20/08/2017 08:38 GMT+7

Mở ra nhiều cơ hội sau chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng

DIỆU AN
DIỆU AN

TTO - Ngày 19-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan kéo dài ba ngày theo lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp doanh nhân Việt kiều và doanh nghiệp vùng đông bắc Thái Lan sáng 19-8 tại tỉnh Nakhon Phanom - Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp doanh nhân Việt kiều và doanh nghiệp vùng đông bắc Thái Lan sáng 19-8 tại tỉnh Nakhon Phanom - Ảnh: TTXVN

Tuyên bố chung công bố ngay sau chuyến thăm cho thấy hai bên đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng và thiết thực trong các lĩnh vực chủ chốt như thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, lao động, vận tải...

Xem xét nhập khẩu nông sản Việt Nam

Trong ASEAN, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 12,5 tỉ USD.

Theo tuyên bố chung, về thương mại, Thủ tướng hai nước khẳng định sẽ thúc đẩy các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được mục tiêu 20 tỉ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020.

Việt Nam đã cấp phép nhập khẩu cho sản phẩm vải và nhãn của Thái Lan. Ngược lại, Thái Lan cũng đã cấp phép cho vải, nhãn và xoài của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Thái Lan trong năm 2016.

Thái Lan cũng cho biết đang xem xét tích cực yêu cầu cấp phép nhập khẩu cho chôm chôm, dứa, mãng cầu, khế và bưởi của Việt Nam.

Về đầu tư, Thái Lan hiện là quốc gia đứng thứ 10/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 458 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 8,2 tỉ USD.

Hai bên tái khẳng định mong muốn kết nối thương mại và đầu tư song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và Thái Lan như là một trung tâm quan trọng của chuỗi sản xuất và cung ứng tiểu vùng.

Thái Lan khẳng định tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong những lĩnh vực thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, như các khu công nghiệp, năng lượng, vật liệu xây dựng, ngân hàng, du lịch, dệt may, sản xuất hóa chất, hóa dầu, linh kiện điện tử và ôtô, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Phía Thái Lan khẳng định coi trọng Việt Nam khi các doanh nghiệp nước này chọn đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam để vươn ra khu vực và thế giới.

Hai Thủ tướng bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy các liên kết vận tải đa phương thức, bao gồm trên bộ, trên biển và hàng không giữa hai nước và trong tiểu vùng Mekong.

Hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy tuyến xe buýt nối liền Thái Lan - Lào - Việt Nam thông qua đường 9 và đường 12, cũng như tuyến vận tải ven biển giữa Thái Lan - Campuchia - Việt Nam.

Về kết nối hàng không, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh các chặng bay mới kết nối Thái Lan và Việt Nam như chặng Quảng Bình - Chiang Mai.

Quyết tâm ngăn chặn đánh bắt cá trái phép

Cũng theo tuyên bố chung, hai Thủ tướng cho biết việc tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm là vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU) ở hai nước, trong đó có việc trao đổi thông tin về an ninh hàng hải.

Hai Thủ tướng đánh giá cao các cơ quan chức năng tiến hành tuần tra hải quân chung, cử đầu mối liên lạc giữa Trung tâm Điều phối hàng hải Thái Lan và Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, cũng như tăng cường hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương khác, trong đó có nhóm công tác chung nhằm giải quyết vấn đề IUU.

Thủ tướng hai nước hoan nghênh tăng cường hợp tác giữa cảnh sát biển Việt Nam và Trung tâm Điều phối hàng hải Thái Lan, nhất trí hoàn tất bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và bản ghi nhớ thiết lập đường dây nóng về hoạt động nghề cá trên biển giữa hai nước.

Hai Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan khai thác tốt các cơ chế/đường dây nóng hiện có, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mong nhóm công tác liên ngành 689 của Việt Nam và nhóm chống đánh bắt cá trái phép của Thái Lan sớm ký bản ghi nhớ thiết lập đường dây nóng.

Về hợp tác an ninh - quốc phòng, hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, bao gồm: trao đổi đoàn cấp cao, đối thoại chính sách quốc phòng, giao lưu sĩ quan trẻ, đào tạo, tình báo quốc phòng... cũng như tham vấn, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề đa phương, nhất là trong khuôn khổ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thái Lan ngày 19-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp phó chủ tịch HĐND tỉnh Nong Khai Somkiet Trakul Phạm, chủ tịch Tổng hội người Việt Nam toàn Thái Lan Cao Văn San và chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Hồ Văn Lâm, phát biểu tại Diễn đàn doanh nhân Việt kiều và doanh nghiệp vùng Đông Bắc Thái Lan, thăm và đặt hoa tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan, thăm Trung tâm Văn hóa hữu nghị Nakhon Phanom - Hà Nội.

Tăng cường hợp tác lao động

Thủ tướng hai nước nhất trí hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực xây dựng và nghề cá theo khuôn khổ bản ghi nhớ về hợp tác lao động và hiệp định về tuyển dụng lao động giữa hai nước ký vào tháng 7-2016.

Thái Lan ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc mở rộng ngành nghề cho lao động Việt Nam trong lĩnh vực công nhân nhà máy và các ngành dịch vụ.

DIỆU AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên