09/12/2016 08:25 GMT+7

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: Đề nghị ngưng thả 3 loài cá

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Đó là cá rô phi, cá trôi, cá chép. Lý do: đây là những loài cá không có cơ quan hô hấp phụ, đồng thời chúng cũng đã quá đông đúc ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hay nói theo thuật ngữ chuyên môn là “mật độ đã vượt quá sức tải thủy vực”.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào tháng 5-2016 - Ảnh: Hữu Khoa
Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào tháng 5-2016 - Ảnh: Hữu Khoa

Khuyến cáo nói trên được đưa ra tại buổi nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu khả năng thả cá dựa trên tính toán sức tải thủy vực của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” vào ngày 8-12, do PGS.TS Vũ Cẩm Lương (khoa thủy sản Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) làm chủ nhiệm đề tài.

Cần tạo đàn cá khỏe mạnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Vũ Cẩm Lương nói rằng nếu đàn cá sống trong điều kiện quá đông đúc (vượt ngưỡng sức tải của kênh) thì lúc nào sức đề kháng của cá cũng kém. Với điều kiện sinh sống như vậy, khi gặp phải các yếu tố môi trường bất lợi, đàn cá sẽ rất dễ chết. Và khi một số lượng cá nhất định bị chết sẽ gây ra cái chết dây chuyền trong đàn.

Ông Lương nhấn mạnh, một trong những ưu tiên là cần tạo ra đàn cá khỏe mạnh ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Theo nhóm nghiên cứu, có sáu đặc điểm làm cơ sở đề xuất cơ cấu thành phần loài cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè: tính xâm lấn, sức tải của kênh, tính ăn, điều kiện môi trường, tính bản địa và giá trị thưởng ngoạn.

Trong đó, tính xâm lấn được quan tâm hàng đầu, nhằm kiểm soát loài ưu thế phát triển áp đảo và mang tính lấn át. Các nhà khoa học của TP lưu ý đây là đặc điểm có khả năng gây hại đến hệ sinh thái.

Không những vậy, kết quả nghiên cứu ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn cho thấy nguồn thức ăn tự nhiên cho cá ở kênh này thiếu thốn nghiêm trọng, bao gồm cả động vật đáy, phiêu sinh thực vật, phiêu sinh động vật.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết nghiên cứu về tính ăn của cá đã có cơ sở cho đề xuất ngưng thả các loài cá ăn tạp như rô phi, trôi, chép xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng xác định được “nút thắt” về chất lượng nước kênh đối với đàn cá. Trong đó, hàm lượng oxy hòa tan (DO) vào lúc sáng sớm, nhất là thời điểm nước ròng, là một trong những yếu tố môi trường bất lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá.

Cụ thể, tình trạng thiếu oxy vào lúc 6g sáng là đặc điểm chung cho hệ sinh thái kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Khi đó, hàm lượng oxy trong nước kênh chỉ trên dưới 1mg/l.

Trong khi nhiều dữ liệu khoa học đã xác định: với hàm lượng oxy trong nước lớn hơn 1mg/l, là lượng tối thiểu cần cho cá đủ sống trong một quãng thời gian nhất định. Còn ở môi trường nước có hàm lượng oxy ở khung từ 0,3 đến 1mg/l sẽ làm cá chết ngạt nếu tình trạng thiếu oxy này kéo dài...

Phải tính đến giá trị thưởng ngoạn

Khả năng sinh sống của đàn cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn được xem là tín hiệu (chỉ thị sinh học) về mức độ cải thiện môi trường ở đây. Như vậy, nếu khuyến cáo ngưng thả cá rô phi, trôi, chép ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì những loài cá nào cần được tính đến có thể thả và sinh sống ở môi trường kênh này?

Nhóm nghiên cứu đưa ra lý giải, ứng với điều kiện môi trường hiện tại ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (thiếu oxy lúc sáng sớm, thay đổi đột ngột chất lượng môi trường nước vào các thời điểm sau mưa lớn...), nên đòi hỏi các loài cá thả xuống kênh không chỉ chịu đựng được điều kiện môi trường này, mà chúng phải có khả năng ứng phó được khi môi trường có sự thay đổi đột ngột.

Những “ứng cử viên” sáng giá cho điều kiện sống khá “cứng” này chính là những loài cá trê, lóc, mùi (hay còn gọi là cá hường), tra, rô đồng.

Nhóm nghiên cứu cho biết đây là nhóm cá được ưu tiên “ứng cử” để thả ở môi trường nước như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vì chúng có cơ quan hô hấp phụ, chịu đựng được môi trường sống khắc nghiệt.

Nhưng việc đàn cá sinh sống ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn là một cảnh quan đô thị, còn phải mang giá trị thưởng ngoạn. Với khía cạnh này, dù sống tốt với môi trường khắc nghiệt nhưng các loài cá trê, lóc, mùi, rô đồng... ít nổi lên tầng mặt, người thưởng ngoạn sẽ ít nhìn thấy cá ở kênh.

Ngược lại, cá rô phi, cá chép... không có cơ quan hô hấp phụ (khả năng chịu đựng môi trường khắc nghiệt sẽ kém hơn) nhưng bù lại chúng có giá trị thưởng ngoạn tốt hơn, như thường xuyên nổi lên tầng mặt, riêng cá chép lại có thêm màu sáng.

Khuyến khích thả cá trê vàng, lóc, mùi, tra, rô đồng

Với đặc điểm trên, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị các loài cá trê vàng, lóc, mùi, tra, rô đồng được xem là loài bản địa và được khuyến khích thả. Riêng cá mùi và trê vàng có màu sáng, có thể làm tăng giá trị thưởng ngoạn.

Còn cá rô phi, chép không có cơ quan hô hấp phụ, được đề xuất ngưng thả, nhưng lại có tần suất lên tầng mặt cao nên cũng cần cân đối tỉ lệ thích hợp trong cơ cấu đàn cá ở kênh.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, với thực tế đàn cá ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện nay, rô phi là một trong ba loài cá cần ngưng thả, đồng thời cần tỉa thưa và theo dõi định kỳ, vì tính xâm lấn quá mức của loài này.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên