25/07/2017 12:45 GMT+7

Đà Nẵng lấy mẫu ADN các mộ liệt sĩ chưa biết tên

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TTO - Ngày 25-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Đình Hoàng, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội TP Đà Nẵng cho biết hiện toàn TP Đà Nẵng có hơn 2.000 mộ liệt sĩ chưa biết tên.

Nghĩa trang Hòa Vang (Đà Nẵng) còn rất nhiều mộ chưa biết tên - Ảnh: Đoàn Nhạn

Để giúp thân nhân các gia đình có người thân hi sinh tìm được mộ liệt sĩ, TP Đà Nẵng đã chủ động phối hợp Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) để tổ chức lấy mẫu giám định ADN.

Ông Hoàng nói: “Chúng ta nên làm sớm việc lấy mẫu ADN, làm sớm chừng nào thì tốt chừng đó chứ để càng lâu thì cơ hội sẽ mất đi. Bởi vì khi lấy mẫu ADN có hai yêu cầu hết sức nghiêm ngặt là hài cốt phải còn răng cấm và xương ống với điều kiện chưa phân hủy hoàn toàn. Trong đó, răng cấm phải còn chân răng để sử dụng tủy và xương ống phải còn độ cứng mới xác định được ADN”.

Ông Hoàng cho biết vừa rồi khi di dời nghĩa trang Hòa Khương, TP Đà Nẵng đã lấy mẫu ADN với 168 phần mộ. Sau 27-7 sẽ tiến hành lấy mẫu ở nghĩa trang Hòa Hiệp Nam, hiện số mộ ở nghĩa trang này chưa có tên khoảng 200 phần mộ. Đồng thời đến 2018 khi nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ Hòa Liên và các nghĩa trang khác cũng sẽ lấy mẫu ADN với các mộ chưa xác định được tên.

“Bây giờ trong quá trình nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, nhà nước nên tổ chức kết hợp lấy mẫu ADN đối với tất cả các phần mộ chưa biết tên. Làm như vậy sẽ thuận tiện hơn, chứ để sau này khi nghĩa trang đã nâng cấp, làm mới thì cơ hội lấy mẫu sẽ rất khó. Đồng thời, khi nâng cấp nghĩa trang nhiều lần nếu sinh phẩm của các phần mộ không được bảo quản tốt thì không đảm bảo điều kiện để lấy mẫu để xác định ADN” - ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, tất cả các mẫu ADN lấy được ở các nghĩa trang tại Đà Nẵng đều cung cấp cho Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) để đưa vào ngân hàng gen.

Thân nhân liệt sĩ có nhu cầu thì liên hệ với Cục Người có công để đối chiếu ADN. Bình thường khi lấy mẫu để xác định thân nhân liệt sĩ là lấy dòng mẹ (mẹ ruột, em gái, chị gái, dì, con dì…) để đối chiếu.

“Có nhiều trường hợp nhiều gia đình không còn ai bên dòng mẹ để đối chiếu. Vì vậy, chúng ta phải tranh thủ làm nhanh việc xác định ADN cho các phần mộ liệt sĩ chưa có tên”- ông Hoàng nói. 

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên