25/11/2008 03:09 GMT+7

Sừng tê giác - từ Phi sang Á - Kỳ 5: Sừng giả "công nghệ cao"

VÕ HƯƠNG
VÕ HƯƠNG

TT - Khi giá thành một chiếc sừng tê giác lên đến hàng trăm lượng vàng, dân làm hàng giả chuyên nghiệp đã đưa “công nghệ cao” vào chế tạo sừng tê giác từ sừng nhiều loài động vật.

Kỳ 1: Săn trộm sừng tê giác Kỳ 2: Đường đi của sừng tê giác Kỳ 3: Buôn lậu sừng tê giác về Việt Nam Kỳ 4: Mạng lưới ngầm “chợ sừng tê”

gCjHq39Y.jpgPhóng to
Công nghệ làm sừng tê giác chẻ công phu với việc phủ thêm lớp bột xương động vật bao quanh - Ảnh: Q.Khải

Công nghệ “cắt, dán, ép”

Chú Tẩu - một người ở quận 5 (TP.HCM) chuyên “đi” hàng tê giác từ những năm 1970 - cho biết hầu hết hàng mới hiện nay được “đẩy” (bán) trên thị trường là hàng giả “công nghệ cao”. Sừng tê giác nguyên chiếc đã khó nhận biết thì sừng đã chẻ lại càng khó nhận biết hơn so với sừng thật. Chú Tẩu cho hay nguồn hàng sừng tê giác giả ở TP.HCM từ rất nhiều nơi đưa về, nhưng phần lớn từ phía Bắc vào và từ biên giới nhập lậu sang. Nhiều mối hàng dỏm đưa sừng có chất liệu từ sừng trâu được cắt mài mỏng theo từng lớp nhỏ mỏng, tạo vân, tạo đường chỉ nhỏ và gờ nổi dọc, kỹ xảo đến mức không có vân xéo hay vân ngang. Đôi lúc họ đưa một ít sừng tê thật lát mỏng nối vào phần gốc sừng. Tất cả được ép bằng máy tạo hình thành chiếc sừng tê giác.

Ngoài công nghệ “cắt, dán, ép”, những “chuyên gia” chế tác hàng giả còn làm luôn gờ nổi của sừng và kèm theo công đoạn “cắm lông nghệ thuật” cho phần thân và rễ sừng để tạo dáng vẻ sừng tê giác châu Phi chính hiệu. Các đoạn lông giả cứng như rễ tre, màu vàng sậm, có hình dáng không khác nhiều so với sừng tê giác thật còn bám lớp lông tre trên thân sừng. Ngoài ra, giới làm hàng giả còn có công nghệ đặc biệt chế tác sừng tê giác từ sừng bò, sừng trâu. Sừng bò châu Phi có màu trong và bóng như ngà voi qua công nghệ “uốn” (nung nóng uốn lại đầu chóp) thành hình sừng tê giác trắng châu Phi. Rồi sừng trâu trắng mang nung lửa cũng hóa thành sừng tê giác!

Công nghệ làm hàng sừng tê giác chẻ công phu hơn vì phải phủ thêm lớp bột bao ngoài từ bột xương động vật các loại hay bột xương ngựa. Và vì người mua thường chọn mua phần gốc sừng, giới làm hàng nắm bắt tâm lý làm hàng chủ yếu từ phần giữa thân về gốc, sau đó rao bán hàng này là hàng gốc thuộc giống tê giác một sừng và tê giác hai sừng. Thậm chí những “chuyên gia” làm sừng giả còn làm luôn hàng sừng tê giác đen châu Phi và sừng tê giác châu Á. Đây là loại hàng đắt tiền nhất trong dòng sừng tê giác, có giá 40.000 USD/kg (hiện nay trên thị trường giá sừng trắng châu Phi khoảng 20.000 USD/kg).

Sừng tê giác đen châu Phi và sừng tê giác châu Á đắt vì số lượng tê giác cho ra loại sừng này còn rất ít, nguy cơ tuyệt chủng cao. Sừng trâu non hoặc sừng bò châu Phi non được uốn tạo dáng lại thành sừng tê giác nhỏ “mệnh danh” sừng châu Á! Sừng tê giác đen thì công phu hơn. Ngoài việc tạo độ bóng vừa, tạo gờ, họ còn tạo luôn đường vân máu nhuyễn cho hắc sừng (sừng đen).

6zqLqjru.jpgPhóng to
Một trang web quảng cáo bán sừng tê giác

Sừng tê giác là sừng trâu, sừng bò, sừng nghé...

“Bán vị thuốc cực quý, vật gia bảo, hàng độc chất lượng cao, sừng tê giác đen, sừng tê giác Đông Dương, sừng Angola, hồng tê giác, sừng Myanmar…”, hàng trăm lời rao bán sừng tê giác như vậy công khai trên các mạng rao vặt. Vào trang web http://www.raovat/... có đến mấy chục mẩu rao vặt bán sừng tê giác các loại. Tương tự, trên các trang web raovat123…, raovat..., vatgia… cũng có hàng chục mẩu rao bán sừng tê giác gia truyền, sừng tê giác từ thời ông nội để lại, sừng tê giác có trên 100 năm, sừng tê giác có từ ba đời... Hầu hết các loại sừng tê giác được rao bán đều đảm bảo hàng thật 100%(?).

Nhiều mẩu để lại tên người bán, số điện thoại liên lạc, thậm chí địa chỉ người bán rõ ràng. Nhiều mẩu rao kín kẽ hơn: “Sừng tê giác đã cắt nhỏ, có thể xem kiểm hàng. Liên hệ a. Huy. Email:…@yahoo.com.vn”. Hoặc “bán hồng tê giác dung nhan còn tươi, màu đỏ hồng, thơm lựng” hay “miếng sừng còn rất tươi và rất thơm”.

Các mẩu rao vặt hầu hết rao bán sừng tê giác 150 gam-300 gam. Một chuyên gia am hiểu về sừng tê giác cho biết ít ai thấy các mẫu sừng tê giác thật giống như một vài mẫu sừng tê giác đang được rao bán công khai vì trọng lượng quá nhỏ. Sừng tê giác thường thấy có trọng lượng 3-5 kg, thậm chí có sừng lên đến 7-10 kg. Sừng nhỏ hiếm gặp cũng có trọng lượng khoảng 0,8-3kg. Giá bán được rao trên mạng cũng đủ kiểu đủ loại, có người rao ghi “bán một sừng tê giác 160 gam giá 10.000 USD”. Người khác lại rao 1 gam sừng tê giác giá 50 triệu đồng, hay bán sừng tê giác nặng 3 lạng giá 500 triệu đồng...

Ông chủ T. - chủ cửa hàng sâm nhung, yến sào ở phường 10, quận 5 - đưa chúng tôi xem một chiếc sừng trâu rồi khẳng định: “Nị xem đi, ngộ nói có sai đâu, sừng trâu này ngộ bán giá chỉ 1 triệu đồng. Giống y sừng tê giác. Mấy người khác bán thành sừng tê giác. Ở đây bán hàng đảm bảo nên ngộ mới đưa cho nị xem hàng tê giác thật”. Theo một số lái buôn bỏ hàng các loại sừng, nhiều loại sừng trâu khi nhìn người bán thấy đẹp “lung linh” vì nó giống như sừng tê giác, có thể làm giả hàng sừng tê giác thật.

Trên thị trường từng có những chiếc sừng giả giá thành mua vào chỉ 200.000 đồng, bán ra được 1.500-2.000 USD. Tất cả do những lời đồn đại huyễn hoặc, dị thường về công dụng của sừng tê giác. Khá nhiều vụ việc công an phát hiện cho thấy các giao dịch mua bán sừng tê giác thật ra chỉ là sừng trâu, sừng bò, sừng nghé... Đặc biệt, có phi vụ không chỉ hàng sừng tê giác thật nhập lậu mà hàng sừng tê giác làm giả cũng nhập lậu luôn.

Ngoài ra, thị trường cũng có vô số hàng giả từ sừng trâu nước bán trực tiếp không qua công đoạn chế biến gì cả. Nguyên nhân là do sừng trâu nước có công dụng gần giống sừng tê giác, có thể giải nhiệt, làm hạ sốt cao. Sừng trâu mài ra cũng có vị tanh, soi đèn dưới đế sừng cũng tỏa ánh sáng hồng.

Theo nghị định 48 của Chính phủ, những hành vi xâm hại đến thực vật rừng hoặc động vật hoang dã thuộc nhóm IA, IB quy định trong danh mục thực vật rừng, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm không thuộc phạm vi xử phạt vi phạm hành chính mà chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã mà VN đã tham gia ký kết nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác.

-------------------------------------------

Thời gian gần đây VN đang nổi lên như một quốc gia nhập khẩu trong hoạt động buôn bán trái phép sừng tê giác. Tại sao?

Kỳ tới:Phần chìm của “tảng băng trôi”

VÕ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên