24/07/2004 10:48 GMT+7

Gặp lại Trịnh Xuân Thuận

HÀM CHÂU
HÀM CHÂU

TT - GS Trịnh Xuân Thuận đã công bố 120 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và các kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế. Đặc biệt, 10 cuốn sách dày dặn của anh rất được hoan nghênh ở châu Âu và Bắc Mỹ; một số cuốn được dịch ra 16 thứ tiếng.

uupobHOe.jpgPhóng to
GS Trịnh Xuân Thuận
TT - GS Trịnh Xuân Thuận đã công bố 120 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và các kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế. Đặc biệt, 10 cuốn sách dày dặn của anh rất được hoan nghênh ở châu Âu và Bắc Mỹ; một số cuốn được dịch ra 16 thứ tiếng.

Chính Tổng thống Pháp F. Mitterrand đã mời anh cùng giáo sư Trần Văn Khê “tháp tùng” như một “nhịp cầu hữu nghị” trong chuyến sang thăm VN năm 1994, mặc dù biết anh Thuận không mang quốc tịch Pháp.

Tôi xem danh sách ban cố vấn quốc tế của cuộc Gặp gỡ Việt Nam lần 5 sắp khai mạc vào đầu tháng 8-2004 tại Hà Nội thấy có tên anh. "Phải chăng lần này anh về nước với mục đích chính là dự cuộc gặp gỡ này?" - tôi hỏi giáo sư Trịnh Xuân Thuận ngay khi tình cờ gặp lại anh sau bốn năm xa cách, ở phố cổ Hà Nội, tại một cửa hàng... chả cá!

- Đó cũng là một trong những công việc chính mà tôi phải làm trong gần một tháng ở Hà Nội - anh Thuận nói - Ngoài ra còn nhiều việc khác nữa: trao đổi ý kiến với một số vị lãnh đạo các ngành khoa học và giáo dục trong nước nhằm nhanh chóng mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa các viện nghiên cứu và trường đại học lớn ở Mỹ và VN.

Tôi cũng sẽ nói chuyện với các bạn trẻ yêu khoa học ở Hà Nội (lúc 9g sáng 29-7-2004 tại hội trường C2 Trường đại học Bách khoa) về Đi tìm nguồn cội - Big Bang và sau đó, như đã nói chuyện với các bạn trẻ ở TP.HCM.

Theo tôi nhớ, hình như anh đã từng nghe tôi nói chuyện, cũng về đề tài này, tại thành phố Blois, hồi chúng ta cùng dự Gặp gỡ Blois, do anh Trần Thanh Vân tổ chức vào mùa hè năm 1998 ở miền trung nước Pháp?

Lần này tôi về nước theo lời mời của giáo sư Nguyễn Văn Hiệu ở Viện Khoa học tự nhiên và công nghệ VN, nên có nhiều thời gian hơn. Do vậy mới có thể nhẩn nha dạo chơi phố xá, ăn chả cá, bún thang! Ồ, cái món chả cá Lã Vọng có mùi thì là và mùi cà cuống thơm quá đi mất! - Anh Thuận cười sảng khoái.

Sáng nay tôi vừa về quê thắp mấy nén hương trên bàn thờ gia tiên, gặp gỡ bà con, họ hàng, đông vui lắm! Quê tôi ở Mai Lâm, bên kia sông Đuống, đất ngoại thành Hà Nội ấy mà!

Tôi ngạc nhiên bởi vì sau bao nhiêu biến cố, lưu lạc khắp bốn phương trời, thế mà giờ đây anh Thuận vẫn nói sõi tiếng Việt, với giọng của người Hà Nội gốc!

Sinh ngày 20-8-1948, sau Hiệp định Genève năm 1954, trước cảnh chia đôi đất nước, mới 6 tuổi, Trịnh Xuân Thuận đã phải theo gia đình rời Hà Nội vào Đà Lạt rồi về Sài Gòn, theo học “trường Tây” Jean-Jacques Rousseau (trước Cách mạng Tháng Tám là Trường Chasseloup-Laubat).

Từ nhỏ cho đến khi thi tú tài, anh phải “bò” ra học tất cả các môn đều bằng tiếng Pháp! Nào ngờ chính nhờ vốn tiếng Pháp học từ dạo ấy, sau này anh mới có thể viết những cuốn sách dày nổi tiếng thế giới, giàu chất khoa học chính xác cũng như chất thơ bay bổng.

"Mặc dù tốt nghiệp cử nhân tại Viện Công nghệ California, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton, rồi giảng dạy nhiều năm tại Đại học Virginia, nghĩa là từ sáng sớm cho đến đêm khuya chỉ toàn nói, viết bằng tiếng Anh, tôi vẫn không thể nào thông thạo tiếng Anh bằng tiếng Pháp, thứ tiếng mà tôi đã học “nhập tâm” từ bé! - anh Thuận tâm sự - Vốn tiếng Anh của tôi chỉ đủ để viết những công trình chuyên môn, chính xác, với vốn thuật ngữ có hạn, với văn phong khoa học chứ không đủ để cho ngòi bút của mình có thể tung hoành, bay nhảy khi cần diễn tả những sắc thái cảm xúc tinh tế, nên thơ, hay thể hiện những ý tưởng sâu xa có chất văn chương, triết luận".

Cuốn Số phận vũ trụ: Big Bang và sau đó của Trịnh Xuân Thuận viết bằng tiếng Pháp, được Nhà xuất bản Gallimard in ở Paris năm 1992. Ngay năm sau, 1993, cuốn sách đã được phát hành và bán chạy tại New York, qua bản dịch tiếng Anh của Harry N. Abrams.

Cũng trong năm 1993, Oxford University Press in một bản dịch tiếng Anh khác, của Storm Dunlop, phát hành tại Anh và Mỹ. Như vậy cuốn sách này của anh có đến hai bản dịch tiếng Anh.

Gần như cùng một lúc, vào năm 1993, cuốn sách cũng được bày bán rộng rãi tại Munich qua bản dịch tiếng Đức của Ravensburger. Sau đó, cuốn sách của nhà vật lý thiên văn mang cái tên VN có phần lạ lẫm, khó phát âm, được dồn dập dịch và in ở nhiều nước khác: Trung Quốc (1993), Thụy Điển (1994), Ý (1994), Nhật Bản (1995), Hàn Quốc (1995)...

Tuy có chậm hơn song VN ta cũng đã vào cuộc. Cuốn Giai điệu bí ẩn, dịch từ nguyên văn tiếng Pháp La mélodie secrète, được Nhà xuất bản Khoa Học & Kỹ Thuật ấn hành tại Hà Nội đúng vào đầu tháng 8-2000, coi như một ấn phẩm chào mừng khai mạc Gặp gỡ Việt Nam lần 4, với lời nói đầu do chính tác giả viết dành riêng cho bản dịch tiếng Việt:

“Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, VN vẫn là đất nước luôn luôn đề cao những giá trị giáo dục và tri thức. Cuốn sách này mong muốn là một đóng góp nhỏ bé vào công cuộc truyền bá những tri thức đó.

Tôi xin cảm ơn giáo sư Trần Thanh Vân về tất cả những gì ông đã làm để bản dịch tiếng Việt cuốn Giai điệu bí ẩn sớm ra đời. Tôi cũng cảm ơn dịch giả Phạm Văn Thiều, người đã dịch rất hay ra tiếng Việt cuốn sách này".

Trịnh Xuân Thuận bày tỏ niềm ao ước chân thành: “Tôi sẽ rất sung sướng nếu tác phẩm này - tác phẩm đã được thế giới phương Tây đón nhận một cách nồng nhiệt - có thể nuôi dưỡng suy tư và làm thay đổi ít nhiều nhãn quan về thế giới của một số người. Tôi ấp ủ hi vọng nó có thể làm nảy sinh những chí hướng khoa học ở một số bạn trẻ có trí tuệ, và cũng hi vọng những hạt giống được gieo trong các trang sách này đến một ngày nào đó sẽ đâm chồi nảy lộc, phát triển thành cây trái sum sê”.

Cuốn sách lập tức được số “bạn trẻ có trí tuệ” ở nước ta tìm đọc, do đó đã phải in lại ngay trong năm sau, 2001.

Đầu năm 2003, Nhà xuất bản Khoa Học & Kỹ Thuật in tiếp cuốn Hỗn độn và hài hòa của Trịnh Xuân Thuận, do Phạm Văn Thiều và Nguyễn Thanh Dương dịch từ nguyên văn tiếng Pháp Le chaos et l'harmonie in ở Paris.

Lần này về Hà Nội, Trịnh Xuân Thuận tìm gặp lại nhà vật lý giỏi văn chương Phạm Văn Thiều để xem lướt qua bản dịch một cuốn sách khác của anh viết chung với Matthieu Ricard, cuốn L'infini dans la paume de la main (Cái vô tận ở trong lòng bàn tay) được Nhà xuất bản Fayard in ở Paris năm 2000.

Đây cũng là một cuốn sách best-seller ở Pháp, ngay trong đợt phát hành đầu tiên đã bán được hơn 100.000 bản, một con số đáng cho các cây bút VN mơ ước!

Cuốn sách đề cập đến hệ tư tưởng Phật giáo và những vấn đề mới nhất của khoa học hiện đại, soi rọi những bí ẩn vật lý trong thế giới vĩ mô và vi mô cũng như trong xã hội loài người.

Để dịch cuốn sách này, nghe nói nhà vật lý Phạm Văn Thiều đã phải tìm đến sự giúp đỡ của các vị hòa thượng, đại đức!

Chỉ còn hơn mười ngày nữa, Gặp gỡ Việt Nam lần 5 sẽ khai mạc tại Hà Nội. Đây là một hội nghị quốc tế lớn về vật lý hạt cơ bản và vật lý thiên văn, được đích thân Tổng thống Pháp J. Chirac nhận làm người bảo trợ tối cao, do giáo sư Nguyễn Văn Hiệu và giáo sư Trần Thanh Vân làm đồng chủ tịch.

Hội nghị diễn ra trong một tuần, từ ngày 5 đến 11-8-2004 tại khách sạn Horison, đường Cát Linh, Hà Nội. Hơn 250 nhà khoa học của hơn 30 nước và vùng lãnh thổ đã ghi tên dự hội nghị.

Sau phiên họp toàn thể hôm khai mạc, hội nghị sẽ chia thành hai phân ban: phân ban vật lý hạt cơ bản và phân ban vật lý thiên văn.

Ở phân ban vật lý thiên văn mà giáo sư Trịnh Xuân Thuận là một thành viên của ban cố vấn quốc tế, sẽ nghe báo cáo và thảo luận về: bùng nổ tia gamma, tia vũ trụ năng lượng siêu cao, vật chất tối, vật lý thiên văn hạt nhân, vũ trụ học, siêu sao mới, thiên văn học sóng hấp dẫn...

- Chắc anh sẽ trình bày một nghiên cứu mới? - tôi hỏi. - Đúng thế, tôi sẽ báo cáo về những kết quả tôi mới đạt được trong việc nghiên cứu về sự hình thành các thiên hà qua việc khảo sát bằng kính viễn vọng Hubble.

Như chúng ta đã biết, kính viễn vọng vũ trụ mang tên nhà thiên văn học kiệt xuất người Mỹ Edwin Powell Hubble chỉ một số nhà thiên văn học rất nổi tiếng ở Mỹ và trên thế giới mới được phép sử dụng. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nằm trong số đó. Năm 1992, anh đã được tặng Giải thưởng Henri Chretien của Hội Thiên văn học Mỹ.

HÀM CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên