02/02/2006 04:59 GMT+7

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái

Nhà văn NGUYỆT TÚ
Nhà văn NGUYỆT TÚ

TT - Trong một lần đến thăm nhà tù Hỏa Lò cùng con gái Hồng Anh, đại tướng Võ Nguyên Giáp thắp hương, đặt vòng hoa tưởng niệm Quang Thái, người nữ chiến sĩ cách mạng, người vợ yêu của đại tướng, đã hi sinh khi còn rất trẻ.

tJTfueiq.jpgPhóng to

Ông xúc động ghi trong cuốn sổ của nhà lao: “Nhớ mãi hương hồn của các anh, các đồng chí, các anh chị, nhớ mãi hình ảnh của Quang Thái, người vợ, người mẹ của chúng tôi”.

Cuộc gặp cuối cùng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại buổi chia tay cuối cùng.

"Một buổi chiều vào đầu tháng 5-1940. Đến giờ đi dạy học, ra khỏi nhà một quãng, tôi ngoái lại nhìn ngôi nhà nhỏ, biết còn lâu mới quay trở về đây, khi đó chắc có nhiều sự thay đổi rồi.

Hôm đó là thứ sáu, tôi đã sắp xếp dạy dồn cả chương trình ngày thứ bảy vào thứ năm và thứ sáu để có được một khoảng cách hai ngày, thứ bảy và chủ nhật, không phải đến trường. Từ ngày ra Hà Nội hoạt động, tôi đã làm nghề dạy học ở Trường Thăng Long. Năm giờ chiều, tan học, tôi lững thững đi về phía hồ Tây như một người dạo mát. Hoa phượng nở đỏ trên vòm cây.

Tiếng ve sầu kêu ra rả. Tôi vừa đi vừa để ý nhìn trước nhìn sau xem có mật thám theo dõi không. May sao, chiều hôm đó không thấy bóng dáng bọn chúng. Từ ngày địch bắt đầu khủng bố, trước khi tôi gặp anh Hoàng Văn Thụ, các anh cũng đã cho biết là tôi sẽ chuyển vào hoạt động bí mật. Quang Thái cũng rất muốn đi hoạt động bí mật. Nhưng con chúng tôi chưa đầy năm, chưa nhờ ai nuôi được, Quang Thái hẹn khi nào gửi được con sẽ đi sau.

Đến đường Cổ Ngư, qua chùa Trấn Võ, tôi thấy Quang Thái ẵm cháu Hồng Anh đã đứng đợi ở một gốc cây vắng người. Quang Thái rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại quay về phía hồ để mọi người khỏi chú ý. Tôi nói với Quang Thái ở lại giữ liên lạc với các anh, tiếp tục công tác, cố gửi Hồng Anh để đi hoạt động bí mật. Quang Thái nhắc tôi hết sức giữ gìn sức khỏe và cẩn thận trong hoạt động, gắng tìm cách cho nhà biết tin. Một đôi người quen đi ngang chào hỏi, tưởng chúng tôi đang đứng hóng mát. Chúng tôi đang nói chuyện thì có tiếng người hỏi phía sau:

- Thầy có đi xe không?

Tôi quay lại thấy anh giáo Minh kéo một chiếc xe tay đứng đợi. Tôi chia tay Quang Thái lên xe, không ngờ phút chia tay đó lại là phút vĩnh biệt".

Và cái nhìn đầu tiên...

Lần đầu tiên anh Võ Nguyên Giáp gặp chị Quang Thái trên một chuyến xe lửa Hà Nội - Huế. Năm 1929, anh Giáp được đoàn thể cử đi công tác. Mục đích của chuyến đi là việc hợp nhất Đảng Tân Việt với Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội và Việt Nam cộng sản Đảng. Đoàn tàu dừng lại ở ga Vinh.

Hai cô nữ sinh xinh xắn ríu rít lên tàu. Một cô là Hồ Cầm, em của chị Hải Đường, cùng sinh hoạt trong Đảng Tân Việt với anh Giáp. Anh để ý cô bạn đi cùng Hồ Cầm. Cô gái rất xinh, khuôn mặt trái xoan hiền dịu, da trắng hồng, đôi mắt đen láy thông minh, tóc xõa ngang lưng. Anh Giáp vui vẻ nói chuyện với hai cô gái. Ngày ấy anh Giáp còn rất trẻ, ăn mặc theo lối ký giả. Hồ Cầm giới thiệu:

- Đây là bạn Quang Thái.

Anh Giáp đã từng nghe tên Quang Thái trong đợt công tác qua Vinh mới đây. Tổ chức Đảng giao cho anh nhiệm vụ đi bàn với Liên tỉnh ủy Nghệ Tĩnh thu xếp cho chị Minh Khai, đảng viên Đảng Tân Việt, đi thoát ly. Anh Giáp nghe nói chị Minh Khai có em gái là Quang Thái xinh xắn, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái, sôi nổi.

- Các cô đi đâu thế?

- Em đưa Quang Thái vào nhập học Trường Đồng Khánh.

Quang Thái sinh ở Vinh nhưng quê gốc là làng Nhân Chính, Hà Nội. Cha Quang Thái là một kỹ sư cầu đường. Trong khi anh Giáp nói chuyện với Hồ Cầm, Quang Thái vẫn ngồi im không muốn bắt chuyện. Cô cho anh là chàng công tử bột với chiếc mũ phớt và bộ comlê trắng, dáng người thanh mảnh thư sinh, khuôn mặt tròn trắng trẻo.

Chỉ đến khi anh giới thiệu mình là nhà báo, Quang Thái mới tham gia câu chuyện. Từ buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, hình ảnh cô nữ sinh Đồng Khánh Huế xinh đẹp, dịu dàng Quang Thái đã để lại cho anh ấn tượng sâu sắc. Lần đầu tiên anh thấy xao xuyến với một người con gái. Anh thầm mong sẽ có ngày được gặp lại.

Trường Đồng Khánh ở gần Trường Quốc học Huế. Anh Giáp từng là học sinh Trường Quốc học Huế. Một trong những người dẫn dắt anh đến với phong trào học sinh là anh Nguyễn Chí Diểu, một người bạn lớn tuổi hơn cùng lớp. Thời gian ấy có phong trào học sinh đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh.

Hiệu trưởng và tổng giám thị cho là chính anh Nguyễn Chí Diểu cầm đầu phong trào đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh ở Trường Quốc học Huế. Trong một kỳ thi, anh Diểu bị vu oan là copy bài và bị đuổi ra khỏi lớp. Anh Giáp bàn với anh Nguyễn Khoa Văn phát động bãi khóa với khẩu hiệu: "Không được đuổi học sinh Nguyễn Chí Diểu, tự do đọc sách báo, chống giáo dục ngu dân".

Một cuộc bãi khóa lớn diễn ra ở Trường Quốc học. Thấy vậy, học sinh các trường khác ở Huế lần lượt bãi khóa. Đây là một trong những cuộc tổng bãi khóa lớn nhất thời ấy. Một tháng sau, phong trào dần dần lắng xuống. Học sinh đi học trở lại. Nhà cầm quyền công bố danh sách những học sinh bị đuổi học: 90 người trong tất cả các trường tại Huế, trong đó có anh Võ Nguyên Giáp.

Anh Giáp về quê Quảng Bình. Cha anh muốn anh lấy vợ. Vợ ông bá hộ trong làng sẵn sàng gả con gái cho anh. Nhà ông Bá giàu nhất làng, có hai cô con gái. Cô gái định gả cho anh Giáp ở tuổi mới lớn. Vợ ông Bá hứa nếu thành hôn sẽ cho ruộng, cho nhà. Cha anh Giáp muốn anh nhận lời nhưng mẹ anh nói: “Tùy con, ưng thì lấy, không ưng thì thôi, không ép”.

Một hôm, anh Diểu về Quảng Bình tìm anh Giáp. Anh Nguyễn Chí Diểu, ủy viên Kỳ bộ Trung kỳ của Tân Việt, thay mặt tổ chức kết nạp Võ Nguyên Giáp vào Đảng Tân Việt. Anh Giáp hẹn với anh Diểu sẽ thu xếp công việc ở nhà để vào Huế tham gia hoạt động. Khi anh Giáp xin đi Huế, cha anh chỉ bằng lòng với điều kiện anh nhận lời làm rể ông Bá. Anh Giáp đóng khăn xếp, áo dài đen, quần trắng, đi guốc đến nhà ông Bá. Cô Bá tiếp đón nồng nhiệt. Cô còn đem ra chục trứng gà và tiền để anh đi Huế. Anh nói:

- Cảm ơn, tôi không dám nhận.

Cô Bá cười:

- Cậu làm cao. Sau này lại không đòi nhà, đòi ruộng ấy à.

Thấy anh đến nhà ông Bá, cha anh bằng lòng cho anh đi Huế. Nhưng anh nói riêng với mẹ:

- Con không kết hôn với con gái ông Bá đâu. Thầy mẹ đừng thu xếp.

Trước khi lên tàu, anh Giáp nói với con trai ông Bá:

- Tôi rất tôn trọng gia đình anh nhưng tôi không thể kết hôn với em gái anh được. Tôi và cô ấy không hợp nhau. Nhờ anh về thưa lại với gia đình.

Anh Giáp vào Huế, làm việc tại Quan hải Tùng thư, một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương. Thực chất là anh tham gia sinh hoạt ở một tiểu tổ bí mật của Tân Việt. Sau đó, anh làm biên tập cho báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Sau buổi gặp Quang Thái trên tàu, nhiều lần anh Giáp đạp xe qua cổng Trường Đồng Khánh hi vọng gặp lại Quang Thái. Anh nhìn vào sân trường thấy thấp thoáng các cô ngồi trên bãi cỏ xanh, những cô tha thướt đi dạo nhưng anh vẫn không gặp được Quang Thái.

----------------

(*) Rút trong cuốn Chuyện tình các chính khách VN - NXB Phụ Nữ, 2006.

Các tựa nhỏ trong loạt bài này do Tuổi Trẻ tạm đặt.

Rồi họ cũng gặp được nhau....

Có một mối tình đã hé mở trong nhà lao Thừa Phủ. Có một người mẹ không được nhìn mặt con lần cuối.

Và người chồng ấy, từ chiến khu xa vẫn viết những lời yêu thương gửi cho người đã mất...

Nhà văn NGUYỆT TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên