30/07/2007 07:24 GMT+7

Ở lại với Côn Đảo

Cựu tù Nguyễn Xuân Viên
Cựu tù Nguyễn Xuân Viên

TT - Thời gian trôi qua, với những người tù Côn Đảo, ký ức về “địa ngục trần gian” với bao xương máu của đồng đội, đồng chí không bao giờ phai.

14uTcfOX.jpgPhóng to
Cựu tù chính trị Nguyễn Thị Ni: “Trong tôi vẫn còn đó lời hứa với đồng đội...” - Ảnh: VŨ BÌNH

Kỳ 1: Bất khuất Kỳ 2: Một người đổ máu, trăm người rơi nước mắtKỳ 3: Những cuộc đào thoátKỳ 4: Ngày giải phóng

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Những người tù trở lại

Nhiều cựu tù đã trở lại Côn Đảo để hồi tưởng một thời gian khổ và thắp hương cho đồng đội cũ của mình còn nằm lại ở đây. Rất nhiều cựu tù đã ở lại gắn bó với đảo sau ngày đất nước thống nhất. Có người tình nguyện ở lại xây dựng đảo hoặc về đất liền rồi lại quay lại vì nhớ đảo. Họ được xem là "nhân chứng sống" của Côn Đảo, là những người có "duyên nợ" với hòn đảo này.

Bà Nguyễn Thị Ni là cựu tù chính trị Côn Đảo, từng bị giam giữ qua hầu hết các trại giam ở Côn Đảo từ đầu năm 1972 cho đến giữa năm 1974 mới được trao trả về đất liền theo Hiệp định Paris. Sau 30-4-1975, bà Ni được điều động về công tác ở TP.HCM, nhưng bà lại thấy nhớ Côn Đảo, nhớ những đồng đội cũ của mình đã hi sinh và vẫn đang an nghỉ trên đảo.

"Phải hiểu để yêu hòn đảo này hơn, góp sức xây dựng đảo cho xứng với ý nguyện của hàng ngàn cựu tù đã nằm lại vĩnh viễn nơi này".

Thế là bà quyết định cùng chồng tình nguyện ra xây dựng đảo. “Tôi cứ nhớ đến hình ảnh xơ xác, điêu tàn của Côn Đảo ngày giải phóng và những đồng chí, đồng đội của mình đã nằm xuống vĩnh viễn tại đây mà thôi thúc lòng mình phải quay trở lại, góp một phần nhỏ sức mình xây dựng lại hòn đảo này sau chiến tranh và quan trọng là hằng tuần, hằng tháng được đến thắp hương cho các đồng đội của mình”, bà Ni tâm sự.

Tình nguyện tham gia công tác đoàn thể, xây dựng phong trào rất sôi nổi, rồi khi tuổi hưu đến, bà lặng lẽ quay về mưu sinh với quán nhỏ trên đảo. Suốt mấy chục năm qua, hằng tuần người ta vẫn thấy bà Ni lần tìm ra nghĩa trang Hàng Dương thắp nhang, chăm sóc mộ các đồng đội cũ của mình. “Trong tôi vẫn còn đó lời hứa với đồng đội khi còn trong lao ngục: nếu ai còn sống đến ngày thống nhất sẽ chăm sóc mộ phần những người hi sinh!”, bà Ni bồi hồi nói.

Cũng như bà Ni, ông Nguyễn Xuân Viên - quê ở Quảng Nam, cựu tù chính trị Côn Đảo từ năm 1970 cho đến ngày đảo được giải phóng - mấy chục năm qua ông đã cùng vợ ra nhận công tác tại ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Ông bảo ông muốn giới thiệu cho mọi người, nhất là giới trẻ, hiểu hơn về một "địa ngục trần gian" ngày nào. Ông Viên nói: "Phải hiểu để yêu hòn đảo này hơn, góp sức xây dựng đảo cho xứng với ý nguyện của hàng ngàn cựu tù đã nằm lại vĩnh viễn nơi này". Ba người con của ông sau khi tốt nghiệp đại học, trung cấp đều tình nguyện quay lại Côn Đảo. “Đó là sự kế thừa, tiếp nối của thế hệ hôm nay với thế hệ đi trước” - ông Viên bảo vậy.

3ZPCsdkt.jpgPhóng to
Các cựu tù Côn Đảo trao ngọn lửa truyền thống cho thế hệ trẻ ở Côn Đảo - Ảnh: HOÀI MINH

Cô Phạm Thị Mỹ Xuyên - quê ở Kiên Giang, con gái của cựu tù chính trị Phạm Hoàng Oanh, bây giờ là nhân viên ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Mỹ Xuyên nói: “Ngay từ khi đảo được giải phóng, cha tôi đã tình nguyện ở lại để xây dựng hòn đảo này. Má tôi cứ tưởng cha mất tích, lặn lội từ quê ra đây tìm cha rồi bị cha thuyết phục ở lại đây luôn. Chúng tôi đã được nuôi dưỡng khôn lớn, ăn học thành tài tại nơi này”. Tốt nghiệp đại học, ra trường Xuyên lại xin về Côn Đảo công tác vì: “Tôi yêu hòn đảo này giống như ba tôi đã yêu và muốn góp một phần nhỏ sức mình xây dựng đảo, trả ơn ba, các cô chú cựu tù đã hi sinh quá nhiều trên đảo”.

“Vùng đất hứa”

Côn Đảo hôm nay không còn xa xôi cách trở với đất liền vì mỗi ngày đều có chuyến bay nối liền TP.HCM - Côn Đảo chỉ mất 45 phút và mỗi tuần có hai, ba chuyến tàu chở khách từ Vũng Tàu đến đây trong khoảng 12 giờ. Vào những dịp lễ, hầu như các chuyến bay lẫn tàu ra Côn Đảo đều kín chỗ ngồi, muốn có vé phải đặt trước cả tuần. “Mọi người muốn ra đây để tận mắt chứng kiến hình ảnh về một “địa ngục trần gian” ngày nào mà họ từng được xem qua sách vở, phim ảnh. Giới trẻ đến đây để tìm về nguồn, để tham quan cảnh đẹp của một hòn đảo hoang sơ đang chuyển mình”, ông Đoàn Hữu Hoài Minh - phó trưởng ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo - nói.

Nhiều người dân ở Côn Đảo nói rằng mấy năm trước, khi mới đặt chân đến Côn Đảo, họ bắt đầu sự nghiệp với đôi bàn tay trắng. Vậy mà bây giờ đã có cơ ngơi nhà cửa, vốn liếng làm ăn đàng hoàng. “Đất Côn Đảo coi nhỏ, bốn bề là biển vậy mà dễ làm ăn. Là một vùng đất hứa hẹn cho những người từ phương xa đến lập nghiệp. Tất nhiên, tất cả mới chỉ bắt đầu, việc làm còn ít, phải biết nắm bắt thời cơ thì mới được”, một cư dân đảo nói vậy.

Ông Châu Anh Kiệt, phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, cho biết: "Ngày trước nghe nói tới Côn Đảo ai cũng sợ, còn bây giờ đã có 19 doanh nghiệp, cơ sở du lịch đang hoạt động và triển khai nhiều dự án đầu tư tại đảo. Ngoài ra, 21 doanh nghiệp khác đang đăng ký đầu tư du lịch với tổng vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng. Nếu vào năm 1990 khách đến Côn Đảo chưa tới 1.000 khách một năm thì những năm gần đây bình quân mỗi năm Côn Đảo đón trên 15.000 lượt khách du lịch".

Côn Đảo có 16 hòn đảo, tổng diện tích tự nhiên là 76,71km2. Vào năm 1979, Côn Đảo là quận thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Từ tháng 8-1991 đến nay, Côn Đảo là huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Côn Đảo là huyện duy nhất của Việt Nam không có cấp chính quyền phường, xã mà được chia thành chín khu dân cư với gần 6.000 dân. Có một câu chuyện được nhiều người Côn Đảo ngày nay thường nhắc tới: Côn Đảo là địa phương có tỉ lệ người sử dụng điện thoại thuộc hàng nhiều nhất nước. Dân số huyện đảo có gần 6.000 người thì đã có hơn 1.000 máy điện thoại cố định, cứ khoảng năm hộ dân có một điện thoại cố định. Điện thoại di động các mạng cũng có khoảng gần cả ngàn máy và sóng rất tốt. Côn Đảo đã rất gần với đất liền.

_________________________

SỐ TỚI, ĐÓN ĐỌC HỒ SƠ MỚI CÔNG BỐ:

Giải mật “chiến tranh 6 ngày”

40 năm sau cuộc “chiến tranh 6 ngày” ở Trung Đông năm 1967, hồ sơ mật về cuộc chiến này của phía Israel đã được giải mật và công bố. Nội tình ban lãnh đạo bộ máy chiến tranh "nổi tiếng" này trong những ngày cận kề cuộc chiến được nhìn nhận một cách chân thực hơn.

“Chiến tranh 6 ngày” được người Ả Rập xem là thảm họa lớn nhất đối với họ trong số bốn cuộc chiến tranh tổng lực giữa người Ả Rập với Israel kể từ khi nhà nước Do Thái ra đời. Bản đồ địa - chính trị Trung Đông biến dạng nghiêm trọng kể từ sau cuộc chiến tranh này.

Cựu tù Nguyễn Xuân Viên
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên