22/11/2003 09:37 GMT+7

Khó xử lý việc trả lại nhà đất do lịch sử để lại

ĐOAN TRANG - ĐÀ TRANG
ĐOAN TRANG - ĐÀ TRANG

TT - Sáng 21-11, dự thảo nghị quyết của QH liên quan đến vấn đề giải quyết nhà tồn đọng được các đại biểu (ĐB) rất quan tâm và phát biểu sôi nổi, nhất là đoàn TP.HCM, nơi có số lượng đơn thư đòi lại nhà chiếm gần một nửa so với cả nước.

H6AS1WU6.jpgPhóng to
TP.HCM có số lượng đơn thư đòi lại nhà chiếm gần một nửa so với cả nước

Mới chỉ là... thái độ

Nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, cho biết: “Chuyện trả lại nhà cho dân đã được QH khóa VIII đem ra thảo luận cả ngày trời nhưng vẫn không thông qua được vì những văn bản xử lý trước đây không do QH ban hành. Bây giờ QH ra tay, nhưng việc soạn thảo nghị quyết lại rất u u minh minh”.

Nhiều ĐB cho rằng dự thảo nghị quyết chỉ mới bày tỏ thái độ, nhưng “thái độ” này cũng không rõ ràng thể hiện ngay ở điều đầu tiên (không xem xét, không thừa nhận việc đòi lại nhà, nhưng nếu khó khăn về nhà thì được cải thiện chỗ ở). ĐB Nguyễn Sinh Hùng, bộ trưởng Bộ Tài chính, đồng tình: "Điều 1 nói “không”, điều 2 nói “có”, điều 4 lại “kêu gọi”. Phải qui định cụ thể hơn, nếu không sẽ gây thêm khiếu kiện”.

ĐB Phạm Phương Thảo, trưởng Ban Tư tưởng - văn hóa Thành ủy TP.HCM, nói: “Người dân TP nghe QH bàn chuyện này, đơn thư gửi đến UBND TP nhiều hơn”. Ông Mai Quốc Bình, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng nghị quyết của QH có giá trị pháp lý sau luật nên không phải là “kêu gọi” mà phải qui định để người dân thực hiện. Qui định càng cụ thể càng tốt.

Dự thảo ghi: “Trường hợp chủ sở hữu đã tạm giao nhà đất của mình cho chính quyền địa phương quản lý nhưng đến ngày 1-4-2004 (ngày dự kiến nghị quyết có hiệu lực thi hành), chủ sở hữu không về VN cư trú thì được thực hiện các quyền bán, tặng, cho nhà đất đó”.

ĐB Dao Nhiễu Linh, phó Ban công tác người Hoa TP.HCM, thắc mắc nhiều doanh nghiệp người Hoa về VN đầu tư và ở VN nhiều hơn ở nước đã nhập cư, họ có nằm trong diện “cư trú”? ĐB Mai Quốc Bình đề nghị phải là người hồi hương mới được. Nhưng ông Bình lại nêu ngay sau đó trường hợp khó xử khác: chủ sở hữu là cha đi, người con ở lại bán mất nhà rồi thì sao?

Giải thích chuyện nhà “tạm giao”, ông Trịnh Huy Thục, cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, cho rằng nội dung của dự thảo nghị quyết “gói gọn” trong quyết định của Chính phủ trước đây. “Tạm giao thì phải trả, không có nhà trả thì chính quyền phải tìm nhà trả cho người ta”, ông Thục nói. Nhưng nội dung này không thấy thể hiện trong các dự thảo đưa ra thảo luận. Ông Thục còn cho biết: con số 2.499 vụ đòi lại nhà chỉ là số vụ khiếu kiện chứ chưa ai làm cuộc điều tra cụ thể về việc này.

Sai phải sửa, mượn phải trả!

ĐB Nguyễn Thế Hiệp, giám đốc Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, băn khoăn: “Trước đây Nhà nước xử lý (lấy nhà) người thuộc diện cải tạo, chính sách có đúng, có sai, hoặc chính sách thì đúng nhưng người thực hiện sai, cũng coi như mình (Nhà nước) sai. Nếu sai thì phải sửa để phục hồi danh dự cho người dân. Nhiều người khiếu kiện chỉ vì danh dự”.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) phân tích thêm: “Nguyên nhân sâu xa mà người dân đòi lại nhà là họ muốn đi tìm sự công bằng, chứ không đơn thuần chỉ là do giá nhà đất hiện nay đang lên cơn sốt. Người dân sẵn sàng hiến đất nếu nó vẫn được sử dụng vào mục đích công như trường học, trạm y tế…Đằng này, nhiều nhà lại giao cho tư nhân sử dụng, mở cửa hàng ngay khu phố trung tâm sầm uất”.

ĐB Nguyễn Đình Lộc kể: “Khi tôi còn làm bộ trưởng, có một đoàn gồm 15 người kéo đến bộ yêu cầu giải quyết việc Nhà nước trưng thu nhà của họ sau đó giao cho một số cán bộ sử dụng, số cán bộ này đem bán được hơn 30 tỉ đồng. Trường hợp này giải quyết như thế nào để tháo gỡ nỗi ấm ức của người dân?”. ĐB Đặng Ngọc Tùng, chủ tịch LĐLĐ TP: “Nhà người dân hiến thì thôi, chứ mượn thì phải trả”. GS Tôn Thất Bách, phó chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của QH, đề nghị thêm: “Chính phủ cần tổng kiểm kê toàn bộ hiện trạng sử dụng nhà đất hiện nay, báo cáo QH để xem việc sử dụng không đúng mục đích ở mức độ nào”.

ĐB Phan Thanh Bình, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng nghị quyết có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội, là vấn đề nhạy cảm và có tính lịch sử nên không thể… “bấm nút” (biểu quyết thông qua) là xong. Ông đề nghị Chính phủ phải tính đến chuyện tuyên truyền, giải thích và cả đối ngoại, không phải chỉ giao cho Bộ Xây dựng mà phải tổ chức cả một “bộ phận đặc nhiệm” để thực hiện.

Trước băn khoăn của nhiều ĐB, ĐB Nguyễn Sinh Hùng đề nghị dời ngày có hiệu lực của nghị quyết đến 1-7-2004 thay vì 1-4-2004 như trong dự thảo. Lộ trình được đề nghị: tại kỳ họp, QH thông qua nghị quyết để biểu lộ “thái độ”; từ nay đến tháng 3-2004 các địa phương tổ chức hội thảo để Ủy ban thường vụ QH ban hành nghị quyết trong tháng 4-2004; tháng 5-2004, Chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn với những qui định cụ thể. Ý kiến này được nhiều ĐB đồng tình.

"UBND TP nhận hàng ngàn đơn thư khiếu nại đòi lại nhà”

Ai được trả lại nhà?

* Nhà đất mà chủ sở hữu thuộc diện quản lý, cải tạo trước đây (trừ diện nhà đất vắng chủ) nhưng đến ngày nghị quyết của QH có hiệu lực thi hành mà Nhà nước chưa quản lý, bố trí sử dụng. Người đang sử dụng nhà đất đó được cấp chủ quyền (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở).

* Nhà đất thuộc diện cải tạo nhà đất cho thuê và diện chính sách quản lý ở phía Nam sau ngày giải phóng được Nhà nước để lại một phần diện tích để ở thì chủ cũ hoặc người thừa kế được cấp chủ quyền phần diện tích để lại đó

* Nhà trưng mua, thu mua: nếu tiền mua đã gửi vào ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước trả lại số tiền đó cho chủ sở hữu cả gốc lẫn lãi; nếu chưa trả tiền cho chủ cũ thì nay trả theo giá lúc trưng mua và được tính lãi suất theo qui định của ngân hàng.

* Nhà trưng dụng: nếu trưng dụng có điều kiện giao lại thì UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương giao lại chủ sở hữu hoặc cho người thừa kế của họ; nếu nhà đất đã sử dụng vào mục đích công cộng, hoặc đã bán cho người khác, hoặc nhà nước vẫn còn nhu cầu sử dụng tiếp, thì UBND tỉnh bố trí nhà hoặc đất khác cho chủ sở hữu hoặc cho người thừa kế theo hạn mức qui định tại địa phương.

* Nhà đất thuộc diện vắng chủ (mà chủ là người hoạt động cách mạng bí mật theo yêu cầu của tổ chức đảng hoặc nhà tạm giao cho Nhà nước khi xuất cảnh hợp pháp) nay chủ cũ trở về VN cư trú. Trong thời hạn ba năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực, nếu chủ cũ không về thì được quyền bán, tặng, cho nhà đất đó.

(Lược ghi theo dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ QH về giải quyết các trường hợp cụ thể về nhà đất diện quản lý, cải tạo trước ngày 1-7-1991).

ĐOAN TRANG - ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên