23/03/2006 08:20 GMT+7

Đi mò ngọc trai

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Những con sò điệp quanh những ghềnh đá ngầm, sâu thẳm dưới lòng đại dương bỗng trở thành hấp lực về sự đổi đời: ngọc trai. Nhưng đổi đời đâu không thấy, người ta chỉ thấy một nghĩa địa hoang lạnh ngày một dài thêm những nấm mồ không bia.

xM5F9bLx.jpgPhóng to
Toàn cảnh xóm thợ lặn nhìn từ biển vào

Ra đảo Hòn Gỏi (xã Hòn Thơm, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) tôi đã nghe những điều như vậy...

Đi không về

Theo những người cố cựu của xóm thợ lặn, từ những năm 1980, Hòn Gỏi được biết đến là hòn đảo có nhiều ghềnh đá ngầm, có nhiều sò điệp sinh sống nên những người làm nghề thợ lặn kéo nhau về đây quần tụ, sinh sống. Cả xóm chỉ mưu sinh bằng nghề lặn bắt sò điệp để bán vỏ sò cho những người làm nghề khảm tranh. Cuộc sống bình lặng trôi theo thời gian.

“Cho đến khoảng những năm 1990, cơn sốt ngọc trai bắt đầu lan tới xóm nghèo này” - anh Trần Văn Tuấn, một đầu nậu mua bán vỏ sò điệp, nhớ lại. Anh kể: “Khoảng năm 1992-1993 gì đó, ở xóm chợ An Thới có ghe của ông Tạ Văn Thân trong một lần lặn đã bắt được con sò điệp bên trong có viên ngọc trai cỡ đầu ngón tay cái. Một đại gia ở Sài Gòn đến tìm mua nghe đâu cả trăm triệu đồng”.

Thế là người ta đồn thổi rồi cả xóm thợ lặn bắt đầu lên “cơn sốt ngọc trai” với hi vọng sẽ được may mắn đổi đời, thoát khỏi kiếp nghèo. Và từ đó nhiều thợ lặn đã mãi mãi ra đi không trở về, nhiều người lâm vào cảnh sống đời thực vật hay mang di chứng bại liệt suốt đời.

Cuối tháng 2-2006 vừa rồi, cả xóm thợ lặn đã lặng lẽ chôn cất một thợ lặn xấu số tên Bình (quê tận ngoài miền Trung). Các thợ lặn cùng ghe cho biết do đang ở độ sâu hơn 20m, Bình trồi lên quá nhanh lại quên giảm áp nên bị sức ép làm vỡ cả lục phủ ngũ tạng, tử vong ngay khi vừa cố trồi lên khỏi mặt nước.

Cả xóm thợ lặn này vài tháng là lại có đám tang. Thợ lặn Huỳnh Văn Sáu (quê Cần Thơ) cho biết tội nhất là những thanh niên tuổi đời mới đôi mươi. Danh sách những thợ lặn xấu số ngày một nhiều thêm theo những chuyến ra khơi, nào là Nguyễn Văn Thái nằm lại đáy đại dương để lại con nhỏ, thợ lặn Trần Văn Có, rồi Nguyễn Thái Tiền...

Ngoài những thợ lặn xấu số đã nằm nơi nghĩa trang hoang lạnh thì còn nhiều thợ lặn phải sống đời sống thực vật hay mang di chứng bại liệt suốt quãng đời còn lại cũng vì... ngọc trai. Thợ lặn Lê Quang Hùng đến giờ vẫn chưa nguôi nỗi ám ảnh về trường hợp anh Tạ Quốc Sinh.

Hùng kể hôm ấy bốn anh em ra lặn tại vùng nước sâu trên 20m, nơi có nhiều sò điệp lớn có thể có ngọc trai. Ngay lần lặn đầu tiên, vừa xuống tới đáy thì Sinh đã ra hiệu cầu cứu. Các anh tức tốc đưa Sinh lên ghe, nhưng vừa tới mặt nước thì Sinh tắt thở (sau này nghe bác sĩ bảo là chết lâm sàng).

Theo kinh nghiệm nhiều năm, để cứu sống Sinh các anh đã đút ống thở vào miệng rồi mang Sinh trở lại dưới đáy. Sau đó giảm áp lực vòi thở và từ từ đưa lên. Khi lên tới ghe tim của Sinh đập trở lại và thở được. Sinh được đưa vào bệnh viện ở thị trấn Dương Đông, sau đó chuyển lên TP.HCM bằng máy bay.

“Nhưng cả tháng chạy chữa cũng chỉ cứu được nó khỏi lưỡi hái tử thần. Nó sống nhưng từ phần bụng trở xuống đã bị liệt hoàn toàn” - vừa kể chuyện Hùng vừa bóp bóp vào chân trái của mình.

Thấy vậy, tôi hỏi, Hùng buồn buồn nói: “Trong lần cứu thằng Sinh, vì mất bình tĩnh giảm áp không đúng kỹ thuật suýt nữa tôi cũng lâm vào kiếp sống thực vật như nó. Nay chân trái tôi đang mang di chứng của tê liệt mà theo bác sĩ bảo nếu không thuốc thang đều đặn có lẽ rồi cũng liệt”.

UCYbLtGH.jpgPhóng to

Thợ lặn Tạ Quốc Sinh bị liệt nửa người - Ảnh: Hồ Văn

Tương lai mịt mờ

Anh Ngô Minh Sơn, trưởng Công an ấp Hòn Gỏi, cho biết: “Trước đây khi cơn sốt ngọc trai chưa tới thì xóm này vẫn chỉ loanh quanh ở gần bờ lặn sò bán vỏ cho các đầu nậu, thu nhập cũng đủ ăn. Từ ngày có một vài người trong xóm gặp may trúng ngọc nên cả xóm cứ hễ ra khơi là nghĩ đến ngọc trai, dù vỏ sò bây giờ bán cũng được 170.000 đồng/kg”.

Và càng hi vọng vào ngọc trai thì họ càng tiến ra xa hơn, vì thế chết chóc, bại liệt cũng nhiều hơn. Bây giờ cả xóm hầu như thợ lặn nào cũng mang chứng tê liệt và chân cẳng cứ teo dần.

Ông Võ Minh Quan, một thợ lặn kỳ cựu nhất của xóm, cho biết chết và mang di chứng bại liệt cũng vì phương tiện hành nghề quá thô sơ. Lặn sâu hàng chục mét mà chỉ với bình bơm oxy (kiểu bình bơm hơi xe đạp, xe máy) và những ống nhựa ngậm để thở. Cả xóm chẳng ai biết chút về gì kỹ thuật giảm áp lực.

Hi vọng được chuyển đổi ngành nghề, thoát kiếp thợ lặn của xóm quả là mờ mịt vì như ông Trần Quốc Khanh, giám đốc Trung tâm Xúc tiến - thương mại - du lịch huyện Phú Quốc, cho hay: “Chuyển đổi ngành nghề không chỉ riêng cho xóm thợ lặn mà còn cho nhiều xóm nghèo khác cũng đang là bài toán khó. Muốn làm thì phải vay vốn ngân hàng, mà vay vốn thì phải có thế chấp nhưng toàn là hộ nghèo lấy gì thế chấp. Ngay cả chuyện điều tra, thống kê cụ thể về các hộ dân của xóm thợ lặn vẫn chưa từng thấy ai làm”.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên