04/03/2010 01:25 GMT+7

Bí ẩn những xác ướp Việt - Kỳ 3: Sự trở lại của đức vua

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Một sáng xuân 52 năm trước, trên ngọn đồi rậm rạp cây cỏ, nấm mộ vua Lê Dụ Tông bất ngờ được người làm vườn thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa phát hiện.

Tuy nhiên, hoàn cảnh lúc đó chưa cho phép đánh thức giấc ngủ trong lòng đất hàng trăm năm của nhà vua. Và bí ẩn ngôi mộ cổ chôn cất thi hài vua Lê Dụ Tông vẫn tiếp tục là bí ẩn nằm sâu dưới nắp quan tài...

v2JyhQye.jpgPhóng to

Thi hài gần như còn nguyên vẹn của vua Lê Dụ Tông - Ảnh tư liệu

Lời đồn và sự thật

Chính điều này đã dấy lên dư luận ngoài luồng nghi ngờ có phải mộ vua Lê Dụ Tông thật hay chỉ là mộ giả để tránh sự xâm hại khi triều đại hưng vong, thời cuộc biến động. Thậm chí nhiều người xác quyết mộ thật đang ẩn sâu đâu đó trong Lam Kinh cùng với tiên tổ, dù gần ngôi mộ ở Bái Trạch có bia đá tạc rõ “Lê triều Dụ Tông hoàng đế lăng. Minh Mạng nhị thập thất niên, tứ nguyệt nhị thập ngũ sắc kiến” (lăng hoàng đế Dụ Tông nhà Lê. Vua sai dựng ngày 25 tháng 4 năm thứ 21 niên hiệu Minh Mạng).

Còn trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì ghi vua Lê Dụ Tông được táng ở Đông Sơn, Thanh Hóa, sau đó dời về lăng Kim Thạch, Lôi Dương là vùng đất ngày nay thuộc hai huyện Thọ Xuân và Thường Xuân.

Trong lúc đó, kẻ gian cũng dòm ngó ngôi mộ cổ đặc biệt này. Năm 1958, người dân Bái Trạch khi phát hiện quách mộ đã làm vỡ một mảng để lộ góc quan tài gỗ quý sơn son. Tin tìm thấy mộ vua được rỉ tai. Kẻ xấu suy diễn chắc nhà vua đã về thế giới bên kia với rất nhiều vật quý của triều đình. Ngoài ra, việc gia tăng canh nông ở địa phương cũng có thể ảnh hưởng đến mộ. Trước tình trạng này, mùa xuân năm 1964 lệnh khai quật ngôi mộ đã được ký.

Các nhà khảo cổ về Bái Trạch quan sát ngôi mộ đặc biệt này có nhiều nét tương đồng với các ngôi mộ hợp chất đã được phát hiện ở khu vực. Tuy nhiên, phần quách ngoài lớn hơn các ngôi mộ khác với chiều dài 3m, rộng 2,92m và cao 1,41m. Mộ hướng bắc nam, hơi chếch tây bắc, hướng “ưu tiên” của các vua ngày xưa. Khi quách hợp chất vôi, mật, cát bị những nhát cuốc vô tình làm vỡ một góc, quan tài bên trong thoảng bốc mùi thơm dịu. Và họ đã dùng ximăng để hàn tạm lớp quách bị vỡ.

Tuy nhiên, vật liệu ximăng hiện đại không kết dính tuyệt đối với vỏ quách của người xưa nên nước dần thấm vào. Rồi việc phát đồi làm vườn cùng mưa nắng thời gian đã làm mộ cổ ngày càng lộ dần lên mặt đất và có dấu hiệu xuống cấp...

Khi nhóm khảo cổ bắt tay khai quật, nhiều người dân địa phương đã tò mò theo dõi, mong tận mắt chứng kiến sự thật trong lòng ngôi mộ nhà vua đã được thêu dệt bởi bao tin đồn. Tuy nhiên họ đành thất vọng. Sau khi phá quách, quan tài bằng gỗ quý sơn son được đưa lên mặt đất đã chuyển ngay về Hà Nội để nghiên cứu và đảm bảo điều kiện bảo tồn.

Khi nắp quan tài được bật ra trước sự chứng kiến của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, mọi người đã có thể xác quyết ngôi mộ thật và thi hài là vua Lê Dụ Tông. Chính những chiếc áo hoàng bào, long bào ông mặc có thêu nhiều hình rồng năm móng, khăn gấm che mặt cũng thêu hình rồng, rồi tấm bia đá khắc chữ Lê triều Dụ Tông hoàng đế đã khẳng định đó là nhà vua.

Những tin đồn lan truyền về ngôi mộ giả để bảo vệ cho mộ thật ở đâu đó là hoàn toàn hư ảo. Sự trở về từ lòng đất của đức vua Lê Dụ Tông là một phát hiện chấn động trong ngành khảo cổ và sử học VN đương thời.

Nhà vua trở về

Tuy nhiên, điều làm nhà khảo cổ học ngạc nhiên nhất chính là sự bảo quản độc đáo thi hài vua. Cố giáo sư - bác sĩ Đỗ Xuân Hợp là người trực tiếp tham gia khai quật và nghiên cứu thi hài vua Lê Dụ Tông.

Trong một tài liệu ông kể tỉ mỉ: “Xác là một người đàn ông cao 1,49m. Thân hình bị đét lại nhưng hình dạng bên ngoài vẫn còn nguyên. Khi mới mở áo quan, trông như một người gầy ốm mới chết, bụng dưới hơi phồng, lấy tay ấn vào bụng thấy có hơi và ít nước chảy ra (khác với những xác khác bụng lép). Không có một vết rạch hay châm chích gì trên cơ thể...”.

Lúc quan tài mới bật nắp, gương mặt nhà vua có màu xám nhạt hơi khác với màu da cơ thể, nhưng sau đó toàn thân chuyển thành màu xám đen. Kỳ lạ nhất là các khớp xương của nhà vua vẫn còn có thể co duỗi mềm mại và nhiều vùng da thịt vẫn còn đàn hồi.

Cố GS Đỗ Xuân Hợp khẳng định trước năm 1958, tình trạng thi hài vua Lê Dụ Tông có thể còn tốt hơn nhiều khi chưa bị phát hiện. Chính những nhát cuốc, thuổng vô tình của người dân đã làm vỡ vỏ quách, ảnh hưởng đến quan tài gỗ bên trong làm không khí và nước lọt vào suốt sáu năm đến ngày khai quật. Cho nên lúc mở nắp quan tài, các nhà khảo cổ không còn ngửi thấy mùi thơm thảo mộc như thường thấy ở nhiều quan tài xác ướp khác. Và thi hài cũng ít nhiều bị ảnh hưởng như mắt, mũi lõm xuống, miệng co lại, môi teo mỏng đi...

Một phát hiện nữa làm mọi người tin chắc đã tìm đúng đức vua là thi hài khoảng 50 tuổi, trạc tuổi vua Lê Dụ Tông lúc băng hà. Đặc biệt, tóc vua râm bạc, cắt ngắn theo kiểu nhà tu và đội chiếc mũ ni. Tấm gấm phủ mặt nhà vua cũng có bốn chữ vạn của nhà Phật ở các góc.

Những chi tiết này góp phần quan trọng xóa tan các nghi ngờ về mộ giả, xác giả. Sử cũ ghi chép rõ cuối đời vua Lê Dụ Tông đã tu hành ở cung Kiền Thọ rồi mới băng hà. Cho nên việc an táng nhà vua lúc đó đủ cả nghi thức hoàng gia lẫn nhà tu.

Theo GS Đỗ Văn Ninh, cuộc đời vị vua này có cả niềm vui lẫn nỗi buồn thịnh suy. Lê Dụ Tông là con vua Lê Hy Tông, sinh năm 1679. Tháng 4 năm Ất Dậu 1705, ông được cha truyền ngôi, lấy niên hiệu Vĩnh Thịnh, sau đổi thành Bảo Thái. Đất nước thời này tương đối thái bình, người dân hưởng cuộc sống an ổn. Tuy nhiên, năm Kỷ Dậu 1729, An đô vương Trịnh Cương đã ép vua Lê Dụ Tông nhường ngôi cho thái tử Lê Duy Phường. Ông phải ra cung Kiền Thọ làm Thuận Thiên thừa vận hoàng thượng với nỗi niềm nặng nề và sống đời tu hành lặng lẽ cho đến khi băng hà năm 1731.

“Chính sự suy quyền và cuộc sống tu hành cuối đời nên vua Lê Dụ Tông đã nhẹ nhàng ra đi. Dưới nấm mộ lặng lẽ trên ngọn đồi hiu quạnh, ông ngủ giấc ngàn thu mà không mang nặng hành trang châu báu gì ngoài vài bộ quần áo và giấy bút, trầu cau”- GS Ninh tâm sự lẽ đời của một vị vua suy cho cùng cũng chẳng khác mấy thường dân. Và 46 năm sau ngày trở về cho hậu thế diện kiến, vua Lê Dụ Tông lại được hoàn táng vào đầu năm 2010 để tiếp tục an giấc muôn đời với tiên tổ...

__________________________

Bí quyết nào đã giúp thi hài vua Lê Dụ Tông và các xác ướp khác chống chọi được với thách thức của cát bụi thời gian? Phải chăng người Việt xưa không chủ ý ướp xác mà lại có một nghệ thuật lưu giữ xác rất độc đáo?

Kỳ tới: Thách thức cát bụi

------------------------

Bài liên quan

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên