30/04/2012 01:00 GMT+7

Thủy điện không đập

NGỌC PHỤNG - THẾ HÙNG thực hiện
NGỌC PHỤNG - THẾ HÙNG thực hiện

TT - Một công nghệ làm thủy điện mới có tên gọi là thủy điện không đập đang được một số nước áp dụng và thành công. Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, người tìm hiểu kỹ về chuyện này - cho biết:

hs6GQ68I.jpgPhóng to

Các tuôcbin được lắp đặt trên sông East (TP New York) - Nguồn: http://www.yamba-net.org/eng

- Trước đây người ta phải xây đập, có hồ chứa cao tạo ra cột áp nước quay các tuôcbin để tạo dòng điện. Công nghệ mới không cần đến các cột nước đó, chỉ cần dòng chảy của nước, thủy triều là có thể tạo ra điện nên người ta gọi là thủy điện không đập.

* Cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Có nhiều cách làm thủy điện không cần xây đập, nhưng công nghệ gây chú ý và triển vọng nhất là lắp đặt tuôcbin cánh quạt ngầm dưới nước, lợi dụng dòng chảy của thủy triều từ sông hoặc kênh nhân tạo tác động vào, cánh quạt chuyển động và từ đó phát ra năng lượng. Tùy theo dòng chảy mạnh hay yếu, người ta lắp đặt những tuôcbin cánh quạt nhỏ hay lớn phù hợp để tạo ra nguồn điện lớn hay nhỏ. Tất nhiên, do đặt ngầm dưới nước nên đứng trên bờ không nhìn thấy được hệ thống này.

Với thiết kế đơn giản, các hệ thống này có thể mở rộng quy mô để sản xuất điện hiệu quả ở những khu vực sông, suối khác nhau. Hệ thống có ít bộ phận chuyển động nên chi phí vận hành và bảo trì cũng thấp hơn. Ngoài ra, do không cần đập, công trình ngăn dòng, xây hồ chứa hoặc các công trình dân dụng lớn khác nên hệ thống ít tác động tới cộng đồng và môi trường. Đặc biệt do vốn đầu tư thấp nên thích hợp để sử dụng ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Lào, Campuchia...

Công trình được thiết kế để tự vận hành, không cần có người trông coi. Tuổi thọ của các tuôcbin 20-25 năm, công tác bảo trì thực hiện năm năm một lần.

6Fi4uHSO.jpgPhóng to
Ông Kỷ Quang Vinh - Ảnh: N.P.
* Chi phí lắp đặt hệ thống này so với xây đập thủy điện có kinh tế hơn?

- Chi phí sẽ rẻ hơn so với việc xây đập. Vì không cần ngăn dòng đắp đập mà chỉ lắp tuôcbin dưới lòng sông nên sẽ tiết kiệm được phần lớn chi phí của một công trình thủy điện. Nhưng trên hết, về môi trường sẽ có lợi hơn nhiều so với việc xây đập bởi không phải đốn cây, phá rừng, di dời dân; không phải xây hồ chứa nước rồi lo điều tiết nó, thậm chí lo ngay ngáy lúc hồ dư nước phải tháo xổ. Đó là chưa kể mối lo đập bị sự cố (như Sông Tranh 2 chẳng hạn). Theo tính toán của các dự án đã tiến hành, giá thành điện sẽ từ 6-10 cent/kWh.

* Hiện đã có quốc gia nào trên thế giới áp dụng công nghệ “thủy điện không đập” này chưa?

- Đã có một số dự án thuộc Scotland, Bắc Ireland, Anh bắt đầu bán điện thương phẩm. Gần đây nhất, đáng chú ý có dự án ở sông East (New York, Mỹ). Dự án này đã thử nghiệm trong hai năm 2006-2008. Hiện người ta đang sử dụng sáu tuôcbin để tạo ra 80MW điện năng nối lưới từ dòng triều của sông East cho các hộ tiêu thụ tại New York. Sắp tới họ sẽ lắp đặt thêm 30 tuôcbin nữa, sau khi hoàn thành có thể cung cấp một lượng điện khoảng 2.400MW. Tham vọng của những người thực hiện là có thể cung cấp khoảng 20% nhu cầu điện của thành phố New York từ dự án này. Với những cải tiến công nghệ liên tục trong thời gian gần đây, về lâu dài, công suất lắp đặt của một hệ thống có khả năng đạt trên 60GW.

* Như vậy, có thể nói trong tương lai người ta có thể hoàn toàn loại bỏ các đập thủy điện?

- Nếu như có thể áp dụng công nghệ mới tạo ra điện mà không cần ngăn dòng đắp đập thì tại sao chúng ta không áp dụng? Những sự cố gần đây của các đập thủy điện cũng như việc tháo dỡ hàng loạt đập thủy điện trên thế giới chứng minh công nghệ đó đã là quá khứ. Nó không còn giữ được ý nghĩa ban đầu là vừa phát điện, vừa cung cấp nước tưới tiêu, vừa điều tiết lũ lụt. Các hồ chứa hiện nay đã trở thành nguy cơ tai họa của môi trường, cần được xem xét loại bỏ càng sớm càng tốt.

NGỌC PHỤNG - THẾ HÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên