31/07/2017 17:09 GMT+7

​‘ASEAN là mái nhà chung của Đông Nam Á’

PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO PHẠM BÌNH MINH
PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO PHẠM BÌNH MINH

TTO - 50 năm chỉ như một “chớp mắt” của lịch sử, song với ASEAN đó là cả một chặng đường dài với bao gian khó nhưng có những mốc son lưu dấu - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh viết.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á ASEAN (8-8-1967 - 8-8-2017), Tuổi Trẻ trân trọng trích giới thiệu bài viết của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về chặng đường của Việt Nam trong tổ chức này.

Lãnh đạo các nước ASEAN trong phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Manila, Philippines - Ảnh: BTC
Lãnh đạo các nước ASEAN trong phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 tại Manila, Philippines. Năm 2017 là năm Chủ tịch của Philippines và cũng là năm ASEAN tròn 50 tuổi - Ảnh: BTC

Cùng thắp sáng ngọn lửa chung

Là thành viên có dân số lớn thứ 3 và diện tích đứng thứ 4 trong ASEAN, với vị trí địa chiến lược và kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN và được các nước thành viên khác đặt nhiều kỳ vọng.

Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN năm 1995 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với khu vực, mở ra một kỷ nguyên mới của hòa bình và hợp tác.

22 năm tham gia ASEAN, dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN.

Đó là nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy kết nạp các nước Đông Nam Á còn lại để hình thành ASEAN-10. Đó là vai trò tích cực của Việt Nam trong xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN.

Đó là dấu ấn Việt Nam trong các sự kiện lớn như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12-1998), đảm nhiệm tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2000-2001 và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 với những kết quả to lớn và thực chất (như mở rộng cấp cao Đông Á bao gồm tất cả các nước lớn ở khu vực, thành lập cơ chế hội nghị bộ trưởng quốc phòng mở rộng…).

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, Việt Nam luôn khẳng định tiếng nói của tinh thần đoàn kết, thống nhất và nâng cao ý thức trách nhiệm chung nhằm ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Từ khi Cộng đồng ASEAN hình thành cuối năm 2015, Việt Nam đã và đang cùng các thành viên ASEAN tích cực triển khai xây dựng cộng đồng, thực hiện nghiêm túc các cam kết và đề xuất sáng kiến trong nhiều lĩnh vực.

Đáng chú ý, Việt Nam là một trong 2 nước có tỉ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN. Việt Nam cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, đảm nhận thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN với Trung Quốc (2009-2012), EU (2012-2015), Ấn Độ (2015-2018).

Tham gia ASEAN đã mang đến nhiều lợi ích và cơ hội để Việt Nam từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế, nâng cao thực lực và cải cách trong nước, phát huy vai trò và vị thế của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã đóng góp vào thành quả của ASEAN với tâm thế cùng thắp sáng ngọn lửa chung, nỗ lực không ngừng nghỉ vì các mục tiêu của cả cộng đồng.

Chung sức xây dựng cộng đồng vững mạnh

Cộng đồng ASEAN được vun đắp từ thành quả của 50 năm hợp tác ASEAN, nhưng mới ở giai đoạn non trẻ ban đầu trong tiến trình phát triển thành một cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm xã hội; hoạt động dựa trên luật lệ; hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”.

Trước nhiệm vụ lớn, vận hội lớn cùng thách thức lớn của cộng đồng, mỗi quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, cần xác định vai trò và trách nhiệm của mình để cùng nhau vững vàng tiến bước tới đích cuối cùng.

Để đi được chặng đường dài cần hoàn thành những mục tiêu ngắn. Trên cơ sở những mục tiêu và kế hoạch chung ASEAN đã xác định trong Tầm nhìn ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột cộng đồng, với thế và lực mới, Việt Nam tiếp tục tham gia hợp tác ASEAN trên mọi lĩnh vực với mức độ và phạm vi sâu rộng hơn các giai đoạn trước đó.

Là một thành viên chủ động, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là trong việc duy trì hòa bình, an ninh phục vụ phát triển của khu vực; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên như hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), công nghệ sáng tạo số, nông nghiệp, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển; chủ động xây dựng các kế hoạch hành động, đề xuất sáng kiến, dự án khả thi liên quan đến nâng cao chất lượng sống của người dân như an sinh xã hội, giáo dục, lao động, bảo vệ môi trường.

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất giữa ASEAN với các đối tác lớn, phát huy vai trò của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong quan hệ với các quốc gia, tổ chức trên thế giới.

Là một thành viên tích cực, Việt Nam đã và đang thúc đẩy “văn hóa thực thi” trong ASEAN, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức, tăng cường hợp tác thực tiễn để ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, gắn kết giữa các cơ chế ASEAN có vai trò dẫn dắt ở khu vực (như EAS, ARF, ADMM+,…); thực hiện đầy đủ các cam kết trong Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, nhất là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, giao thông vận tải, liên kết kinh tế thông qua các FTA hiện có cũng như thúc đẩy nâng cấp các FTA ở khu vực.

Đồng thời tích cực triển khai Kế hoạch tổng thể của cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN và các chương trình hợp tác chuyên ngành, ưu tiên các lĩnh vực y tế, du lịch, văn hóa, bình đẳng giới và tuyên truyền nâng cao nhận thức về Cộng đồng ASEAN.

ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam, là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết thống nhất và giữ vai trò trung tâm ở khu vực, một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, phồn vinh và vì người dân sẽ góp phần bảo đảm những lợi ích lâu dài của các quốc gia thành viên cũng như toàn thể người dân trong khu vực.

ASEAN ngày nay đã là mái nhà chung của các dân tộc Đông Nam Á, với nền móng chắc chắn và những trụ cột vững vàng. Với quyết tâm “đảm bảo sự phát triển bền vững vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai, đặt hạnh phúc, đời sống và phúc lợi của nhân dân ở vị trí trung tâm của tiến trình xây dựng cộng đồng”, chúng ta tin tưởng Cộng đồng ASEAN sẽ phát triển bền vững và thịnh vượng.

Các nhà lãnh đạo ASEAN tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội ngày 30-10-2010 - Ảnh: Hoàng Long
Các nhà lãnh đạo ASEAN tại lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 17 ở Hà Nội ngày 30-10-2010 - Ảnh: HOÀNG LONG

Những mốc son lịch sử của ASEAN:

- 8-8-1967: Bộ trưởng ngoại giao 5 nước Đông Nam Á ký Tuyên bố Bangkok khai sinh ra ASEAN. Từ 5 thành viên đầu tiên gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines, ASEAN đã kết nạp thêm Brunei (1984), Việt Nam (1995), Lào, Myanmar (1997) và Campuchia (1999).

- 1976: Hội nghị cấp cao ASEAN họp lần đầu tiên.

- 1992: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) được thành lập.

- 1994: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ra đời.

- 2007: Ký kết Hiến chương ASEAN.

- 31-12-2015: Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời.

* Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước, cam kết xây dựng “một cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức”.

PHÓ THỦ TƯỚNG, BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO PHẠM BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên