23/07/2006 17:05 GMT+7

Bến Hàn Quốc ở Hà Nội

HUYỀN ANH
HUYỀN ANH

TTCT - Những địa chỉ dành cho đôi lứa ở Hà Nội đã có nhiều. Nào là đường Thanh Niên, công viên Thống Nhất, Bách thảo... nhưng có một địa chỉ “hiếm có khó tìm” mà giới trẻ Hà Nội, nhất là dân teen, cực kỳ kết. Đó là bến Hàn Quốc.

pj0VHTD5.jpgPhóng to
TTCT - Những địa chỉ dành cho đôi lứa ở Hà Nội đã có nhiều. Nào là đường Thanh Niên, công viên Thống Nhất, Bách thảo... nhưng có một địa chỉ “hiếm có khó tìm” mà giới trẻ Hà Nội, nhất là dân teen, cực kỳ kết. Đó là bến Hàn Quốc.

Để vào được bến Hàn có ba con đường. Thứ nhất là đi vào ngõ 399 Âu Cơ, men theo một triền đê mà không cẩn thận là lọt xuống khu ruộng của bà con phường Nghi Tàm.

Thứ hai, đi vào đường Xuân Diệu, rẽ vào ngõ 52 Tô Ngọc Vân, đến cuối ngõ sẽ có một con đường nhỏ hơi vòng vèo dẫn tới bến Hàn. Thứ ba, trên đường vào công viên nước đi qua những đầm sen, rẽ vào một con đường đất chỉ đủ một xe đi. Cuối đường đất là một con đường bêtông uốn lượn vòng vèo như một chữ V hoa có hàng đèn cao áp, có lan can hai bên. Đó chính là bến Hàn Quốc.

Một không gian vô cùng thoáng đãng với một nửa là đầm sen bao quanh. Ngước sang một bên là công viên nước với chiếc đu quay khổng lồ. Ngoảnh sang bên kia là hồ Tây bảng lảng sương khói. Chính vì thế, con đường này ban đầu có tên là “con đường tình yêu”, sau mới được ai đó đặt lại tên là bến Hàn Quốc và đã được mọi người chấp nhận.

Một trong những lý do của cái tên bến Hàn Quốc chính là do những hình vẽ trên con đường này. Đó là một thế giới riêng dành cho dân graffity (một thể loại vẽ tự do trên các bức tường, đường phố du nhập từ nước ngoài). Hàng ngàn, hàng vạn bức gra lớn nhỏ xanh xanh đỏ đỏ được các graffiter vẽ trực tiếp xuống lòng đường. Bức trước chưa ráo sơn, bức sau đã đè lên không để trống một centimet vuông nào. Gra cũng bò lên các vỉa hè, lên lan can của bến và cả những cột đèn cao áp, biển chỉ đường... Con đường tự nhiên được khoác lên một chiếc áo sặc sỡ mà các đôi tình nhân đứng ở đâu cũng không thể thoát ra ngoài bức tranh lãng mạn này.

OwDdVZQV.jpgPhóng to
Màn pha lắc nước chanh của Long
Các bức gra có đủ nội dung. Nào là những lời giới thiệu: “Minh mèo đã ở đây”, “12A Kim Liên từng ngồi chỗ này”... đến những lời tỏ tình: “Tuấn yêu Hoa”, “Mãi mãi yêu em”... Ấn tượng nhất vẫn là hình con bướm khổng lồ choán hết mặt đường với chữ “Kotex” một bên cánh, còn cánh kia là “đá đỏ”. Hình mũi tên xuyên qua trái tim với dòng chữ kiểu giang hồ Capstan (cho anh phát súng tim anh nát) cũng thấy hiện diện. Buồn cười là có cả logo “bơm vá xe đạp, xe máy”...

Mỗi buổi chiều về ở đây rộn ràng các đôi bạn tuổi teen. Cảnh tượng “người và xe cùng hôn” một thời bùng nổ ở đường Thanh Niên nay lại xuất hiện ở đây.

Khi mặt trời lặn xuống sau những khối nhà của chung cư Ciputra, nhiều đôi vẫn chưa về bởi bến Hàn lúc này còn đẹp hơn nhờ trăng thanh gió mát và những chiếc đèn lồng thật đẹp của bà bán hàng nước. Gọi một cốc trà đá, chục nem chua và một đĩa xoài xanh, ta có thể ngồi đến tận đêm để thư giãn, để kể cho nhau những câu chuyện, để quên đi một ngày mệt mỏi.

Bến Hàn Quốc thật ra là một đoạn đường kè từ dự án “kè hồ Tây” vẫn đang bị bỏ dở. Đoạn kè dài độ vài trăm mét, có lan can hai bên và đã lắp cột đèn cao áp nhưng... chưa có bóng. Khi tuyến kè xây dở thì chỉ có lũ trẻ khu Nhật Tân, Quảng Bá đến thả diều vào mỗi buổi chiều.

Đến khi những graffiter của Hà Nội phát hiện chỗ này, bến tự nhiên trở thành bến Hàn. Cô Lan bán hàng nước ở đây kể: “Chúng nó graffing (vẽ) suốt ngày. Nghe nói bọn nó toàn phải vẽ trộm trong thành phố nên thấy chỗ này như “mèo thấy mỡ”. Sáng thấy một bức, chiều đã có bức khác chồng lên. Buổi tối thì bọn nó bật đèn pha lên... vẽ tiếp”. Bến bỏ hoang đã trở thành bến Hàn từ đấy. Những câu chuyện ở đây cũng na ná... phim Hàn.

Ngồi ở bến từ chiều đến tối, tôi được nghe khá nhiều mẩu đối thoại. Không ít trong số đó là bằng tiếng... Hàn. “An-nhê-âng-ha-xê-ô” (xin chào), sa-rang-hê (anh yêu em)... Tiếng chàng trai thì thầm trong gió, đôi tay khẽ nắm lấy tay cô gái. Có lẽ đôi này đang bắt đầu bước vào vương quốc của vị thần Athena. Góc kia, một cô gái ràn rụa nước mắt. Chàng trai thì tay đút túi quần, ngoảnh mặt ra phía hồ một cách hờ hững. Có lẽ đôi này đang chia tay!? Nhưng đột nhiên chàng trai quay lại thật nhanh, ôm chặt lấy cô gái và đặt lên đôi môi cô nụ hôn thắm thiết...

wc4Oe4Vw.jpgPhóng to
Anh Tuấn - học sinh Trường Chu Văn An, sau khi chia tay người yêu liền ra bến Hàn ngồi. Dựng xe ngồi được một lát, cậu thấy một cô gái đang loay hoay thả diều hình cánh bướm. Tuấn chạy ra, chìa tay: “Cho tớ thả với”. Thế rồi tình yêu đến với hai người. Còn Phương Linh - học sinh Trường Amsterdam, một lần hái trộm sen bị chủ đầm tóm được và bắt bồi thường. Một chàng trai tình cờ đi qua đã trả hộ Linh. Thế rồi ngày nào Linh cũng nhận được một bó hoa sen không rõ người tặng. Đến nửa năm sau, chàng Park (chàng sát thủ trong bộ phim Daisy đang nổi đình nổi đám ở các rạp chiếu phim) của Linh mới xuất hiện với một bó hoa sen!

Minh Anh, sinh viên khoa biên kịch Đại học Sân khấu - điện ảnh, đã nung nấu một ý định: làm phim ở bến Hàn. Cô kể cho tôi nghe những câu chuyện về người ở bến mà theo cô có thể dựng được những đoạn phim hay. Tại bến Hàn có một quán nước tên là bar Nok. Bar Nok có món đồ uống sở trường là chanh leo, có người phục vụ tên Long đẹp trai như diễn viên Won Bin và có màn shake (lắc, pha) khá điệu nghệ. Long bảo cậu đi làm ở đây không phải vì tiền mà để lấy kinh nghiệm.

Mỗi khi hoàng hôn dần buông trên khoảng trời Tây hồ, hàng trăm bạn trẻ lại lũ lượt theo ba con đường kéo về bến Hàn Quốc. Vốn là “hậu quả” của dự án kè hồ đầy tai tiếng, con đường “lửng lơ cá vàng” này ngẫu nhiên trở thành bến đợi của giới trẻ Hà thành. Có lẽ các nhà quản lý nên có kế hoạch biến nó thành một công viên dành cho tuổi trẻ.

HUYỀN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên