21/11/2011 05:11 GMT+7

Vi phạm bảo vệ môi trường: Xử phạt nửa vời

Ông LƯƠNG DUY HANH (chánh thanh tra Tổng cục Môi trường)
Ông LƯƠNG DUY HANH (chánh thanh tra Tổng cục Môi trường)

TT - Mới đây, Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM phúc kiểm tại một số doanh nghiệp (DN) và phát hiện hàng loạt trường hợp tái phạm, một số trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc tạm đình chỉ các công đoạn gây ô nhiễm.

nNZs2YXD.jpgPhóng to
Một cơ sở nấu nhôm gây ô nhiễm ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) bị cơ quan hữu quan yêu cầu ngưng hoạt động, nhưng sau đó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường kiểm tra và phát hiện cơ sở này vẫn hoạt động bình thường - Ảnh: N.Triều

Có thực trạng này một phần do ý thức chấp hành pháp luật của DN chưa cao, đồng thời có nguyên nhân từ việc xử phạt không nghiêm.

Hiếm có quyết định truy thu

"Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể tính toán được khối lượng chất thải mà DN xả trái phép để áp dụng hình thức buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này còn bỏ ngỏ. Vì thế nhiều DN dù bị phạt nhiều lần vẫn không khắc phục"

Lỗi vi phạm phổ biến nhất của các DN là xả nước thải, khí thải, chất thải rắn nguy hại chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường để tiết kiệm tối đa chi phí xử lý nước thải, khí thải và tăng lợi nhuận của DN. Do đó, việc xử lý vi phạm phải đánh trúng vào túi tiền mà DN thủ lợi từ hành vi vi phạm mà có, tức ngoài xử phạt hành vi vi phạm còn phải buộc DN truy nộp khoản tiền tương ứng những gì lẽ ra DN phải chi để thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.

Còn nhớ năm 2008, sau khi phát hiện Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN xả trái phép nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, Thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường đã xử phạt hành chính 267 triệu đồng và buộc công ty này phải nộp hơn 127 tỉ đồng phí bảo vệ môi trường đối với lượng nước thải đã xả trộm ra môi trường. Dễ dàng thấy rằng tính răn đe ở đây không phải là hình thức xử phạt đối với hành vi xả thải trái phép mà nằm ở biện pháp khắc phục, buộc DN phải chi trả khoản tiền mà DN làm lợi từ hành vi vi phạm.

Trên thực tế từ sau vụ Vedan, ngoài một số trường hợp vi phạm do Thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường, Tổng cục Môi trường phát hiện, xử phạt và truy thu phí bảo vệ môi trường, rất hiếm có quyết định xử phạt của các cơ quan quản lý môi trường địa phương, cảnh sát môi trường buộc DN truy nộp khoản tiền này.

“Không được phép công khai”

Một biểu hiện nửa vời nữa trong xử lý vi phạm về môi trường lâu nay là công tác kiểm tra sau xử lý không được thực hiện đầy đủ, dẫn đến tình trạng DN chỉ cần nộp tiền phạt là có thể coi như đã chấp hành xong quyết định xử phạt, còn việc khắc phục thế nào thì tới đâu hay tới đó.

Mặt khác, đối với các DN vi phạm, bị phạt tiền nhiều hay ít không đáng ngại bằng việc bị công khai ra trước dư luận vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh DN. Cách đây vài năm, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM đăng công khai “danh sách đen” các DN gây ô nhiễm tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn và hiệu quả thấy rõ là các DN sau đó chạy đua với thời gian để khắc phục vi phạm nhằm sớm được rút tên khỏi danh sách.

Điều 58, nghị định 117 do Chính phủ ban hành ngày 31-12-2009 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định biện pháp công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật của các DN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Điều này cho phép người ra quyết định xử phạt có quyền chủ động công khai trên các website chuyên ngành, các phương tiện thông tin đại chúng về vi phạm của DN nhằm răn đe những trường hợp tương tự.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ, cơ quan có thẩm quyền xử phạt lại hiểu rằng chỉ những trường hợp vi phạm được kết luận là nghiêm trọng mới được cung cấp thông tin cho báo chí. Vì thế, rất nhiều vụ vi phạm được các cơ quan này phát hiện, xử phạt nhưng khi báo chí đề nghị cung cấp thông tin thì chỉ nhận được cái lắc đầu với lý do “không được phép công khai”. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng cách hiểu như thế rất dễ tạo kẽ hở để người thực thi pháp luật với đối tượng vi phạm thỏa hiệp cùng nhau để bưng bít thông tin mà lẽ ra dư luận có quyền được biết, từ đó giảm hiệu quả răn đe của biện pháp xử lý vi phạm.

* Hộ kinh doanh Mạnh Cường tại 2C13, ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh với ngành nghề đăng ký là giặt ủi, nhưng thực tế có sử dụng các hóa chất để tẩy, nhuộm quần áo. Là hộ kinh doanh nhưng thực tế đây là một nhà xưởng gia công với hàng chục công nhân cùng hàng loạt thiết bị như lò hơi, máy giặt cỡ lớn phục vụ công đoạn giặt tẩy. Lượng nước thải, khí thải phát sinh từ hoạt động của nhà xưởng này khá lớn nhưng không được xử lý và xả thẳng ra môi trường.

Tháng 5-2011, UBND TP đã có quyết định xử phạt hộ Mạnh Cường 35 triệu đồng và yêu cầu phải có biện pháp xử lý khí thải cũng như xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên ngày 9-11, đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh này vẫn phớt lờ việc khắc phục ô nhiễm và chưa chịu đóng phạt. Khi đoàn kiểm tra niêm phong buộc dừng hoạt động lò hơi, thiết bị giặt... thì ngày hôm sau hộ kinh doanh này tự ý tháo niêm phong để tiếp tục hoạt động.

* Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty TNHH may mặc King Star (gọi tắt là Công ty King Star, đường Lê Văn Quới, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải phát sinh từ sinh hoạt của hơn 1.500-1.700 công nhân cũng như hoạt động của nhà xưởng. Tháng 7-2011, Công ty King Star đã bị UBND Q.Bình Tân xử phạt 12,5 triệu đồng. Cũng với những vi phạm trên, hai tháng sau, công ty này tiếp tục bị UBND TP xử phạt 75 triệu đồng. Giải thích việc chậm khắc phục ô nhiễm, đại diện Công ty King Star nói rằng “do chủ Công ty King Star là người nước ngoài nên chưa hiểu rõ các quy định về môi trường. Quá trình tìm đơn vị thi công hệ thống xử lý nước thải mất nhiều thời gian...”.

* Trong khi đó, Công ty TNHH may thêu Thuận Phương (đường Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6) dù đã bố trí nơi chứa chất thải nguy hại nhưng rất sơ sài và được bố trí chung với hầm xe, đồng thời chưa có hệ thống xử lý nước thải. Trước đó, công ty này đã bị UBND TP phạt 61 triệu đồng với hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn ra môi trường và không có sổ đăng ký nguồn thải, chất thải nguy hại. Đến thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH may thêu Thuận Phương vẫn chưa đóng phạt vì cho rằng mình gặp khó khăn về tài chính, đồng thời có văn bản gửi UBND TP xin được miễn tiền phạt.

Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty TNHH một thành viên Vân Thành (xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh), Công ty TNHH một thành viên thương mại sản xuất giấy Trường Phúc (xã Bình Lợi, Bình Chánh) dù từng bị phạt về các hành vi gây ô nhiễm môi trường nhưng đợt tái kiểm tra vừa qua cũng chưa có biện pháp khắc phục.

Ông LƯƠNG DUY HANH (chánh thanh tra Tổng cục Môi trường)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên