04/02/2006 02:04 GMT+7

Chuyện tình yêu của đại tướng Nguyễn Chí Thanh

NGUYỆT TÚ - NGUYỆT TĨNH
NGUYỆT TÚ - NGUYỆT TĨNH

TT - Có một vị đại tướng sang làm nông nghiệp, nơi có rất nhiều khó khăn của thời kỳ sau chiến tranh chống Pháp. Có một con đường tuyệt đẹp ở Hà Nội mang tên anh, anh Nguyễn Chí Thanh. Chuyện đời riêng của anh cũng đẹp như con người anh.

fKdQjEaa.jpgPhóng to
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và bà Nguyễn Thị Cúc
TT - Có một vị đại tướng sang làm nông nghiệp, nơi có rất nhiều khó khăn của thời kỳ sau chiến tranh chống Pháp. Có một con đường tuyệt đẹp ở Hà Nội mang tên anh, anh Nguyễn Chí Thanh. Chuyện đời riêng của anh cũng đẹp như con người anh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (kỳ 2)Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang (kỳ 1) Chuyện tình các chính khách Việt Nam

Vào đêm 5-7-1967 oi bức, tiếng còi báo động máy bay tạm lắng yên. Ngôi nhà 34 phố Lý Nam Đế chìm trong bóng tối của khu vườn. Ký ức lần gặp Bác Hồ buổi chiều làm anh Thanh trăn trở không ngủ được. Chỉ ngày mai thôi anh lại trở về chiến trường miền Nam.

Bác mời anh đến ăn cơm để chia tay. Hồi này, trông Bác không được khỏe. Anh Thanh tần ngần, không muốn rời ngôi nhà Bác ở. Linh cảm của cuộc chia tay cuối cùng. Anh Nguyễn Chí Thanh nói với anh Vũ Kỳ (thư ký của Bác):

- Tôi thấy Bác tóc bạc phơ mà thương quá. Tôi vào Nam chuyến này không biết lúc trở ra có còn được gặp Bác không.

Chị Cúc thấy anh Thanh trằn trọc không ngủ được cũng tỉnh giấc. Trời Hà Nội 2 giờ đêm mà còn rất nóng. Sau bao ngày xa cách, được gần nhau ít ngày lại phải chia tay. Chị Cúc đang bị ốm. Anh Thanh lo lắng nhìn dáng gầy yếu của vợ. Một mình chị vừa nuôi bốn con vừa công tác. Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Gánh nặng gia đình thời chiến đè nặng lên đôi vai chị.

Một tình yêu

Anh Thanh sinh trưởng trong gia đình trung nông. Hồi nhỏ, anh được đi học. Năm 14 tuổi, bố mất, gia đình nghèo, anh bỏ học, đi làm tá điền giúp mẹ nuôi các em. Năm 16 tuổi, anh Thanh quen và yêu một cô gái xinh đẹp trong làng. Cô là con gái lý trưởng. Cô mê vóc dáng khỏe mạnh với khuôn mặt rắn rỏi rất con trai của anh tá điền.

Gia đình cô gái chê nhà anh nghèo, bắt cô đi lấy chồng. Ngày cô lên xe hoa, hai người gặp nhau lần cuối. Họ chia tay nhau trong nước mắt của cô gái. Anh Thanh làm mấy vần thơ tặng cô:

Thời buổi này phong ba bão chướngBiển bữa ni sóng lượn ba đàoBởi vì thiếp tham nơi cửa lớn nhà caoBỏ tấm thân chàng ni chìm, mai nổi...

Năm 20 tuổi, anh Thanh vừa đi làm thuê vừa tham gia hoạt động cách mạng. Trong thời gian đi làm thuê, anh gặp chị Nguyễn Thị Cúc ở xã Nam Dương. Vùng này con gái không đẹp, ít người biết chữ.

Chị Cúc khác hẳn những cô gái ở đây. Lần đầu tiên gặp nhau, anh Thanh đã để ý cô gái có gương mặt trái xoan với đôi mắt đen thông minh. Cô gái ấy lại có học. Gia đình chị Cúc tuy khá giả nhưng là cơ sở cách mạng thời kỳ những năm 1924 - 1925.

Bố chị là một trong những người thường lui tới nhà cụ Phan Bội Châu. Chị Cúc đi hoạt động cách mạng rất sớm. Chị cũng thầm mến người tá điền thật thà, tốt bụng. Anh có nước da ngăm đen, đôi mắt ngời sáng, tính tình nhân hậu, thẳng thắn.

Anh Thanh chưa kịp ngỏ lời thì bị địch bắt. Lúc này, anh là bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Dù không tìm được chứng cớ, tòa án vẫn tuyên án anh Nguyễn Chí Thanh 2 năm tù cấm cố. Anh bị đưa về nhà lao Thừa Phủ cùng với các đồng chí Hoàng Anh, Tố Hữu, Nguyễn Sơn.

Anh Thanh ở tù cùng với nhà thơ Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu rất hiểu nỗi nhớ đồng quê của người tá điền. Trong ấy có cả nỗi nhớ người con gái Nam Dương mà anh chưa kịp ngỏ lời. Anh Tố Hữu đã làm bài thơ Nhớ đồng ở lao Thừa Phủ đề tặng Vịnh:

Gì sâu bằng những trưa thương nhớ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò.

Sau khi bị đày lên Buôn Ma Thuột, anh Thanh vượt ngục ra. Cách mạng Tháng Tám thành công, anh Thanh làm bí thư Khu ủy khu Bốn. Anh rất quan tâm đến cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ.

Có lần, chỉ vì nhiệt tình chữa xe đạp cho một cán bộ phụ nữ mà anh bị hiểu nhầm là có tình cảm đặc biệt với cô. Tiếng đồn lan rộng làm anh phải thanh minh mãi. Anh vẫn đợi chị Cúc. Trong khi đó, gia đình chị Cúc giục chị lấy chồng vì đã đến tuổi. Gia đình định gả chị cho người cùng làng nhưng không thành. Chị có ý đợi anh Thanh.

Gia đình thời chiến

Anh Thanh hồi ấy tên là Nguyễn Vịnh. Còn tên Nguyễn Chí Thanh đến với anh một cách bất ngờ.

Ở Đại hội Tân Trào năm 1945, khi công bố danh sách lãnh đạo có tên Nguyễn Chí Thanh. Anh không biết là ai và hỏi thì anh Phạm Văn Đồng trả lời: "Chính anh".

Từ đó, anh mang tên Nguyễn Chí Thanh. Nhưng anh vẫn tiếc cái tên "cúng cơm" nên sau này anh đặt tên Vịnh cho cậu con trai út.

Giữa năm 1946, anh chị gặp lại nhau ở Nam Dương, quê chị. Hai người làm đám cưới theo đời sống mới. Đám cưới ngay sau cách mạng thành công nên rất đông vui. Có rạp bắc giữa sân.

Người tổ chức đọc nghị sự, tuyên bố lý do, đứng chào cờ. Và từ đấy anh chị cùng tham gia chiến trường Bình Trị Thiên gian khổ. Có lần anh chị gặp trận càn, mỗi người chạy một ngả. Anh vọt khỏi vòng vây, lặn qua con sông nhỏ trốn thoát.

Chiều tối, giặc rút, anh ra bờ sông tìm xác vợ. Anh đinh ninh chị đã bị giặc giết vì chỉ thấy cái khăn quàng của chị trôi vật vờ bên sông. Bờ bên kia chị cũng đang tìm xác anh. Hai người gặp nhau, mừng quá.

Con đầu lòng, Trường Sơn, của anh chị sinh ở chiến khu Hòa Mỹ. Hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, cháu đau ốm luôn. Để khỏi trở ngại công tác và làm phiền các đồng chí chăm sóc gia đình mình, anh chị gửi cháu về làng nhờ bà con nuôi giúp.

Nhưng rồi cũng không nuôi được. Sau này, khi vào miền Nam, anh đã lấy hai từ Trường Sơn, tên đứa con đầu lòng, làm bút hiệu cho những bài bình luận nảy lửa về chiến tranh chống Mỹ.

Chị Cúc sinh con gái thứ hai, Thanh Hà, khi chị đang sơ tán ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Chị sống trong một căn nhà lá sâu trong xóm Ao Sen, bên bờ đê La Giang. Lúc ấy anh Thanh đã lên Việt Bắc. Thời gian xa nhau, anh rất chăm viết thư cho chị:

"Cúc này, anh vừa bị sốt hai hôm. Anh nằm cứ trông thư Cúc. Anh đã gửi ít nhất bảy, tám cái thư rồi. Lần này chỉ nhận được mấy hàng chữ của Cúc, đang đau mà hết. Nghĩ mãi, đêm nay không ngủ được. Cúc sợ anh biết Cúc đau sẽ lo hay sao mà không viết thư?

Phải viết cho anh biết sức khỏe sau khi sinh đẻ chứ. Em cũng biết hay nhớ nhung nhiều, hay sinh ra nghĩ thế này, thế khác. Tuy anh hiểu tính Cúc cũng ít viết thư. Cúc ơi, năng gửi thư cho anh. Chắc Cúc cũng muốn cho anh yên tâm. Nói thế nào cho hết tâm trạng của Thanh.

Hôn Cúc và con"

Năm 1950, anh Nguyễn Chí Thanh được cử vào quân đội, làm chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Chị Cúc cũng theo anh vào quân đội. Hai anh chị sống trong một lán nhỏ trong rừng Việt Bắc. Hai cô con gái sau lần lượt ra đời.

Máy bay đánh phá nhiều nên các cháu thường phải xuống hầm. Cả gia đình hằng tháng sống dựa vào số gạo Nhà nước cấp theo tiêu chuẩn cho cán bộ. Thấy cháu yếu và anh cũng gầy, cơ quan mua cho một con bò cái để vắt sữa nuôi cháu và cũng để bồi dưỡng sức khỏe cho anh Thanh.

Hôm nào đồng chí Chắt, cần vụ của anh, ra suối câu được một ít cá mang về kho với ớt và măng vòi, hôm ấy là bữa ăn tươi. Khi cháu lớn, anh bảo các đồng chí phục vụ dắt bò sang trả cơ quan.

Chiến tranh ngày càng ác liệt. Cuộc sống khó khăn, gian khổ. Anh Thanh bị bệnh phổi vì làm việc quá sức. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch khuyên anh nghỉ để chữa bệnh và đề nghị Bộ Chính trị ra quyết định buộc anh chấp hành.

Anh gửi báo cáo, xin chấp hành nhưng vì công việc đang bề bộn, đề nghị trung ương cho phép làm xong một vài việc rồi sẽ yên tâm đi nghỉ. Thư vừa gửi hôm trước thì hôm sau Bác Hồ đột ngột đến.

Hồi ở chiến khu, một đôi lần Bác đến chơi với các cháu, có lần ăn cơm với gia đình, nhưng lần nào Bác cũng báo trước. Lần này Bác không báo trước và đi đường tắt, bỏ qua tổ cảnh vệ. Khi các đồng chí gác trông thấy, kêu lên "Bác! Bác" và xúm lại thì Bác đã vào trong nhà.

Thấy mồ hôi lấm tấm trên vầng trán rộng, anh Thanh vội vã quạt cho Bác. Bác hỏi thăm sức khỏe anh và không chờ anh kịp thưa, Bác bảo luôn: "Bộ Chính trị đã quyết định rồi, chú sắp xếp đi nghỉ thôi". Bác khuyên:

- Ngày xưa Bác cũng bị bệnh phổi. Nhưng kiên trì chữa thì khỏi.

Nghe Bác nói, anh chỉ còn biết chấp hành, phải nghỉ việc đi chữa bệnh.

----

Một gia đình như mọi gia đình trong một đất nước có chiến tranh, cũng vợ xa chồng, cha xa con. Câu chuyện ở đây cũng vậy, những lá thư trở thành cầu nối...

Cho đến năm 1967, đêm 5-7, đêm cuối cùng trước khi đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào Nam...

NGUYỆT TÚ - NGUYỆT TĨNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên