ ngừng trôi...

Những ngày sau đó là các buổi hội thảo. Ngày nào cũng có vài chuyện vụn vặt do những người tham dự nói về thái độ thô lỗ của những người phục vụ đối với khách nữ, về cảm giác bị lừa khi mua hàng hóa, dịch vụ. Tất cả không ảnh hưởng gì đến quyết định mục kích Ai Cập vĩ đại trong chuyến đi này. Tôi đến bàn dịch vụ của khách sạn để hỏi thăm đường và các tour tham quan kim tự tháp. Cô giám đốc quan hệ khách hàng mỉm cười: “Tôi cũng không rõ lắm, chỗ đó chỉ dành cho du khách chứ dân địa phương không ai đến!”.

Tôi đến vào buổi chiều để kết hợp xem trình diễn ánh sáng bằng đèn laser vào buổi tối. Xe dừng, khách phải đi bộ vào một con đường đất nhỏ. Dọc hai bên đường là các cửa hàng nhỏ lẻ bày bán đồ lưu niệm giống như phố cổ Hội An. Đường bốc lên mùi hôi phân động vật, có lẽ do xe ngựa và xe lừa phục vụ du khách ban ngày. Rồi kim tự tháp hiện ra. Tôi sững người, lặng đi và ngừng thở... Đây là Ai Cập. Đây là sự vĩ đại của nền văn minh nhân loại. Đây là đỉnh cao của sự thông thái. Tất cả trải nghiệm về Ai Cập trước đây trở nên mờ nhạt, hư ảo...

Mọi người bấm máy hình liên tục. Riêng tôi ngồi đó chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của một công trình chế ngự thời gian của 5.000 năm trước để thấm thía sự nhỏ bé của con người trong lịch sử.

Buổi trình diễn bắt đầu với câu chuyện kể về vua Khufu và lịch sử xây dựng các kim tự tháp Giza. Ánh sáng đèn laser được chiếu lên vách kim tự tháp các hình ảnh minh họa. Tuy nhiên, cách thiết kế đèn, thiết kế chương trình và kể chuyện rời rạc, hoàn toàn làm mất giá trị của công trình. Tôi bước ra trong nỗi tiếc nuối điều gì không rõ...

Thời gian như ngừng lại cùng với sự hoàn thành của kim tự tháp. Ai Cập sở hữu một quá khứ hào hùng. Quá khứ đang là hiện tại và tương lai, như lời một người bạn cũ hiện là giám đốc Metro Ai Cập: “Người Ai Cập chưa sẵn sàng học hỏi và cải tiến. Câu trả lời mà tôi nhận được thường xuyên nhất khi cố gắng truyền đạt cái mới là “Đây là đất nước của pharaoh. Nếu chúng tôi xây được kim tự tháp thì việc gì chúng tôi cũng làm được!”.

Quá khứ luôn được nhắc đến. Sự vĩ đại luôn được ngưỡng mộ. Nhưng thời gian không ngừng lại...

_________________________

Một quốc gia còn tồn tại 40% dân số đánh răng... một tuần một lần - trong đó 88% đụng tới bàn chải đánh răng và chỉ có 53% số ấy sở hữu bàn chải đánh răng cá nhân! Điều kỳ lạ là đất nước này chỉ mười năm nữa sẽ hòa mình vào châu Âu với những giá trị rất cổ xưa.

Kỳ tới: Cổ xưa trong... hiện đại

PHI VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên