12/05/2009 03:54 GMT+7

Theo chân hàng Trung Quốc vào Việt Nam - Kỳ 2: Kinh đô hàng hóa

Chuyển hàng về VN: vừa nhanh vừa rẻ!
Chuyển hàng về VN: vừa nhanh vừa rẻ!

TT - Ở Quảng Châu có hàng chục chợ cao vài tầng lầu và rộng như sân bóng đá. Hàng hóa nhiều vô kể, muốn mua bao nhiêu cũng được. Có lẽ chưa nơi nào mà hoạt động thương mại mang tính thượng tôn… khách hàng như ở Quảng Châu, người ta có thể bỏ qua mọi thông lệ bình thường cho những dịch vụ lưu trú với khẩu hiệu theo kiểu: Tất cả vì sự mua bán của thượng khách!

7MZRlmQW.jpgPhóng to

Nhộn nhịp tập kết hàng trước chợ để chuyển đi - Ảnh: Lê Nam

Kỳ 1: Đến Quảng Châu “đánh hàng”

Mua bao nhiêu cũng có

Ăn sáng xong, Minh cùng cô em bước vào gian hàng bán các kiểu váy làm bằng đủ loại chất liệu ngay trong chợ Thập Tam Hàng, anh bạn thanh niên đứng ở ngoài chờ với ba chiếc xe đẩy. Gian hàng chỉ chừng hơn 3m2 của bà Liêu treo đến vài chục loại váy phần lớn là hàng cotton, áo sơmi nữ... Những gian hàng khác trong khu chợ này cũng không rộng hơn. Rất nhanh, Minh chỉ mấy loại váy ưng ý, hỏi thêm ý kiến người đi cùng, họ nhanh chóng thống nhất loại hàng mình cần mua. Mỗi loại Minh lấy 3-5 chiếc. Bà Liêu đã quen mặt nên chẳng nói thách, nhanh chóng giới thiệu mấy kiểu váy mới và chất liệu vải mới.

Chỉ trong vòng 10 phút Minh đã mua đầy hai túi to vài chục chiếc váy hoa may bằng cotton. Giá trung bình mỗi chiếc chỉ trên 20 tệ (khoảng 50.000 đồng VN), thoáng nhìn vào hóa đơn mua hàng thấy hơn 1.300 tệ, như vậy Minh đã mua đến 60 chiếc váy. (Sau này khi về Hà Nội, chúng tôi quay lại cửa hàng của Minh, ngồi ở đó gần một giờ đồng hồ nhưng đã có ít nhất sáu váy cotton loại này được các thiếu nữ Hà thành mua với giá 150.000-200.000 đồng/chiếc).

Tại chợ Thập Tam Hàng có đến hàng trăm cửa hàng nhỏ như cửa hàng bà Liêu, người mua kẻ bán đông nghẹt. Bên ngoài chợ đông đảo cửu vạn đang hối hả xếp hàng và vận chuyển. Bảo vệ ở chợ đứng kiểm soát không cho bất cứ ai mang vác hàng cồng kềnh vào bên trong chợ, chỉ có những cửu vạn chuyên nghiệp đeo thẻ mới được mang vác hàng ra vào. Khu bên phải chợ là các cửa hàng bán quần áo may sẵn cho phụ nữ, các cô nhân viên vừa bán hàng vừa diện luôn những bộ quần áo mới làm mẫu cho khách xem. Thấy chúng tôi đi ngang, họ đon đả chào mời: “Hàng mới nè ông chủ ơi, lại đây xem đi”.

Ở Quảng Châu có đến hàng chục ngôi chợ rộng như sân bóng đá với nhiều tầng lầu chuyên bán hàng hóa chuyên dụng: quần áo, đồng hồ, điện thoại di động, đồ da, đồ chơi trẻ em, đồ lưu niệm, máy tính, thiết bị âm thanh... như Thiên Mã, Trạm Tây, Bạch Mã, Kim Thuận... Khách hàng được chia làm hai loại: “tả bao” là khách hàng lớn, mua mỗi lần nguyên kiện hoặc cả dây hàng đủ các size, kiểu để đóng thành bao; “nả hua” là khách mua hàng lẻ nhưng cũng phải 3-5 cái/loại và gom lại để đóng thành bao.

Quay trở lại cửa hàng bà Liêu, chúng tôi hỏi thử nếu muốn mua “tả bao” về phân phối lại giá cả và thời gian vận chuyển thế nào. “Các anh cứ chọn hàng, vừa giá thì tôi đóng hàng cho. Cho địa chỉ khách sạn chỉ đến chiều là có hàng ngay. Còn chuyển về VN hả? Khỏi phải lo, tôi đã bán cho bao nhiêu là người VN rồi” - bà vừa lấy hàng cho Minh vừa trả lời.

dLMXDPoR.jpgPhóng to
Từng chiếc quần jean được tiếp thị tận nơi, bày ra ngay tại sảnh khách sạn - Ảnh: Lê Nam

Dịch vụ cho người Việt

7g tối, chúng tôi hẹn với một “tai” (hướng dẫn viên nói tiếng Việt) để xem mẫu quần jean. Anh này quảy một bao hàng to tướng với những mẫu quần áo rồi trải ra mặt sàn ngay trước quầy tiếp tân khách sạn. Trải hết cái này đến cái khác để chúng tôi chụp ảnh hàng mẫu, chẳng mấy chốc sàn trước quầy tiếp tân chỉ còn một lối đi nhỏ mà không gặp bất cứ sự cản trở nào từ nhân viên khách sạn. Trong mấy ngày ở Quảng Châu, chúng tôi thấy vòng quanh các con đường trong bán kính 1km quanh bến xe Việt Tú Nam, rất dễ dàng nhận ra những tấm bảng lớn nhỏ viết bằng tiếng Việt và tiếng Hoa: “Nhận đóng gói hàng, nhận chuyển tiền, phòng ở giá rẻ, có WiFi…” để phục vụ người VN đi buôn ở nơi này. Khó ai thống kê được hằng ngày có bao nhiêu người Việt sang “đánh hàng” và số lượng hàng hóa mà họ vận chuyển về VN mỗi ngày.

Trên những con đường như Dongyuan Heng, Yangjiang Dong, Dezheng…, chúng tôi dễ dàng nghe những người đi đường nói toàn tiếng Việt với nhau. Thậm chí một cô gái người Trung Quốc xinh đẹp ngồi ở quầy bán card điện thoại gần khách sạn của chúng tôi trú ngụ còn đọc rất rành cách sử dụng các loại card, thậm chí còn chỉ chúng tôi cách để gọi từ nơi này về VN bằng tiếng Việt. Các quán ăn, nhà hàng gần khu vực bến xe Việt Tú Nam lúc chiều tối toàn người Việt. Sau khi vét chợ đến ngày cuối cùng, trả tiền hàng, đóng hàng…, những người buôn hàng quay ra nhà hàng ăn uống để kịp các chuyến xe sau 8g tối quay trở lại thị xã Bằng Tường rồi về VN.

Ngay trong buổi sáng Minh đã mua được mấy cái túi to căng phồng đựng váy và trang phục của nữ giới. Và chẳng mấy chốc trong ngày đầu tiên hàng hóa của cô đã chất đầy phòng. Trưa hôm trả phòng, chúng tôi khệ nệ phụ giúp Minh khiêng mấy thùng hàng to đùng gửi vào phòng tiếp tân khách sạn, lúc này hàng đã được chất đầy một góc sau lưng quầy. 5g chiều, khi chúng tôi quay về khách sạn cũng vừa lúc Minh và hai người bạn đi trên chiếc xe ba bánh chở một núi hàng về. Một phần Minh kéo sang chỗ đại lý đóng hàng sát khách sạn cho họ đóng hộ, phần còn lại cô đẩy vào ngay quầy tiếp tân và bung mọi vali ra nhét hàng vào lần cuối.

Tất cả khung cảnh lộn xộn diễn ra khoảng nửa giờ ngay sảnh tiếp tân. Mỗi lần ghi giấy, làm thủ tục gửi hàng cho khách, thay vì bực mình thì nhân viên khách sạn chỉ có những nụ cười làm hài lòng khách.

Chuyển hàng về VN: vừa nhanh vừa rẻ!

Qua các “tai” và những người bán hàng ở các chợ, chúng tôi được biết toàn bộ các dịch vụ đóng gói hàng xung quanh khu vực bến xe Việt Tú Nam, ngoài vài người VN làm chủ, còn lại do các công ty người Hoa đảm nhận, vừa nhanh vừa rẻ. Các công ty này chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đến Bằng Tường và sau đó từ Bằng Tường sẽ có công ty khác chuyển hàng về VN.

Trong mấy chục công ty vận chuyển chuyên đóng hàng cho người Việt, mạnh nhất có lẽ là Hồng Phát. Hồng Phát là một công ty lớn có nhiều chi nhánh ở khắp Quảng Châu. Phó - một “tai” loại cao cấp chỉ đánh “tả bao” mỗi loại hàng lên đến vài trăm cái - nói: “Hồng Phát có quan hệ với các ông to bà lớn nên hàng từ Quảng Châu về tới Hà Nội không ai hỏi một tiếng đâu. Thông thường, Hồng Phát chơi cả container hàng mỗi ngày. Tối nay gửi hàng thì chiều hôm sau hàng đã có mặt ở Hữu Nghị quan rồi. Cam kết của công ty này là một cái quần cũng không mất!”. Phó cho hay tiền gửi hàng mỗi năm anh đóng cho riêng Hồng Phát đã là cả tỉ đồng. Với khách vãng lai, Hồng Phát và các công ty khác thu tiền liền, nhưng với những người gửi 5-10 bao trở lên cứ đến năm quyết toán. Mức giá đóng gói đã có sẵn.

______________________

Ở Quảng Châu có những hệ thống cung cấp tất cả dịch vụ cho người VN sang “đánh hàng”: từ phòng nghỉ khách sạn, cung cấp “tai”, đóng bao bì, hàng hóa đến chuyển tiền và vận chuyển hàng hóa tận nhà cho khách.

Kỳ tới: Hệ thống chân rết

Chuyển hàng về VN: vừa nhanh vừa rẻ!
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên