30/03/2008 20:05 GMT+7

Người võ sư của trẻ khuyết tật

Phamvu
Phamvu

Khi đang là nghệ sĩ của đoàn cải lương Nam bộ tại Hà Nội, nghệ sĩ Thu Vân gặp tai nạn và bị mất giọng, không thể theo nghiệp diễn viên. Sau thời gian tuyệt vọng, chán nản, Thu Vân tìm ra con đường đưa võ vào các vai diễn, tiếp tục ước mơ được đứng dưới ánh đèn sân khấu. Từ đây, cuộc đời người nghệ sĩ ấy bước sang một bước ngoặt mới.

Những tinh hoa võ cổ truyền được bà chắt lọc và khéo léo vận dụng, thổi hồn võ vào vai diễn, làm cho những động tác của họ thật hơn, thuyết phục hơn. Những vai diễn nàng Tía (trong tuồng Tiếng trống Mê Linh), Tề Thiên, Thánh Gióng... thành công một phần nhờ thế võ đánh côn của bà.

nLFLPRIR.jpgPhóng to

Dạy võ cho trẻ khuyết tật. Ảnh: Nguyễn Á

Bà nổi tiếng với danh hiệu cao nhất: Cấp Bạch đai, chưởng môn võ nghệ thuật cổ truyền và là phụ nữ Việt Nam đầu tiên tham gia Đại hội Võ thuật quốc tế tại Paris.

Bà học võ không phải mục đích để thượng đài, thi đấu mà để phục vụ cho nghệ thuật, cho niềm đam mê cháy bỏng của mình.

Nữ diễn viên đóng thế đầu tiên

Có vốn liếng võ thuật, Thu Vân trở thành nữ diễn viên đóng thế đầu tiên của điện ảnh Việt Nam qua các vai: người đàn bà bị cháy hai tay trong phim Lê Văn Tám, Hương Giang trong Tây Sơn hiệp khách, nữ tặc trong phim Không thể xiết cò... Có lần ốm nặng phải nằm bệnh viện truyền máu nhưng nhớ đang có lịch diễn đóng thế, bà ôm bịch máu đang truyền dở trốn bệnh viện đi đóng phim. Các con bà biết được chỉ biết khóc ròng vì thương mẹ.

Thời gian bị bệnh ung thư không đủ sức khỏe đi diễn là nổi khổ tâm lớn nhất của bà. Các con đưa đi Suối Tiên, thấy Tề Thiên đánh võ, bà năn nỉ được biểu diễn cho đỡ nhớ nghề. Sợ bị cản, bà lao ngay ra sân khấu làm Bạch Cốt Tinh đánh với Tề Thiên. Mải mê đánh võ, tóc giả rơi ra, lộ cái đầu lơ thơ tóc vì xạ trị ung thư làm khán giả sững sờ, còn bà vẫn mải mê diễn cho đến hết cảnh.

Cũng trong thời gian này, bà bắt đầu giảng dạy bộ môn vũ đạo, trình thức và võ thuật cho các trường sân khấu trong cả nước. Dù là đứng trên cương vị nào, bà cũng tận tâm, dốc hết lòng mình cho công việc. Có học trò đã hứa với bà rằng: “Con sẽ học theo tấm gương của cô. Sau này nếu thành công, con sẽ dạy võ miễn phí và tận tâm với học trò giống như cô”.

“Tài sản của tôi là bốn chùa và 15 trung tâm trẻ khuyết tật”

Gần cuối đời, khi thỏa niềm đam mê nghề nghiệp, võ sư Thu Vân mới có thời gian để theo đuổi tâm nguyện vẫn ấp ủ lâu nay là chăm lo cho trẻ em khuyết tật. Bà mong muốn dạy võ cho các em, tạo cho các em sức khỏe, niềm tin vào cuộc sống. Ngoài Trung tâm Đào tạo võ thuật, sân khấu, điện ảnh cho trẻ khuyết tật tại Trường đại học Hồng Bàng, bà còn vận động các nghệ sĩ, nhà giáo, võ sư đã về hưu đến các tỉnh để dạy võ, dạy hát, múa, diễn kịch... cho trẻ em khuyết tật. Không có ôtô riêng, bà đi dạy khắp nơi, từ chùa Long An cho đến chùa Ngòi (Bắc Ninh) bằng đủ phương tiện: xe đò, xe ôm, có lúc phải cuốc bộ. Lúc nào bà cũng mang vác đủ thứ đạo cụ, cờ phướn, trống, côn, kiếm... và cả những ổ bánh mì làm quà cho đám trò nhỏ.

Giáo sư Trần Văn Khê: “Thu Vân có hạnh Bồ Tát”

Thu Vân đã đi đến bước cao nhất của nghệ thuật: nghệ thuật vị nhân sinh. Trong đó, Thu Vân biến thành tiên, đem con mắt cho người không thấy, đem lỗ tai cho người không nghe. Sức khỏe yếu kém vì bạo bệnh nhưng Thu Vân đã đòi lại sức sống, không phải cho mình mà cho trẻ khuyết tật. Đối với tôi, Thu Vân có hạnh Bồ Tát. Thu Vân là một người toàn vẹn, không chỉ có tài mà còn có đức, có tâm.

Để có tiền mua sắm trang thiết bị dụng cụ học tập cho các em, bà không ngại gõ cửa khắp nơi để vận động tài trợ. Bà đều đặn trích lương, có lúc còn chạy vạy vay nặng lãi để có tiền may võ phục, “mua cái trống, con lân cho nó đàng hoàng” cho các em diễn. Sang Pháp biểu diễn được 500 euro, chưa kịp về nước, bà đã gửi tiền về trước để trang trải cho các em.

Khoảng thời gian chồng bị ốm nặng, bà đành lòng nhờ con chăm sóc ông, còn mình vẫn rong ruổi đi dạy. Chỉ đến lúc nghe chồng bất tỉnh, bà mới từ Hà Nội tất tả ra sân bay chạy về chăm lo cho ông giây lát để rồi đến sáng hôm sau lại phải ra Bắc Ninh tiếp tục công việc thiện nguyện của mình. Bà tâm sự biết rằng mình có lỗi với gia đình nhiều vì thời còn trẻ mải mê theo đuổi nghệ thuật, nay cũng bỏ nhà đi biền biệt để chăm lo cho trẻ em khuyết tật. Nhưng muốn theo đuổi lý tưởng của mình thì phải biết hy sinh lợi ích của cá nhân.

Bà bộc bạch giản dị: “Mình khổ nhưng còn có nhiều người còn khổ hơn mình thì mình hãy giúp họ. Của cho là của còn, của ăn là của mất”. Bà từng phải bán nhà để chuyển về một căn hộ nhỏ trong một căn hẻm mà bà vẫn hạnh phúc khoe mình giàu có với tài sản quý giá là bốn chùa và 15 trung tâm của trẻ khuyết tật mà bà thường xuyên giảng dạy.

Niềm vui sống từ nụ cười khuyết tật

Khi phát hiện mình mang trong người căn bệnh ung thư hiểm nghèo, võ sư Thu Vân cũng suy sụp, buồn chán nhưng chỉ một tuần, bà cứng cỏi gạt đi nỗi lo sợ bệnh tật, lao vào công việc. Bà lại càng gắng sức nhiều hơn và lấy việc giảng dạy cho trẻ khuyết tật làm động lực tiếp tục sống.

oXYUKrXW.jpgPhóng to

Cổ vũ các em biểu diễn . Ảnh: Nguyễn Á

Việc đào tạo cho trẻ khuyết tật không đơn giản. Trẻ khiếm thị hát lên mà không biết lời ca của mình có đúng với động tác của người múa hay không. Người múa cũng bị khuyết tật câm điếc, không nghe được nhưng phải múa cho khớp với lời ca, tiếng đàn. Chỉ một mình Thu Vân, một tay bấm em này, một tay ra hiệu cho em kia. Xem tiết mục ấy, khán giả không ai cầm được nước mắt.

Có lần các cựu chiến binh Mỹ đã liên tục làm dấu sám hối và khóc nấc khi xem các em biểu diễn tại Cơ sở khuyết tật Thiên Phước.

Võ sư Thu Vân đang dốc sức lực còn lại của đời mình để thực hiện tâm nguyện cuối đời là xây dựng một câu lạc bộ làm nơi sinh hoạt, học tập, biểu diễn cho trẻ em khuyết tật. Bà tâm sự: “Việc ăn ở của các em đã có các trung tâm lo, cô chỉ có ước mơ cháy bỏng là làm sao các em có bộ võ phục mặc cho đàng hoàng, có sân tập để ngã xuống cho êm, không bị đất, cát văng vào mặt, thương lắm!”.

Khi chúng tôi thực hiện bài báo này, bà đang nằm bệnh viện vì căn bệnh ung thư và lao lực. Thế nhưng bà vẫn thều thào nhờ báo cung cấp địa chỉ của mình để các em khuyết tật có thể liên hệ học võ miễn phí hay thuận tiện cho bạn đọc muốn ủng hộ các em.

Võ sư Thu Vân

- Sinh ngày 17-10-1945 - 1963: Tốt nghiệp Trường Ca kịch dân tộc Hà Nội. - 1962-2002: Giảng dạy võ thuật, trình thức, vũ đạo cho các trường sân khấu. - 1989: Giảng dạy và biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp. - 1992: Nhận danh hiệu cao nhất: Cấp Bạch đai (18/18) và là Chưởng môn võ nghệ thuật cổ truyền. - 1995: Nhận Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. - 1997: Nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.- 2002 đến nay: Giám đốc Trung tâm Đào tạo võ thuật, sân khấu, điện ảnh Trường đại học Hồng Bàng, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cascadeur Hội Điện ảnh TP.HCM, trực tiếp giảng dạy miễn phí cho trẻ em khuyết tật khắp cả nước.

Địa chỉ liên hệ của võ sư Thu Vân: Trung tâm Đào tạo võ thuật sân khấu điện ảnh. Trường đại học Hồng Bàng, 3 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM. ĐT: 08. 8114336-8119837.

Theo TRÀ GIANG - Pháp Luật TP,HCM

Phamvu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên