25/11/2005 03:25 GMT+7

Bóng đêm và những người "kỳ quặc"

Theo Bình Thuận
Theo Bình Thuận

Phan Thiết vào đêm, dưới ánh sáng của những ngọn đèn cao áp, dòng người nối tiếp nhau tận hưởng khí trời dễ chịu của đêm. Và cũng trong bóng đêm, đã xuất hiện những con người lạ lẫm, "kỳ quặc" trên phố, trên ghế đá công viên, hàng nước mía, hay một tủ thuốc lá bên vệ đường.

wSPvPJ43.jpgPhóng to
Nhóm "đường phố" trước giờ xuất phát
Phan Thiết vào đêm, dưới ánh sáng của những ngọn đèn cao áp, dòng người nối tiếp nhau tận hưởng khí trời dễ chịu của đêm. Và cũng trong bóng đêm, đã xuất hiện những con người lạ lẫm, "kỳ quặc" trên phố, trên ghế đá công viên, hàng nước mía, hay một tủ thuốc lá bên vệ đường.

Họ - những người đi phát "áo mưa" miễn phí cho "khách hàng", đã và đang làm công việc tưởng chừng không giống ai, lại ẩn chứa biết bao điều muốn nói với xã hội, với mọi người rằng: Tôi đang góp sức ngăn chặn HIV/AIDS.

Thứ năm... đêm khách hàng

Đúng 19 giờ như đã hẹn, chúng tôi đến điểm tập kết của nhóm tiếp cận cộng đồng có tên rất Tây: LiPit. Thực ra đây một dự án của Đức tài trợ, nhằm góp phần ngăn chặn nguy cơ lây lan của đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam. Trên dãy nghế đá tại công viên vừa mới được chỉnh trang cách đây không lâu, trước mặt UBND tỉnh, cô Tám (nguyên là chủ tịch Hội LHPN thành phố) trưởng nhóm "đường phố" vui vẻ: "Nhà báo đi tìm hiểu mấy cái này không sợ hả?".

Tôi nói: "mấy cô, mấy dì còn không sợ sao nhà báo lại phải sợ. Đi tìm hiểu để tôn vinh những người dám xả thân đấu tranh ngăn chặn đại dịch AIDS là chuyện đáng làm cô ạ". Nhóm "đường phố" ngoài cô Tám còn có các chị Tùng, Sáu, Phượng, Thảo và Hồng. Riêng Hồng là người "ngoại đạo" mới vào thay thế cho một thành viên nghỉ vì bận việc hơn tháng nay. Tất cả Tùng, Sáu, Thảo và Phượng đều có chung một quá khứ lầm lỡ, đã "quyết" trở lại cuộc sống.

Chúng tôi không muốn nhắc lại quá khứ đau buồn của từng thành viên, bởi dẫu vô tình nó vẫn là nỗi đau của một con người. Vì hoàn cảnh, vì gia đình, vì sự hụt hẫng, bội bạc và vì mọi lý do khác nữa… có thể. Nhưng có nhìn thấy công việc hôm nay, các dì các chị hằng đêm rong ruổi vào những tụ điểm cà phê, nơi tập kết gái mại dâm, nhà trọ để thuyết phục rồi phát tặng "áo mưa" mới thấy nghị lực của những người từng là "giang hồ".

Thú thật, nội những ánh mắt tò mò, soi mói thậm chí có cái nhìn chẳng lấy gì thiện cảm đổ dồn vào nơi chúng tôi ngồi mỗi lần đi ngang qua, thật khó chịu. Dì Phượng, bộc bạch: "quen rồi em ạ, chỉ có khách hàng mà mình tiếp xúc mới biết mình làm gì, tốt hay xấu thôi. Có lúc người ta thấy ngồi ở đây nhiều người tưởng mình đi "làm" lại".

Dì Phượng bắt đầu kể về công việc hiện tại một cách say sưa về HIV/AIDS: "khách hàng của nhóm phần lớn là những người đang hành nghề có nguy cơ cao, khách làng chơi cũng có và có cả những đối tượng chỉ quan hệ với người đồng giới nữa. Cứ mỗi lần các thành viên có được “hàng mới”, ngoài chuyện vận động và phát sử dụng bao cao su, mình còn phải thuyết phục, phân tích tác hại, nguy cơ của bệnh cho khách hàng.

Nhiều khách hàng có thói quen không sử dụng, hay vì không thích sử dụng, tụi chị cũng nói dữ lắm, riết rồi quen. Cứ thế, mỗi lần có nhu cầu thì khách hàng tìm đến". Đang trò chuyện cùng với nhóm, thì có 3 thanh niên đi tới, một người tách ra khỏi tiến đến chị Tùng: "đưa mấy cái xài bà chị". Vì là khách quen, nên chị Tùng lấy trong giỏ xách mấy cái "áo mưa" Hello nói: "Bữa nay xài loại này đỡ đi, cái kia hết rồi, hôm khác".

Người thanh niên: "Thôi tui không xài thứ này bà ơi, lấy cái khác đi". Dù hôm nay, chị Tùng không mang theo loại "áo mưa" như lần trước, nhưng thái độ của người thanh niên đã làm chị thay đổi: "mày chờ đi, tao đi lấy cho". Nói rồi chị chạy đến các nhóm khác gần đó để lấy "hàng" đưa cho người thanh niên, mà theo suy đoán của tôi chỉ đáng là con của chị.

Điểm tiếp cận khách hàng của chị Lai là một tủ thuốc lá nhỏ đặt bên vệ đường với hột dưa, kẹo cao su, đặc biệt luôn luôn thường trực "áo mưa" để cung cấp cho khách hàng. Cũng là người rũ bỏ quá khứ đen tối, chị tham gia vào dự án vì "cảm" mục đích nhân đạo nên hằng đêm chị cùng với chồng "tương lai" vừa tiếp thị, vừa vận động khách hàng đi thử máu.

Khi tôi có mặt tại điểm tiếp xúc của chị, và qua những thành viên của nhóm, chúng tôi thật sự lo lắng. Tất cả khách hàng đến nhận "áo mưa" còn rất trẻ. Trong đó có 2 chị em P và B. B chỉ mới 17 tuổi thôi, nhưng cách ăn nói của nó, gần như là một con người sành sỏi từ lâu lắm.

Và nỗi buồn không tên

Mập mạp, với cách nói chuyện vui vẻ của chị Kim nhóm "khách sạn", làm cho cuộc tiếp xúc của chúng tôi gần như là cuộc trò chuyện của những người bạn. Từ lúc là thành viên của nhóm năm 1996, chị đã cảm nhận được ý nghĩa của công việc mình làm. Sáng bán vé số, chiều cạy sò thuê, tối lại lang thang những khu nhà trọ, phòng cho thuê bình dân để phát bao cao su.

Chị nói: "Nhiều khi trong lúc bán vé số, chị cũng tranh thủ tiếp thị luôn vì nghĩ nó cần thiết". Giọng chị trầm xuống, trong từng lời kể của chị một quá khứ đau khổ và nói đúng hơn là tủi nhục quay về. Lập gia đình lần đầu tiên, 4 đứa con nheo nhóc lần lượt ra đời. Dù theo chồng vào sống ở Sài Gòn, nhưng khó khăn chỉ là một phần, phần khác cha mẹ ở đây không ai trông nom. Thế là chị đi về như con thoi để chăm sóc cha mẹ, mâu thuẫn nảy sinh.

Khi cha mẹ ruột chị mất, giận chồng chị đưa luôn bốn đứa về nuôi rồi dấn thân vào giang hồ như một định mệnh. Đúng 15 năm dấn thân, chị đã may mắn gặp một người đàn ông trong lần tiếp khách. Quyết chí từ bỏ “vũng rùn”, rồi gá nghĩa với người đàn ông ấy, bây giờ là chồng chị. Chính anh là chỗ dựa tinh thần cho đến tận hôm nay, ngay cả khi chị làm cái công việc "không giống ai", anh vẫn một lòng ủng hộ.

Chị tâm sự: "Nói không phải để biện minh cho mình, nhưng càng đi làm chị càng thấy đau lòng lắm em. Ngày xưa, tụi chị hành nghề không phải như tụi nhỏ bây giờ. Xã hội bây giờ tốt hơn trước, nhưng vì tụi nó thích tiêu xài, hưởng thụ mà ra". Riêng Hồng dù là người "ngoại đạo", chỉ làm thế cho một người bạn hơn tháng nay, nhưng xem chừng cũng cảm được công việc này nên nói: "Khi mới đi cùng các dì, em cũng hơi lo lắng vì nhiều khi người ta hiểu lầm nhưng đi riết rồi quen bởi thấy nó có ích giúp chút gì cho xã hội cũng tốt".

Còn chị Bích, gần 2 năm theo dự án Life GAP kể: "Khi bắt đầu, đêm nào cũng cùng các thành viên trong nhóm lân la ngoài công viên, nên người quen hiểu lầm mách với ông xã, may mà trước đó đã làm công tác tư tưởng nên không sao".

Có thể những người có cái nhìn phiến diện sẽ cho rằng công việc này bình thường thôi, có gì mà ầm ĩ. Nhưng nếu đọc được con số hiện nay trên tòan tỉnh có 2.892 bệnh nhân có HIV, 764 người bệnh đã chuyển sang AIDS và đã có 514 người chết do AIDS, mới thấy công việc ấy đáng trân trọng đến chừng nào.

Phan Thiết những đêm gần đây trời trở gió bấc, nhưng dường như trên những gương mặt từng trải, những bước chân lầm lũi trong đêm của các dì, các chị vẫn sáng một niềm tin vào ngày mai tươi sáng.

Theo Bình Thuận
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên