06/12/2004 22:31 GMT+7

Ngôi nhà Bác Hồ ở bản Nachock

LÊ ĐỨC DỤC - VIỆT HÙNG
LÊ ĐỨC DỤC - VIỆT HÙNG

TT - Nhiều ngôi nhà gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ nay đã trở thành những di tích lịch sử.

3Mbd5ZqE.jpgPhóng to
Cô Adriane Muller, du khách người Brazil, đội chiếc nón lá VN khi đến thăm nhà Bác Hồ trên đất Thái - Ảnh: Lê Đức Dục
TT - Nhiều ngôi nhà gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ nay đã trở thành những di tích lịch sử.

Căn hộ nhỏ ở ngõ phố Compoint (Paris), ngôi nhà trụ sở Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Quảng Châu, hang Pắc Bó, lán Nà Lừa... và còn có thêm một địa chỉ gắn những tháng năm Bác Hồ hoạt động trên đất Thái: ngôi nhà và khu vườn ở bản Nachock, tổng Noongnhạt, huyện Muong, tỉnh Nakhon Phanom.

Từ trung tâm thị xã Nakhon Phanom theo đường 22 ra phía bắc thị xã chừng 6km, rẽ trái, một ngôi làng với những hàng cau cao vút bên cánh đồng vàng ươm màu lúa chín trông vô cùng thân thuộc hiện ra.

Ngôi làng Việt giữa quê người...

Giữa đất Thái, ngôi nhà gỗ ba gian lợp ngói nằm giữa bóng dừa, hàng cau, bụi chuối, và nhất là tấm phên bằng tre rất đặc trưng của xứ Nghệ treo chắn nắng trước cửa chính trông gần gũi đến lạ. Đã hơn 70 năm trôi qua kể từ khi ngôi nhà được dựng nên và chỉ vừa được phục dựng hồi cuối năm 2001.

Cả làng Nachock này có 129 hộ gia đình nhưng chỉ có 10 hộ người Thái, còn tất cả đều là người Việt quê gốc từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... sang từ đầu thế kỷ 20 và năm 1946.

Bác Võ Trọng Tiêu - người đang chăm sóc, gìn giữ khu lưu niệm - dẫn chúng tôi đi thăm vườn và nhà, giọng bác chìm vào hồi ức những ngày được sống gần bên Bác Hồ. Gia đình bác Tiêu vốn là đồng hương với “Thầu Chín”.

Thân sinh bác Tiêu là cụ Võ Trọng Đạt vốn người cùng làng Sen, huyện Nam Đàn, Nghệ An, lớn tuổi hơn Bác Hồ, là thế hệ bạn của bà Nguyễn Thị Thanh - chị ruột Bác Hồ, tản cư sang đây từ cuối thế kỷ 19. Khi Bác Hồ - bí danh “Thầu Chín” (tiếng Thái thầu là ông - ông Chín) - về gây dựng cơ sở ở đây đã được cụ Đạt đón về ở cùng.

Vườn nhà rộng, cụ Đạt đã cùng bà con dân làng giúp ông Chín dựng nên một ngôi nhà gọi là nhà hợp tác. Trên giấy tờ người ta gọi đây là bản Nachock nhưng người Việt vẫn quen gọi đây là bản Mạy - tiếng Thái nghĩa là “làng Mới”.

Bác Võ Trọng Tiêu kể rằng xưa kia gọi Nachock - nghĩa là “chó rừng” - khi những người Việt đầu tiên đến đất này, cả vùng còn là đồng không mông quạnh, đêm đêm tiếng sói tru hoang rợn. Đặt tên làng như vậy cũng là để cám cảnh với thân phận những ngày chạy loạn cơ cực... Khi Bác Hồ về hoạt động đã đề nghị bà con đổi tên Nachock thành bản Mạy - làng Mới - như một kỳ vọng về tương lai tốt đẹp hơn cho dân làng.

Đưa tay chỉ hai cây dừa cao vút trước cổng, bác Tiêu bảo hai cây dừa này được trồng bởi chính tay Bác Hồ, các cây dừa còn lại trong vườn là do các đồng chí của Bác trồng. Trước nhà, chếch về phía trái sân còn một cây khế ngọt dáng vóc cổ thụ, trái lúc lỉu cành, cây này cũng tự tay Bác Hồ trồng thuở ấy, gần thế kỷ qua rồi nhưng cây khế vẫn xanh um bóng lá và cho trái ngọt.

Trước nhà là cánh đồng Noongnhạt, bà con trong làng cấy lúa một vụ ở đây. Xưa kia, khi sống cùng bà con bản Mạy, ông Chín vẫn mùa mưa đi làm đồng, cấy lúa, mùa khô làm vườn, đêm đêm cùng đi bắt cá với bà con trên đồng nước Noongnhạt.

Vài năm trước, khi người anh ruột của bác Tiêu là bác Võ Trọng Đài chưa mất, bác Đài đã kể rằng hồi ấy Bác Hồ dạy chữ cho thiếu nhi trong làng, trong đó có bác Đài. Còn bác Tiêu lại nhớ những năm ấy bác chỉ mới 8 tuổi, chiều chiều ông Chín và anh em đá bóng... “Hồi nớ mỗi lần mọi người đá banh ra khỏi cạnh (banh ra khỏi đường biên) là tui lon ton đi nhặt banh” - bác Tiêu vẫn chìm trong hồi ức...

Cuối năm 1929 Bác Hồ rời bản Mạy, sau đó có vài lần quay lại làng rồi biền biệt cho đến một ngày bà con làng Mạy truyền tai nhau rằng Thầu Chín ở làng mình năm nào nay là Hồ Chủ tịch. Bà con làng Mạy tự hào lắm và ngôi nhà, mảnh vườn đã được bà con gìn giữ bảo vệ... Nhưng đến cuối những năm 1990 khu vườn có ngôi nhà của Bác Hồ khi xưa mới được nhiều người biết đến.

Ngôi nhà qua bao gió mưa không còn nữa, khi được phép của chính quyền Thái Lan, bà con Việt kiều đã góp của góp công gần 270.000 baht (khoảng 100 triệu đồng tiền Việt) để phục dựng ngôi nhà như hiện tại.Vẫn còn lưu dấu trong ngôi nhà chiếc bàn gỗ tự tay Bác đóng từ 70 năm trước.

Gạch lát nền nhà bác Tiêu còn giữ lại được sáu viên, những viên gạch ấy trước kia do bác và các đồng chí của mình tự đúc, tự nung để làm nhà (nay hai viên được đưa về Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, hai viên để ở tòa đại sứ VN tại Bangkok, còn hai viên đang trưng bày tại nhà lưu niệm ở bản Mạy này). Khi phục dựng ngôi nhà, nền nhà đã được lát theo đúng mẫu gạch ấy, duy chỉ có những tấm ngói lợp nhà làm bằng gỗ đỏ nay chỉ còn một viên.

Sau nhà còn treo một chiếc áo tơi mà ngày xưa người dân và Bác Hồ vẫn mặc đi làm đồng ngày mưa, một kho chứa lúa ở phía đầu hồi, rồi những luống cải trổ hoa vàng và hàng cau đón nắng trong khu vườn trên đất Thái khiến chúng tôi cảm giác như đang ở đâu đó trong ban mai một làng quê Việt.

Một địa chỉ du lịch

261vmVlf.jpgPhóng to
Làng hữu nghị Thái - Việt ở Nachock - Ảnh: Lê Đức Dục

Khi chúng tôi đến, Công ty du lịch lữ hành Diethelm Travel vừa đưa đoàn khách quốc tế từ Bangkok về. Họ là những du khách người Đức và Brazil, chưa đến VN bao giờ nhưng đã nghe nhiều về Hồ Chí Minh.

Thế là từ Bangkok, sau khi nghe giới thiệu có một khu lưu niệm lưu giữ những hình ảnh về thời hoạt động của Hồ Chủ tịch ở Nakhon Phanom, họ đề nghị hướng dẫn viên đưa về đây. Tầng dưới ngôi nhà bác Tiêu ở, cũng là phòng tiếp khách, treo rất nhiều hình ảnh về Bác Hồ.

Những du khách đã không giấu vẻ ngưỡng mộ khi nghe hướng dẫn viên dịch lại lời kể của bác Tiêu về những ngày Hồ Chủ tịch hoạt động ở vùng đất này. Chị Võ Thị Hoan - con gái bác Tiêu - cũng là một hướng dẫn viên nghiệp dư vẫn thường thay bố hướng dẫn khách rất tỉ mỉ khi khách đến viếng thăm.

Đoàn khách Đức và Brazil chưa rời khu vườn thì đã có những người khách Việt đến. Bác Tuy, một Việt kiều hành nghề chạy xe tuktuk ở bến phà Nakhon, bảo nhiều người Việt bên Thà Khẹt (Lào) khi có bà con bên VN sang vẫn thường dẫn khách qua phà sang đây thăm khu vườn này...

Không ai nói ra nhưng hầu như ngôi nhà lưu niệm Bác đã trở thành một chốn đi về cho bà con cả vùng đông bắc Thái lẫn bà con Việt kiều bên kia dòng Mekong.

Cũng không thể không nhắc đến một người Thái rất có công trong việc tìm lại di tích cách mạng này là tiến sĩ Atnăn Thachack. Mười năm trước anh sang Hà Nội học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp với luận văn “Nghiên cứu các dân tộc thiểu số người Thái ở VN”, sau đó về nước dạy ở Trường đại học Maha Xarakham.

Chính tiến sĩ Atnăn Thachack đã cùng với trường đại học này xây dựng đề án “Phát triển cụm làng du lịch mang tính lịch sử văn hóa và hữu nghị Thái Lan - VN tại huyện Muong tỉnh Nakhon Phanom” từ năm 1998. Dự án này đã được sự ủng hộ nhiệt tình của ngài đại tướng Chaovalit Yoongchayzout, bấy giờ là phó thủ tướng Thái Lan (sau là thủ tướng), nghị sĩ Quốc hội của tỉnh Nakhon Phanom.

Từ một đề án cấp tỉnh, với sự quan tâm của cả hai chính phủ, đề án đã được nâng lên cấp liên quốc gia. Cùng với ngôi nhà và khu vườn lưu niệm Bác Hồ, một ngôi làng hữu nghị Việt - Thái cũng được xây dựng tại làng Nachock với sự phối hợp giữa các ngành ngoại giao, văn hóa của hai nước từ năm 1999 đến đầu năm 2004 đã được khánh thành, với sự có mặt của thủ tướng hai nước nhân cuộc họp nội các chung tại đây hôm 21-2-2004.

Làng hữu nghị với một hội trường khang trang rộng rãi, một tòa nhà hai tầng được xây dựng trưng bày các tư liệu, hiện vật về thời gian Bác Hồ về hoạt động ở Thái, và thật xúc động khi chúng tôi nhìn thấy nơi đây mô hình ngôi nhà sàn của Bác ở Hà Nội được tái hiện với tỉ lệ 1/10, cả gian nhà nhỏ với khung cửi, chiếc võng gai như ở làng Sen quê ngoại nơi Bác Hồ chào đời...

Vừa đưa vào hoạt động chưa đầy năm mà cuốn sổ lưu niệm tại đây đã dày kín tên người, hầu khắp các quốc tịch. Khách du lịch đến Nakhon Phanom ai cũng muốn được đến thăm ngôi làng Nachock này. Thế mới biết người Thái giỏi làm du lịch, họ đã nhìn ra một sức hút với du khách đến vùng đông bắc Thái từ ngôi nhà nhỏ đơn sơ kia.

-------------------

* Kỳ tới: Trăm năm giữ một nếp nhà...

----------------

Tin, bài liên quan:

* Kỳ 1: Tổ quốc phía mặt trời

LÊ ĐỨC DỤC - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên