06/06/2005 00:38 GMT+7

Bay qua đỉnh Phy Phả Xây

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Đó là chuyến bay vào Loong Chẹng để đưa hài cốt liệt sĩ ra Xiêng Khuảng. Đây được xem là phương án an toàn nhất vì nếu chở hài cốt bằng ôtô đi hơn 500km đường rừng rất nguy hiểm.

DOwnWEaJ.jpgPhóng to
PV Vũ Toàn (giữa) cùng anh em chiến sĩ trên đường tìm mộ ở bản Na

Tìm được di hài đã quý, việc bảo vệ đưa về đến quê nhà còn quý hơn gấp trăm lần. Vì nơi quê mẹ còn có bao người thân đang chờ mong...

Chuyến bay vào Loong Chẹng

Tôi bước lên khoang chiếc máy bay trực thăng mang số hiệu ROPL-34055, xem đây là cơ hội hiếm trong chuyến theo chân đoàn quy tập. Ngồi bên tôi là một số sĩ quan của Đặc khu Xây Xẩm Bun. Chuyến bay do Khăm Xúc, 39 tuổi, lái chính. Bên cạnh Khăm Xúc là một lái phụ và một chỉ huy đoàn. Chúng tôi làm quen với nhau rất nhanh vì Khăm Xúc có bốn năm học ở VN nên nói tiếng Việt khá sõi.

Tôi nói thật với Khăm Xúc: “Lần đầu tiên ngồi máy bay trực thăng nên tôi có cảm giác bồn chồn lạ lắm!”. Khăm Xúc biết ý, cười: “Anh sợ chứ gì? Không sao đâu. Tuy máy bay cũ nhưng tôi bay liên miên rồi vẫn về với vợ con thôi. Ở bên Lào, chúng tôi đi máy bay như đi xe Uoát ấy mà”. Nghe vậy nhưng lòng dạ tôi vẫn phấp phỏng khi biết đây là chiếc máy bay vừa được đại tu từ thiết bị còn lại của bảy chiếc máy bay hỏng đang trùm mền!

Vừa lúc máy bay nâng độ cao, thiếu tá Vi Chăm - tham mưu trưởng Đặc khu Xây Xẩm Bun - nói: “Ta đang bay qua đỉnh núi Phu Phả Xây, mười phút nữa sẽ tới Loong Chẹng”. Tôi sực nhớ Phu Phả Xây là đỉnh núi cao 2.100m (đứng thứ nhì ở Lào sau đỉnh Phu Bia cao 2.820m).

Năm 1999, chiếc máy bay chuyên dụng của nước bạn Lào chở trung tướng Đào Trọng Lịch và đoàn công tác bay từ Vientiane về Xiêng Khuảng do sương mù đã đâm vào đỉnh núi này gây tai nạn thảm khốc làm chết 20 sĩ quan quân đội của ta và bạn. Tôi nhìn qua cửa sổ máy bay chợt ngộp thở khi thấy lô nhô những đỉnh núi nhọn hoắt như những mũi chông chĩa ngược lên trời, sát dưới bụng máy bay.

Không chỉ riêng địa bàn tỉnh Nghệ An, trong những năm tháng chiến tranh, hàng ngàn người lính đã nằm lại trên khắp chiến trường Lào - phía tây dãy Trường Sơn.

Trong trang web Nhắn tìm đồng đội (www.nhantimdongdoi.org) chỉ trong những tháng đầu năm 2005, nhiều tỉnh thành có địa bàn giáp giới với nước Lào đã đưa hàng ngàn hài cốt chiến sĩ quân tình nguyện VN về nước: Thừa Thiên - Huế 470 hài cốt ; Quảng Bình 125; Quảng Trị 74; Hà Tĩnh 27; Thanh Hóa 105; Điện Biên 29...

Nhưng chỉ có 214 chiến sĩ, chuyên gia hy sinh được ghi nhận tên, tuổi, phần lớn là những chiến sĩ vô danh.

Loong Chẹng hiện lên trong một thung lũng rộng với sân bay dã chiến khoảng 2.000m2. Xung quanh sân bay là một hệ thống hầm ngầm xuyên vào núi đá. Chi chít lô cốt, công sự bao bọc bằng tường đá dày 50cm. Đây là một trong những căn cứ của trùm phỉ Vàng Pao ngày trước.

Thượng tá Bình còn dẫn tôi đi xem khu nhà biệt giam mốc meo, kín mít bốn bức tường nằm trong “thủ phủ” của trùm phỉ Vàng Pao giờ đang đứng làm chứng tích lịch sử. Đi qua hàng loạt dãy hầm đang trơ ra những bao cát, thượng tá Bình nói: “Loong Chẹng là khu vực cố thủ quan trọng nhất của Vàng Pao do Mỹ giúp đỡ xây dựng năm 1965 với 16.000 tay súng “ngầm” rải rác quanh các ngọn núi trong khu vực. Vì thế Vàng Pao từng tuyên bố ta không thể đánh được nó. Hễ ta vào là nó tung phỉ trong rừng ra “nướng” hết.

Biết bao trận đánh quyết tử đã xảy ra ở đây. Từ năm 1968-1975, ta phải mất khoảng 1.000 quân tình nguyện của trung đoàn 148, sư đoàn 312 anh hùng mới giải quyết dứt điểm được căn cứ Loong Chẹng vì không xóa sổ Loong Chẹng thì khó có thể giải phóng nhanh gọn tỉnh lị Xiêng Khuảng.

Tại đây tôi gặp Thành “đen” - người xuất hiện tại Loong Chẹng từ năm 1976 ngay sau khi căn cứ này được giải phóng. Hiện anh đang mang quân hàm trung tá, đoàn phó quân sự đoàn qui tập kiêm mũi trưởng mũi Loong Chẹng từ mười năm nay. Anh cho biết Loong Chẹng là địa bàn phức tạp nhất trên bản đồ các chiến dịch qui tập mộ ở rừng Lào.

Nhắc đến Loong Chẹng, sẽ có hàng ngàn người lính biết đến vì “không có nơi nào bom, mìn các kiểu còn gài lại dày đặc và tàn quân phỉ nhiều như vùng rừng hiểm trở nổi tiếng này”. Bản thân Thành là chỉ huy nhưng hơn mười năm chưa một lần anh bỏ một chuyến đi rừng nào. Anh bảo đi tìm mộ và uống thuốc sốt rét là công việc không bao giờ quên. Không ít lần xuất quân trong tình huống “một sống, một chết” nhưng anh vẫn không né tránh để qui tập hàng trăm ngôi mộ.

Tôi hỏi Thành: “Ở Lào lâu quá sao chưa về nước?”. Thành nói rất thật: “Còn nhiều gia đình quân nhân từ hàng chục năm qua vẫn chưa tìm được tung tích người thân. Nhiều người cho rằng chỉ cần một thông tin về vị trí ngôi mộ hay đưa về nước một nhúm đất, một kỷ vật của những người lính là họ cũng an lòng. Chúng tôi đã thề với nhau rằng không bỏ sót bất cứ một người lính nào nằm lại chiến trường - đó là mệnh lệnh!”.

Đưa các anh về với đất mẹ

eK4eTAhK.jpgPhóng to
Đón hài cốt liệt sĩ vừa được mang về từ Loong Chẹng, tại sân bay Xiêng Khuảng - Ảnh: V.T.

Trong chuyến bay trở lại Xiêng Khuảng, tôi về chung với 97 bộ hài cốt liệt sĩ của mũi Loong Chẹng được quy tập trong mùa khô 2005. Khi máy bay vừa hạ cánh đã thấy hàng lính quy tập, lính danh dự VN, bộ đội và thanh niên Lào của tỉnh Xiêng Khuảng quần áo chỉnh tề xếp hai hàng đứng gần cửa máy bay để đón hài cốt về “nhà liệt sĩ”.

Ngày mai lễ cầu siêu sẽ được tiến hành trọng thể tại hội trường Trường Đảng tỉnh Xiêng Khuảng trước khi đưa các anh trở về với quê mẹ - đất Việt. Từng chiếc quách được trân trọng chuyển từ khoang máy bay xuống, từng cánh tay người lính hôm nay nâng niu những gì còn lại của thân thể người lính hôm qua...

Sớm tinh mơ, hai sư thầy và hàng chục sư tăng trẻ đã chuẩn bị chu tất cho buổi lễ cầu siêu trọng thể. Trưởng ban công tác đặc biệt là lãnh đạo hai tỉnh kết nghĩa Nghệ An - Xiêng Khuảng cùng đại diện tổ chức các đoàn thể trong tỉnh Xiêng Khuảng cũng đã có mặt đông đủ. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến một lễ cầu siêu cho các liệt sĩ VN theo phong tục nước bạn Lào bằng những lời tưởng niệm đầy thương tiếc nhưng bi hùng, những lời cầu siêu thoát cho linh hồn và lời cầu bình yên cho sông núi rừng Lào.

Tôi đứng hồn lặng trong tiếng chiêng nối nhịp tiếng cồng đang hòa âm vào trong bao ánh mắt đượm buồn. Cảnh tượng cảm động, trang nghiêm của buổi lễ kéo dài gần hai giờ.

Sau lễ cầu siêu, lễ tiễn đưa diễn ra thật hoành tráng, chiếc xe tải từng bươn chải trong ngõ ngách rừng Lào trong các chuyến qui tập nay mới được “tắm gội” sạch sẽ chở hài cốt liệt sĩ đi đầu.

Ông Xu Căn - bí thư kiêm tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khuảng - và đoàn đại biểu của tỉnh ngồi trong xe chạy sau xe chở hài cốt. Đoàn xe rời thị xã Phôn Sa Vẳn trong niềm lưu luyến của đông đảo bà con đứng tiễn. Xe vừa rời cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã thấy lãnh đạo huyện biên giới Kỳ Sơn và hàng trăm em học sinh cầm cờ hai nước Việt - Lào đang đứng chờ mặc cho trời đang nắng nóng.

Từ đó đoàn xe qua từng huyện Tương Dương, Con Cuông đều phải dừng lại khu vực trung tâm để bà con thắp nhang tưởng nhớ, tôi có cảm giác đây không phải là đoàn di quan mà là hình bóng của đoàn quân tình nguyện đang trở về...

Đất mẹ là đây sau ngàn ngày xa cách, các anh được trở về và an nghỉ chặng cuối tại nghĩa trang Việt - Lào, huyện Kỳ Anh, Nghệ An và từ đây mỗi ngày những người vợ, người con, người thân đã có thể đến viếng thăm, trò chuyện cùng các anh…

-----------------

Tin, bài liên quan:

- Kỳ 2: Những tượng đài vô danh- Kỳ 1: Đêm Thượng Lào cuối mùa khô

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên