18/12/2004 10:55 GMT+7

Trung đoàn Bình Giã

NGUYỄN VĂN TÒNGNguyên chính ủy trung đoàn Bình Giã (1964-1965), nguyên giám đốc Sở VH-TT TP.HCM
NGUYỄN VĂN TÒNGNguyên chính ủy trung đoàn Bình Giã (1964-1965), nguyên giám đốc Sở VH-TT TP.HCM

TTCN - Sau Đồng khởi ở Nam bộ (1960), Trung ương có nghị quyết đẩy mạnh mũi đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Ở Nam bộ, cuối năm 1960 đầu 1961, các tỉnh đã có lực lượng vũ trang từ xã, huyện và tỉnh, có đại đội quân số có khi lên đến 200-300 người (Long An).

T73gxZRY.jpgPhóng to

Máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Bình Giã

TTCN - Sau Đồng khởi ở Nam bộ (1960), Trung ương có nghị quyết đẩy mạnh mũi đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Ở Nam bộ, cuối năm 1960 đầu 1961, các tỉnh đã có lực lượng vũ trang từ xã, huyện và tỉnh, có đại đội quân số có khi lên đến 200-300 người (Long An).

Lần lượt các khu có lực lượng cấp tiểu đoàn, miền (Nam bộ), có chủ lực miền ở cấp trung đoàn, với khung cán bộ tập kết trở về và chiến sĩ là thanh niên đồng khởi ở các tỉnh. Trung đoàn 1 lấy phiên hiệu là Q.761 (thành lập tháng 7-1961).

Theo ngày tháng ghi như trên thì chủ lực miền ra đời kịp thời với quân du kích và bộ đội địa phương, hình thành ba thứ quân ở Nam bộ. Lúc này các thứ quân còn đặt dưới sự chỉ huy của ban quân sự các cấp. Đến tháng 10-1963 mới có quyết định tổ chức bộ chỉ huy quân sự miền (Nam bộ) và bộ tư lệnh các quân khu.

Quân chủ lực miền có hai trung đoàn, ngoài trung đoàn 1 có trung đoàn 2 lấy phiên hiệu là Q.762, được tổ chức trong năm 1961 với cán bộ và chiến sĩ là bộ đội Nam bộ tập kết.Một vấn đề quan trọng lúc ấy là làm sao “loại phi pháo địch ra khỏi vòng chiến đấu” vì cái mạnh tuyệt đối của địch là hỏa lực.

Về hỏa lực Mỹ sử dụng ở VN, sử sách Mỹ có viết: “Trong chiến tranh Triều Tiên, mỗi người lính (Mỹ) dùng số lượng đạn dược bằng tám lần trong chiến tranh thế giới lần 2, còn trong chiến tranh VN, con số đó là 26 lần so với thời gian 1941-1945.

wyFzPAko.jpgPhóng to
Diễn biến trận vận động tiến công Bình Giã - Xuân Sơn của eBB1/QKMĐ (từ ngày 28 đến 31-12-1964)
Việc sử dụng hỏa lực chưa từng có thay cho sức người là đặc điểm nổi bật của chiến thuật quân sự Mỹ trong chiến tranh VN”.

Chức năng chủ yếu của quân đội Mỹ là phát hiện mục tiêu cho hỏa lực phi pháo. Một tướng lục quân Mỹ kết luận: “Đừng đánh tay đôi với họ, phát hiện và tránh rồi trút lửa vào và kiểm soát sau đó”.

Quân Sài Gòn do Mỹ tổ chức, trang bị huấn luyện và cố vấn nên cách đánh của họ là cách đánh của Mỹ: sử dụng hỏa lực tối đa, tránh đánh xáp gần với quân giải phóng.

Anh em chiến sĩ đã tìm cách giải quyết là xáp vô đội hình bộ binh địch mà đánh, không cho chúng phân tuyến, hay nói cách khác là đánh gần và đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết: “Nắm thắt lưng địch mà đánh”.

Tất nhiên ta cũng có nhiều cách để hạn chế phi pháo địch trong chiến đấu như: pháo kích trận địa pháo địch (gọi là kềm pháo); bắn máy bay bằng trọng liên 12,7 vì không có cao xạ; phòng ngự có công sự và chiến hào; trận địa giả...

Nhưng cách “bám thắt lưng địch mà đánh” là cách hay nhất để bảo vệ bộ binh của ta, buộc bộ binh của địch phải xáp chiến, không thể bỏ chạy hoặc phân tuyến được.

Phải công nhận rằng đây là cách đánh sáng tạo của chiến sĩ xuất phát từ tư tưởng tấn công tiêu diệt địch, bảo vệ mình để tiêu diệt địch.

Trận Bình Giã

DiijZIyz.jpgPhóng to

Từ trái sang: Bùi Thanh Vân (trung đoàn phó trung đoàn 1), Tạ Minh Khâm (trung đoàn trưởng trung đoàn 2), Nguyễn Văn Tòng (chính ủy trung đoàn 1) và Nguyễn Thới Bưng (trung đoàn phó trung đoàn 2)

Sau chiến thắng An Nhơn Tây (Củ Chi), tháng 11-1964, trung đoàn rời Củ Chi hành quân về phía đông nam Sài Gòn, vùng Bà Rịa và Long Khánh, để cùng với trung đoàn 2 và các đơn vị bạn tham gia chiến dịch. Trung đoàn lên đường với trang bị vũ khí cũ đã có khi thành lập, nhưng với khả năng chiến đấu khá hơn trước, cụ thể là đã quen chiến đấu toàn trung đoàn và đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn, chiến đoàn địch ngoài trời.

Bộ chỉ huy chiến dịch căn cứ vào sở trường của trung đoàn đã giao nhiệm vụ cho trung đoàn đánh địch ngoài trời, đập tan chiến thuật trực thăng vận của địch.

Kế hoạch trận đánh của chiến dịch ở Bình Giã là đơn vị bạn tấn công chiếm lĩnh ấp chiến lược Bình Giã, đẩy lùi lực lượng bảo an đến giải tỏa, buộc địch phải đưa các tiểu đoàn cơ động đến. Trung đoàn 1 có nhiệm vụ bố trí tiêu diệt tiểu đoàn cơ động địch đến giải tỏa ấp chiến lược bằng trực thăng vận.

Xung quanh ấp Bình Giã có hai bãi địch có thể đổ bộ trực thăng. Trung đoàn có thể bố trí kiềm chế một bãi để buộc chúng đổ bộ xuống bãi đông nam ấp Bình Giã để ta bố trí toàn trung đoàn tấn công. Địch đã rơi đúng kế hoạch của ta. Khi đội hình trực thăng bị bắn thiệt hại nặng ở bãi một phải quay đầu bỏ chạy, sau một thời gian chấn chỉnh, địch chở một tiểu đoàn biệt động quân đổ bộ xuống bãi đông nam, nơi trung đoàn đã phục kích. Chờ địch yên tâm đổ hết quân xuống đất, toàn trung đoàn vận động bao vây, áp sát địch, nổ súng tấn công quyết liệt. Hỏa lực địch chỉ bắn vào đất trống xa tuyến bộ binh ta. Đối đầu với những chiến sĩ đồng khởi có quyết tâm cao, tiểu đoàn địch chỉ chống cự yếu ớt trong một tiếng thì bị diệt gần hết. Ngoạn mục là mũi tiến công tiêu diệt ban chỉ huy tiểu đoàn địch của tiểu đội đồng chí Lê Văn Đáp. Tiểu đội trưởng chia tiểu đội thành hai tổ thay nhau tổ kiềm chế, tổ tiến tới đến khi diệt tiểu đoàn trưởng địch, bắt sống hai cố vấn Mỹ, kết thúc trận đánh.

Đến năm 2005, trung đoàn Bình Giã (sư đoàn 9) được 45 tuổi, đã xuyên qua hai thế kỷ với thành tích kháng chiến chống Mỹ vẻ vang, thành tích chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và cứu nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng. Trung đoàn đã được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Lần đầu tiên trung đoàn diệt gọn tiểu đoàn biệt động quân địch, diệt chỉ huy, bắt sống cố vấn Mỹ. Đó là ngày 29-12-1964.

Sau đó trung đoàn còn phục kích tại trận địa cũ để đánh tiếp bọn tiếp viện. Đến ngày 30-12-1964 địch không đến, trung đoàn được lệnh thu quân.

Khoảng 17 giờ cùng ngày (30-12-1964) một trực thăng quần trên không trận địa nhiều vòng rồi sà sát xuống quan sát. Đại đội trưởng cao xạ đề nghị bắn. Trung đoàn trưởng ra lệnh bắn. Một loạt đạn 12,7 ly nổ giòn, trực thăng bốc cháy và rơi vào Sở cao su Quảng Giáo, phía đông nam ấp Bình Giã.

9g sáng 31-12-1964, ngày cuối năm, toàn trung đoàn đã hành quân về nơi trú quân, đang ngủ để lấy sức cho cuộc chiến đấu tiếp sau. Trung đoàn trưởng và các tiểu đoàn trưởng lên đường đi nghiên cứu chiến trường để đánh tiếp.

Toàn trung đoàn đang ngủ say thì 12 giờ trinh sát báo cáo biệt kích vào chỗ máy bay rơi đã bị anh em trinh sát đánh nên bỏ chạy.

14g, tác chiến báo cáo: tham mưu chiến dịch thông báo tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 4 vào ấp chiến lược Bình Giã.

14g30 có tin địch hành quân vào chỗ máy bay rơi để tìm các cố vấn Mỹ. Tham mưu trưởng trung đoàn, anh Bùi Thanh Vân (Út Liêm), trao đổi với tôi nên triển khai trung đoàn đánh bọn này. Theo kế hoạch, tiểu đoàn 1 chặn đầu, tiểu đoàn 2 bọc hậu khóa đuôi và tiểu đoàn 3 đánh xuyên hông. Gọi tiểu đoàn nhưng tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 3 còn quân số khoảng 100, tiểu đoàn 2 có trên 300 cán bộ chiến sĩ. Tiểu đoàn 2 xuất kích mà như đi hội. Khoảng 16g45 thì súng nổ. Chiến sĩ ta và lính địch thấy nhau rất rõ. Mỗi bên đều dựa vào cây cao su để tấn công; bộ binh đánh với bộ binh, còn trực thăng và tiếp sau là pháo địch bắn vào ven rừng nhưng không có ai ở đó. Trận đánh diễn ra rất ác liệt vì thủy quân lục chiến là đơn vị thiện chiến của quân đội Sài Gòn. Nhưng vòng vây của chúng ta dần khép lại. Theo kế hoạch hiệp đồng và đã thực hiện “hiệp đồng theo tiếng súng”, một đơn vị nhỏ của quân ta đã thọc vào phía sau địch ngay bộ phận chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng thủy quân lục chiến bị bắn gục, cố vấn Mỹ bị thương, bị bắt sống, trận đánh kết thúc vào lúc 18g15 ngày 31-12-1964. Theo tin cuối cùng, tiểu đoàn này chạy thoát trên 10 tên.

Hồi ký của Westmoreland Tường trình của một quân nhân có viết: “...Trong cuộc chiến đấu đó, các tiểu đoàn biệt động quân và thủy quân lục chiến gần như bị tiêu diệt sạch...”.Như vậy trong ba ngày chiến đấu xung quanh ấp chiến lược Bình Giã, trung đoàn 1 đã tiêu diệt sạch hai tiểu đoàn địch, bắt sống ba cố vấn Mỹ. Hai trận liên tiếp này đánh dấu sự trưởng thành của một trung đoàn chủ lực miền, xứng đáng là một quả đấm của lực lượng quân giải phóng miền Nam.

Trước đó, ngày 9-12-1964 trung đoàn 2 phát huy truyền thống “đánh là dứt điểm” đã đánh tiêu diệt hoàn toàn một chi đoàn xe M113 (14 chiếc) trên đường hành quân giải tỏa ấp chiến lược Bình Giã.

Vì chiến dịch diễn biến xung quanh ấp chiến lược Bình Giã nên chiến dịch mang tên là “Chiến dịch Bình Giã” và trung đoàn được danh dự mang tên trung đoàn Bình Giã.

Sau chiến dịch Bình Giã, trung đoàn lại lập công xuất sắc trong chiến dịch Đồng Xoài, Dầu Tiếng và trong nhiều chiến dịch đánh quân Mỹ xâm lược.

NGUYỄN VĂN TÒNGNguyên chính ủy trung đoàn Bình Giã (1964-1965), nguyên giám đốc Sở VH-TT TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên