10/04/2004 14:38 GMT+7

Đội xe thồ của gia đình...mù

NGUYỄN NGỌC TÚ
NGUYỄN NGỌC TÚ

TT - Hơn 14 năm qua đội xe đạp thồ của họ đã vận chuyên hàng ngàn khối vật liệu xây dựng (gạch đá, cát sỏi, ve vữa…) cho khách hàng. Đội xe thồ của họ gồm có sáu người, ba người vợ sáng mắt cầm lái đi trước, còn ba ông chồng mù lòa phụ đẩy theo sau.

ZKF3Pr7n.jpgPhóng to
Vợ chồng anh Luân và chiếc xe đạp thồ
TT - Hơn 14 năm qua đội xe đạp thồ của họ đã vận chuyên hàng ngàn khối vật liệu xây dựng (gạch đá, cát sỏi, ve vữa…) cho khách hàng. Đội xe thồ của họ gồm có sáu người, ba người vợ sáng mắt cầm lái đi trước, còn ba ông chồng mù lòa phụ đẩy theo sau.

Mặc cho mù lòa và cái nghề vất vả, những con người không may mắn này đã tạo dựng được một cuộc sống ấm no không thua kém ai. Với người dân thôn Yên Lã (xã Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh) chuyện về đội xe thồ của gia đình người mù cứ như chuyện cổ tích hiện đại...

Nỗi đau .. mù lòa

“Nhà có chín người thì năm người bị mù…”. Bà Quỳnh bắt đầu câu chuyện với tôi bằng một tâm sự buồn về gia đình mình như thế. Thời con gái, bà là cô gái dễ nhìn nhưng do bị mù từ lúc lọt lòng nên mãi đến năm 25 tuổi mới lấy được chồng. Tám đứa con của bà lần lượt ra đời. Ba cô con gái đầu thì không sao, nhưng đến anh Luân - người con thứ tư - thì có “vấn đề” về đôi mắt. “Năm 1964 người con trai thừa tự này ra đời trong niềm vui mừng của cả dòng họ Nguyễn nhà tôi…”. Oái oăm thay, gia đình phát hiện đôi mắt của Luân có hiện tượng khác thường.

Tiếp đến anh Thanh, anh Hiền và cô gái út Nguyễn Thị Hồng đều mang căn bệnh quái ác giống như anh. Bôn anh em đều bất hạnh như mẹ mình. Nỗi đau về những đứa con mù đã đè nặng đôi vai người mẹ nghèo. Hồi ấy, dân làng Yên Lã khổ một thì gia đình nhà bà Quỳnh khổ gấp mười. Căn bệnh quái ác đã không cho những đứa con của bà Quỳnh đến trường như bao đứa trẻ khác.

Chồng mất sớm nên khi các con trưởng thành bà Quỳnh lo nghĩ ngay chuyện lấy vợ, gả chồng cho chúng. Việc lập gia đình cho ba cô con gái đầu dễ dàng, nhưng đến các cậu con trai làm sao đây? Họ đều bị mù, căn bệnh mà gia đình nào trong làng cũng sợ.

Thế rồi, bà mẹ nghèo ấy cũng tìm ra được “diệu kế”: không hỏi được con gái làng thì nhờ người mai mối dạm hỏi con gái nơi khác vậy. Đầu tiên là anh Luân, bà nhờ người mai mối với cô Hào - một cô gái thanh niên xung phong hơn anh ba tuổi ở huyện Tiên Du bên cạnh. Sau một thời gian đi lại tìm hiểu, cô Hào và gia đình cảm động trước sự chân thật và nghị lực sống của chàng trai mù. Năm 1984 đám cưới của họ được tổ chức trong niềm mến phục và vui mừng của họ hàng lối xóm.

Sau đám cưới của anh con trai cả, bà Quỳnh tiếp tục áp dụng “chiêu thức” cũ để hỏi vợ cho anh Thanh, anh Hiền. Sự chân thực trong tình yêu đã giúp các anh “chiến thắng”. Điều diệu kỳ là cả ba anh con trai của bà đều lấy được vợ vào năm 20 tuổi, còn ba cô con dâu đều lành lặn như bao cô gái khác. Với người dân Yên Lã, đó chính là “cổ tích” về tình yêu của những người con mù nhà bà Quỳnh...

Đội xe thồ có một không hai

jjNVv64t.jpgPhóng to
Hai anh em mù và hai người vợ sáng
Mới đầu nhìn ngôi nhà hai tầng khang trang mới xây, tôi không tin nó được vợ chồng anh Luân xây nên từ những đồng tiền thồ thuê cát sỏi, gạch đá... bao năm. Hồi mới lập gia đình cả nhà phải ăn ngô, khoai... thay cơm. Ruộng đất ít, vợ chồng làm thuê đủ việc mà vẫn khổ.

Thế rồi cơ hội đổi đời đến. Những năm 1990, ở Từ Sơn quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, người dân rầm rộ mua bán vật liệu xây dựng để xây nhà cửa. Anh Luân liền bàn bạc với vợ mua loại xe thồ để chở thuê. Chị Hào không đồng ý vì nghĩ chồng mình mù mắt thì làm sao biết đường mà đi, mà có ai dám thuê? “Tôi mù nhưng có sức khỏe, sẽ đảm nhận khâu bốc dỡ, bám càng đẩy theo sau, còn mẹ nó sáng mắt cầm lái đi trước...”.

Nghe anh nói có lý, chị đồng ý. Dốc hết “ngân khố” trong nhà chỉ được 50.000 đồng, chị phải về nhà vay bố mẹ đẻ và anh em trong họ được thêm 500.000 đồng để anh Luân ra phố mua chiếc xe thồ và bốn cái thúng về bắt đầu nghề chở thuê.

Công việc nghe đơn giản, thế mà hai vợ chồng phải “diễn tập” mãi mới làm được. “Ban đầu vợ chồng tôi khổ sở lắm. Bao lần đang đi cả xe đổ nhào ra giữa đường, thế là vợ chồng phải bốc xếp đống gạch đá lại từ đầu…”. Mới đầu nhiều ông chủ ái ngại khi thuê vợ chồng anh, nhưng rồi qua vài lần thử thách, thấy vợ chồng anh làm công cẩn thận, không bị hao hụt vật liệu, nên dần dần mọi người tin cậy.

Được một thời gian, thấy nghề này tuy vất vả, hao sức lực nhưng cũng kiếm ra tiền, anh Luân bàn bạc với vợ chồng hai cậu em trai mua xe theo đuổi nghề này. Sau cuộc họp gia đình, đội xe thồ của gia đình nhà mù chính thức ra đời.

Cũng từ đấy, người dân xã Tân Hồng quen thuộc hình ảnh đội xe thồ với ba người vợ sáng mắt cầm lái đi trước, ba ông chồng mù theo sau đẩy. Tiếng tăm về “thương hiệu” của đội xe thồ mù được nhiều người trong huyện biết đến. Trung bình mỗi ngày mỗi đôi vợ chồng kiếm được 40.000 - 60.000 đồng.

Bây giờ, hễ người nào trong xã xây dựng nhà cửa đều vào tận nhà gọi thuê ba anh em họ. Thấy gia đình ba anh em mù làm ăn được, nhiều người trong xã cũng mua xe làm theo. Vậy mà đội xe “mù” vẫn luôn có việc làm quanh năm. Anh Luân vui mừng khoe: “Cái nghề này cho cơm cho gạo đấy! Hai chú em tôi đang chuẩn bị năm sau xây nhà. Hạnh phúc nhất là con cháu chúng tôi đều được đi học vì không có đứa nào bị mù như bố và bà nội của chúng… ”.

NGUYỄN NGỌC TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên