19/05/2005 01:04 GMT+7

Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế...

THẾ KỶ
THẾ KỶ

TT - Ngày 26-8-1969, thấy tình hình sức khỏe của Bác diễn biến càng xấu, được sự ủy nhiệm của Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương ra quyết định thành lập ban chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác, trực thuộc Quân ủy trung ương, do thiếu tướng Lê Quang Đạo, ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Quân ủy trung ương, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, làm trưởng ban.

SEXUrYw3.jpgPhóng to
TT - Ngày 26-8-1969, thấy tình hình sức khỏe của Bác diễn biến càng xấu, được sự ủy nhiệm của Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương ra quyết định thành lập ban chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Bác, trực thuộc Quân ủy trung ương, do thiếu tướng Lê Quang Đạo, ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Quân ủy trung ương, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, làm trưởng ban.

Trước mắt ban chỉ đạo tổ chức ngay một đoàn xe có nhiệm vụ vận chuyển, hộ tống thi hài Bác trên những con đường và địa điểm mà thi hài Bác sẽ đi qua, bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Đội xe thành lập xong là tổ chức huấn luyện ngay.

Cứ đêm đến là cả đoàn tập hành quân theo phương án đã được phổ biến. Xuất phát từ vườn Bách thảo, đi hết đường Phan Đình Phùng, rẽ phải sang đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, xuống Trần Thánh Tông, theo lối cổng sau về Viện Quân y 108.

Tại Viện 108, từ cuối năm 1968 đã hoàn thành một công trình đặc biệt mang mật danh 75A, do một tiểu đoàn công binh làm suốt mấy tháng trời. Họ làm ban đêm, từ 7g tối đến 4g sáng, đào đắp hàng trăm mét khối đất đá. Sau công trình 75A là một công trình tương tự ở dưới sân khấu hội trường Ba Đình, mang mật danh 75B.

Chỉ những đồng chí có trách nhiệm ở cấp cao mới biết công trình 75A là nơi sẽ tiến hành phẫu thuật phục vụ việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác, còn công trình 75B là nơi sẽ để thi hài Bác trong suốt mấy ngày liền phục vụ cho lễ tang quốc gia.

Toàn thể cán bộ chiến sĩ từng ngày đêm lao động cật lực xây dựng công trình, các chiến sĩ lái xe trong đoàn xe đặc biệt, các đồng chí cảnh vệ đêm đêm làm nhiệm vụ đứng gác trên các ngả đường ở Hà Nội… tuyệt nhiên không một ai hay biết là việc mình đang làm phục vụ mục đích gì.

Và đặc biệt, chính Bác Hồ cũng không biết những điều đó. Bác không hề biết rằng sau ngày sinh nhật thứ 77, Bộ Chính trị đã họp phiên bất thường dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Duẩn bàn chuyện chăm sóc sức khỏe cho Bác và việc giữ gìn thi hài khi Bác qua đời.

Và đúng ngày 2-9-1967, một tổ bác sĩ gồm ba người được Đảng và Nhà nước ta cử sang Liên Xô học chuyên đề về giữ gìn thi hài. Đó là Nguyễn Gia Quyền - chủ nhiệm khoa giải phẫu Viện 108, Lê Ngọc Mẫn - chủ nhiệm khoa nội tiết Bệnh viện Bạch Mai, Lê Điều - chủ nhiệm khoa ngoại Bệnh viện Việt - Xô.

Cho đến cuối tháng 8-1969, mọi công việc chuẩn bị cho việc giữ gìn thi hài Bác và lễ quốc tang đã cơ bản chuẩn bị xong. Bộ Chính trị đã bố trí thời gian trực tiếp nghe báo cáo và chính thức mời đoàn chuyên gia thi hài Liên Xô sang Hà Nội.

Trong lúc đó, các thầy thuốc giỏi của Trung Quốc do Đảng và Nhà nước ta mời sang từ đầu tháng tám vẫn ngày đêm phối hợp chặt chẽ với hội đồng bác sĩ của ta chăm sóc chạy chữa cho Bác.

Chiều tối 23-8, Viện Quân y 108 cử một tổ công tác gồm hai bác sĩ, hai y tá, một chủ nhiệm khoa dược vào hỗ trợ tổ công tác điều trị cho Bác. Y tá Oanh và Quý được đồng chí Vũ Kỳ trực tiếp giao nhiệm vụ đặc trách làm công tác hộ lý.

Những đêm khuya vắng lặng, trong phòng chỉ còn lại ba ông cháu, những lúc tỉnh, Bác hỏi chuyện về quê hương, gia đình, học tập, công tác và đôi khi hát cho Bác nghe. Y tá Ngô Thị Oanh còn nhớ một lần hát xong, Bác tặng cho một bông hoa hồng.

Ngày 28-8-1969, trên điện tâm đồ xuất hiện diễn biến rối loạn nhịp tim, báo hiệu một cơn nhồi máu khó tránh khỏi. Những cơn đau thắt ngực tăng lên. Hai cháu Oanh và Quý thay nhau xoa ngực cho Bác. Hội đồng bác sĩ mời đoàn chuyên gia y tế Trung Quốc cùng hội chẩn.

Buổi chiều, Bác thiếp đi một lúc vì quá mệt, tỉnh dậy đã thấy vợ chồng đại tướng Võ Nguyên Giáp và chị Đặng Bích Hà đứng bên cạnh, trên tay là một bó hoa huệ 10 bông. Một nụ cười rất tươi nở trên môi Bác.

Có lẽ đây là nụ cười cuối cùng của Bác dành cho hai con người mà Bác rất mực yêu quí. Bác ra hiệu gọi đồng chí Vũ Kỳ và cháu Ngô Thị Oanh lại bên giường, bảo cháu Oanh cắm hoa vào lọ và bảo đồng chí Vũ Kỳ rằng Bác muốn uống một ngụm nước dừa ở cây dừa đầu nhà.

Các bác sĩ tỏ ý không muốn Bác uống nước dừa vì không thích hợp với bệnh tình hiện nay của Bác. Bác đã nói một câu làm cho ai nấy đều xúc động:

- Biết vậy! Nhưng đây là dừa miền Nam.

Ai cũng biết đây là cây dừa do đồng bào miền Nam tặng Bác và suốt 15 năm qua Bác đã chăm sóc với tất cả tình thương yêu tha thiết.

Ngày 29-8-1969, bệnh tình Bác càng nặng thêm. Các đồng chí Bộ Chính trị thay nhau túc trực bên giường Bác.

Bộ Chính trị đã cho kiểm tra lần cuối cùng mọi công tác chuẩn bị. Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh đã tiếp đoàn chuyên gia thi hài của Liên Xô sang giúp ta.

f4xPKQyz.jpgPhóng to
Sau 20 năm, ngày 20-2-1961, Hồ Chủ tịch về thăm lại Pắc Bó (Cao Bằng). Được gặp lại Người, bà con Pắc Bó vô cùng xúc động! - Ảnh tư liệu
Đoàn gồm sáu người do đồng chí S. Đêvôp, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, phó chủ tịch Viện Hàn lâm y học Liên Xô, viện trưởng Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lênin, làm trưởng đoàn. Các đồng chí đã trực tiếp đến kiểm tra các cơ sở 75A, 75B.

Tối 30-8-1969, Bác lại phải trải qua một cơn đau và sau đó đi vào hôn mê. Những biện pháp tốt nhất được hội đồng bác sĩ khẩn trương sử dụng để cấp cứu. Bác dần dần tỉnh lại. Thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang đứng bên cạnh, Bác hỏi ngay:

- Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm quốc khánh đến đâu rồi?

Sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác dặn:

- Các chú nhớ phải bắn pháo hoa để cho nhân dân và các cháu nhỏ vui mừng đón ngày độc lập của đất nước.

Tiếp đó, Bác lại hỏi tình hình lũ lụt và nhân dịp này Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo với Bác ý kiến của Bộ Chính trị đề nghị Bác lên khu sơ tán của trung ương ở Hòa Bình để tiện việc chăm sóc, điều trị cho Bác. Nghe xong, Bác tỏ vẻ không vui và nói ngay:

- Bác không đi đâu cả. Bác không bỏ dân mà đi. Các chú phải tích cực tìm mọi biện pháp bảo vệ cho được đê điều để bảo vệ dân.

Ngày 31-8-1969, sáng sớm, Bác được báo cáo là hôm qua bộ đội tên lửa Hà Nội lập công xuất sắc, bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ. Bác rất vui nói với đồng chí Vũ Kỳ tổ chức gửi tặng một lẵng hoa cho đơn vị lập công.

Cán bộ chiến sĩ sư đoàn phòng không 361 không thể biết Bác Hồ, người tặng hoa cho họ hôm nay, đang sắp phải từ biệt thế giới này.

Ngày 1-9-1969 là một ngày căng thẳng đầy lo âu của mọi người đang túc trực quanh Bác. Lần đầu tiên những người phục vụ nghe tiếng rên của Bác. Điện tâm đồ luôn xuất hiện những ký hiệu xấu. Các đồng chí trong Bộ Chính trị hầu hết đều có mặt, vẻ đau buồn hiện rõ trên từng ánh mắt. Cả dân tộc đang sắp phải gánh chịu một mất mát lớn không gì bù đắp được.

Tuy nhiên, Bác vẫn chưa ra đi. Người thư ký suốt một đời tận tụy với Bác từ những ngày đầu dựng nước lại được Bác giao thêm một nhiệm vụ: nhân dịp kỷ niệm lần thứ 24 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vòng hoa tới viếng các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội.

Sau đó Bác còn bảo ông lo tổ chức gửi tặng lẵng hoa của Chủ tịch nước nhân dịp Quốc khánh cho đội cảnh sát khu vực 4, khu phố Ba Đình, đội bảo đảm giao thông đường bộ I.

Ngày 2-9-1969, cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày Quốc khánh. Không ai biết người khai sinh ra ngày độc lập của dân tộc đang chuẩn bị lên đường đi xa mãi mãi.

Trời mưa, bộ phận phục vụ đã căng bạt ngoài sân, kê thêm nhiều ghế. Mới tờ mờ sáng, hình như có mối tâm linh mách bảo, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Chính trị đều có mặt đông đủ.

Khoảng 9g, một cơn đau đột ngột làm cho Bác phải quặn nghiêng người và cứ thế lịm dần. Máy điện tim chỉ còn thoi thóp và chạy ngang với những đường sáng nhấp nhô yếu ớt. Lúc này, các thầy thuốc Trung Quốc từ từ lần lượt lui ra ngoài.

Bộ phận hồi sức cấp cứu chủ yếu của Viện 108 tập trung làm các động tác hô hấp nhân tạo. Tất cả những người có mặt trong nhà H67 như nín thở, chờ đợi, hi vọng...

Đồng hồ chỉ đúng 9g47 phút.

Nhiều tiếng khóc bỗng òa lên rồi cố nén. Các đồng chí Bộ Chính trị và lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đứng xếp hàng quanh giường Bác mặc niệm, rồi lần lượt bước ra ngoài theo yêu cầu của chuyên môn.

Riêng ba đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cố nán lại, đặt tay lên trán Bác, lên ngực Bác, nước mắt lưng tròng. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương phải giục lần nữa mời rời khỏi giường Bác.

Nhưng sau đó vài phút, đại tướng Võ Nguyên Giáp lại một mình quay trở lại, đứng nhìn Bác một lúc lâu nữa.

Đúng 11g, đoàn xe đặc biệt năm chiếc sau bao nhiêu ngày luyện tập, chờ đợi, có mặt ở trước cổng Phủ chủ tịch. Bốn chiếc đỗ lại bên ngoài dàn đội hình theo phương án đã chuẩn bị, chỉ có chiếc hồng thập tự mang biển số PH1468 do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái được lệnh đi tiếp vào nhà H67 chuyển Bác lên xe đi về 75A Viện 108.

Xe Bác đi theo đường Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tôn, Trần Thánh Tông, như bao chiếc xe khác đang di chuyển trên đường. Không ai biết, không ai ngờ trong chiếc xe đó có một con người vĩ đại, Bác Hồ yêu quí của toàn dân tộc đang đi về cõi vĩnh hằng.

Ngày lễ độc lập, hai bên hè phố người đi lại tấp nập, nhất là ở các ngã ba, ngã tư. Những lá cờ đỏ sao vàng làm bằng giấy nổi bật giữa những chiếc áo mới màu xanh và khăn quàng đỏ của các em thiếu nhi. Lại có cả tiếng trống ếch nữa.

Ngày lễ độc lập bao giờ cũng là ngày lễ lớn của các em với những bài hát ca ngợi Bác Hồ. Bác Hồ đã đem độc lập, tự do về cho đất nước, cho các em. Đời đời các em nhớ Bác.

Mùng 2-9-1945, mùa thu Hà Nội, Bác về…Mùng 2-9-1969, mùa thu Hà Nội, Bác đi xa…

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên và đẹp đẽ. Vì vậy, cả dân tộc càng nhớ đến Người. Hồ Chí Minh vĩ đại!

Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế

THẾ KỶ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên