27/02/2011 07:53 GMT+7

Tòa án Brazil cản dự án thủy điện trên sông Amazon

HIẾU TRUNG (Theo Guardian, AFP, Amazon Watch)
HIẾU TRUNG (Theo Guardian, AFP, Amazon Watch)

TT - Một tòa án ở Brazil đã ra lệnh tạm ngưng dự án xây dựng đập thủy điện khổng lồ Belo Monte ở bang miền nam Para với lý do con đập này sẽ hủy diệt môi trường rừng nhiệt đới Amazon.

Tl2qtB6p.jpgPhóng to
Thổ dân Amazon liên tục biểu tình phản đối đập Belo Monte - Ảnh: Getty Images

Thẩm phán Ronaldo Desterro của Tòa án bang Para cho biết Cơ quan môi trường Brazil đã thông qua kế hoạch xây dựng đập thủy điện Belo Monte trên sông Xingu (nhánh chính của sông Amazon ở phía đông nam) mà không đảm bảo rằng dự án trị giá gần 19 tỉ USD này đáp ứng 29 yêu cầu môi trường. Một trong những mối lo ngại lớn nhất là đập Belo Monte có thể sẽ làm đứt quãng dòng chảy của sông Xingu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và giao thông dọc con sông. Thẩm phán Desterro cũng ra lệnh cấm Ngân hàng Phát triển quốc gia Brazil hỗ trợ tài chính cho dự án xây đập Belo Monte.

Phán quyết của Tòa án bang Para không phải là bản án cuối cùng đối với đập Belo Monte. Chính quyền Brazil có thể sẽ đưa vụ việc lên các tòa án cấp cao hơn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng người dân Brazil không chịu ngồi yên nhìn môi trường bị tàn phá.

Án tử hình đối với sông Xingu

Là đập thủy điện lớn thứ ba trên thế giới sau đập Tam Hiệp (Trung Quốc) và Itaipu (Brazil - Paraguay), đập Belo Monte dài 6km và có công suất dự kiến khoảng 11.233 MW. Chính quyền Brazil khẳng định Belo Monte sẽ cung cấp điện cho 23 triệu hộ gia đình trong khu vực và tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, các tổ chức môi trường ở Brazil và thế giới khẳng định đập Belo Monte sẽ là một thảm họa sinh thái và xã hội bởi nó sẽ hủy diệt môi trường sinh thái của sông Xingu, nguồn sống chính của 50.000 người dân địa phương, trong đó có các cộng đồng của 18 bộ tộc thổ dân Amazon. Ít nhất 20.000 người sẽ rơi vào cảnh mất nhà cửa và phải di dời. Con đập khổng lồ này cũng sẽ làm ngập ít nhất 668km2 đất, trong đó có gần 500km2 là diện tích rừng nguyên sinh Amazon, một trong những lá phổi xanh cực kỳ quan trọng đối với cả môi trường thế giới. Hồi đầu tháng 2, tổ chức bảo vệ môi trường đã đâm đơn khiếu nại lên văn phòng tổng thống đòi bà Dilma Rousseff bãi bỏ kế hoạch xây dựng đập Belo Monte. Lá đơn này có chữ ký của hơn 600.000 người dân Brazil. Các cộng đồng thổ dân Amazon cũng liên tục biểu tình ở thủ đô Brazilians trong nhiều tháng qua để gây sức ép lên chính quyền.

“Đây là một cuộc chiến sinh tử - nhà hoạt động bảo vệ môi trường Sheyla Juruna tuyên bố - Với việc xây dựng đập Belo Monte, chính quyền Tổng thống Rousseff không chỉ xâm phạm quyền lợi của người dân bởi đây không chỉ là việc bảo vệ sông Xingu mà còn là nỗ lực bảo vệ cả con sông và rừng nhiệt đới Amazon cũng như cả hành tinh của chúng ta”. Trưởng bản Ireo Kayapo của cộng đồng thổ dân sống dọc sông Xingu cho rằng chính quyền Brazil đã ký bản án tử hình đối với sông Xingu.

Thủy điện không sạch

Theo các quan chức chính quyền Brazil, đập thủy điện Belo Monte sẽ cung cấp nguồn điện sạch, ít khí thải nhà kính và đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng và môi trường khẳng định thủy điện trên thực tế không sạch như nhiều người lầm tưởng. Thứ nhất, các hồ chứa thủy điện xả ra một lượng lớn khí CO2 và khí methane (gây hiệu ứng nhà kính gấp 25 lần CO2) do cây rừng ngập trong nước bị phân hủy. Viện Nghiên cứu Amazon quốc gia ước tính trong mười năm đầu, đập Belo Monte sẽ thải ra môi trường 112 triệu tấn CO2. Một nghiên cứu từ năm 1990 cho thấy đập Curua-Una cũng ở Brazil xả khí thải CO2 nhiều gấp 3,5 lần một nhà máy điện chạy dầu. Đó là chưa kể đến việc đập Belo Monte sẽ phá hủy một diện tích rừng nguyên sinh rất lớn, có chức năng hấp thụ CO2.

Thứ hai, đập thủy điện Belo Monte không chỉ cung cấp điện cho các hộ gia đình mà còn cho cả những ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng như khai thác mỏ và luyện nhôm. Sẽ có thêm nhiều nhà máy nhôm và kim loại mọc lên ở bang Para, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều khoảng rừng bị phá hủy, nhiều cộng đồng dân cư lâm vào cảnh mất nhà cửa.

Các chuyên gia năng lượng cũng cho biết đập Belo Monte sẽ là một khoản đầu tư tiền thuế của dân cực kỳ lãng phí. Phần lớn ngân sách dự án được rút ra từ các quỹ hưu trí, trong khi nó chỉ chạy với 39% công suất dự kiến mỗi năm do chỉ hoạt động với 10% công suất trong mùa khô từ tháng 7 đến tháng 10. Quỹ thiên nhiên hoang dã (WWF) cho biết nếu đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm và sử dụng tối đa hiệu quả năng lượng, Brazil sẽ tiết kiệm được một lượng điện tương đương với công suất của 14 đập Belo Monte từ nay đến năm 2020.

HIẾU TRUNG (Theo Guardian, AFP, Amazon Watch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên