22/07/2017 11:06 GMT+7

Làm điểm, xử lý nghiêm nhà sai phép tại Đa Phước

VIỄN SỰ - TIẾN LONG thực hiện, viensu@tuoitre.com.vn, tienlong@tuoitre.com.vn
VIỄN SỰ - TIẾN LONG thực hiện, viensu@tuoitre.com.vn, tienlong@tuoitre.com.vn

TTO - Ông Võ Văn Hoan - chánh văn phòng UBND TP.HCM - thông tin như vậy về biện pháp xử lý của UBND TP.HCM sau bài “Xử lý nghiêm nhà xây sai phép” trên Tuổi Trẻ ngày 21-7.

Ông Võ Văn Hoan - Ảnh: Tự Trung
Ông Võ Văn Hoan - Ảnh: Tự Trung

Ông Hoan khẳng định: “UBND TP.HCM luôn nhất quán quan điểm xử lý nghiêm các vụ việc xây dựng sai phép, không phép từ trước đến nay. Trong đó, vụ việc ở Bình Chánh mà báo Tuổi Trẻ nêu, đây là vụ việc cần phải làm điểm, xử lý nghiêm”.

Thanh tra toàn bộ việc thực thi công vụ

* Vụ việc này UBND TP.HCM đã có chỉ đạo xử lý nghiêm từ năm 2015 nhưng cho đến nay UBND huyện Bình Chánh và Sở Xây dựng vẫn tiếp tục đề xuất cho nhà sai phép tồn tại. Biện pháp tiếp theo của UBND TP là gì, thưa ông?

- Qua bài viết của báo Tuổi Trẻ, UBND TP thấy rằng cần phải thanh tra toàn bộ trách nhiệm thực thi công vụ trong vụ việc này.

UBND TP sẽ chỉ đạo cho Thanh tra TP thanh tra toàn bộ quá trình triển khai kết luận thanh tra (theo kết luận nội dung tố cáo ngày 16-3-2015 của UBND TP); thanh tra trách nhiệm cán bộ công chức của huyện Bình Chánh và Sở Xây dựng để làm rõ trách nhiệm thực thi các chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.HCM về vụ việc.

Đồng thời, sẽ kiểm tra làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm (nếu có) của các đầu nậu, các đối tượng chủ mưu xây nhà sai phép, không phép ở Đa Phước. Cần thiết sẽ xử lý bằng hình thức khác chứ không chỉ là xử lý vi phạm hành chính.

* Đối với các chung cư xây thêm tầng, thêm công trình nằm ngoài thiết kế cho phép ban đầu, quan điểm của UBND TP.HCM sẽ xử lý ra sao?

- Dứt khoát là phải buộc các chủ đầu tư dừng ngay chuyện cơi nới, dừng ngay việc chuyển đổi công năng của các chung cư. Không thể biến lợi ích chung của cộng đồng thành lợi ích riêng của doanh nghiệp.

UBND TP sẽ yêu cầu Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - kiến trúc kiểm tra các công trình mà báo Tuổi Trẻ nêu để báo cáo UBND TP. Buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ hoặc cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế buộc phải tháo dỡ, dứt khoát không để tồn tại.

Kể cả khi có giấy phép điều chỉnh quy hoạch của Sở Quy hoạch - kiến trúc cũng phải xử lý.

Một trong những thửa đất tại ấp 2, xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM do bà Đặng Ngọc Hân làm chủ sở hữu, xin giấy phép xây dựng sau đó tách thành những căn nhà nhỏ để bán cho người dân - Ảnh: Hữu Thuận
Một trong những thửa đất tại ấp 2, xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM do bà Đặng Ngọc Hân làm chủ sở hữu, xin giấy phép xây dựng sau đó tách thành những căn nhà nhỏ để bán cho người dân - Ảnh: Hữu Thuận

Đầu nậu phải bồi thường cho dân

* Dù thừa nhận nghị định 121 không cho phép nhưng UBND huyện Bình Chánh và Sở Xây dựng vẫn thống nhất đề nghị cho các công trình sai phép ở Đa Phước tồn tại, quan điểm của UBND TP.HCM về đề xuất này ra sao?

- Sai phạm ở Đa Phước hoàn toàn không thể áp dụng cho tồn tại theo nghị định 121 như đề xuất của Sở Xây dựng và UBND huyện Bình Chánh vì mức độ sai phạm và thời gian áp dụng đều không phù hợp.

Nghị định 121 chỉ áp dụng với các sai phạm có tính chất đơn lẻ, khi cá nhân, gia đình xây dựng công trình nhưng vì nhiều lý do cần cải tạo chỗ ở thì có thể chấp nhận được.

Nhưng những công trình sai phạm xây dựng ở Đa Phước đã chia năm xẻ bảy, phân lô bán nền, làm hạ tầng, bán cho bao nhiêu con người gây ảnh hưởng đến cả một vùng dân cư… thì làm sao cho tồn tại được?

Kể cả những công trình chung cư mà các chủ đầu tư cơi nới, gây ảnh hưởng đến cộng đồng, đến xã hội cũng không thể vận dụng được nghị định 121.

* Sở Xây dựng cho rằng vì tránh thiệt hại cho người dân nên vẫn đề xuất cho nhà sai phép ở Đa Phước tồn tại, điều này có thể xem xét không?

- Hãy nhớ lại khoảng năm 2005, đích thân chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo tháo dỡ các dự án sai phạm tại đường Dương Đức Hiền (Q.Tân Bình).

Rồi ngay ở Bình Chánh năm 2013, TP và địa phương cũng đã rất quyết liệt tháo dỡ rất nhiều căn nhà không phép xây trên đất nông nghiệp, tháo dỡ hết toàn bộ cả khu chứ không chỉ là một hai dự án.

Đối với người dân lỡ mua nhà không giấy, nhà sai phép do các đầu nậu xây dựng rõ ràng là rất cần được chia sẻ. Nhưng chia sẻ là giải quyết bằng cách khác, hợp lý hợp tình chứ dứt khoát không vì chia sẻ đó mà để cho nhà sai phép tồn tại.

Chúng ta phải tập trung xử lý cho được những đầu nậu, những người chủ mưu trực tiếp xây nhà sai phép để rồi dụ người dân nghèo vô mua. Và chính các đầu nậu, người chủ mưu xây nhà sai phép phải bồi thường thiệt hại cho những người đã mua nhà.

Phải thượng tôn pháp luật chứ không thể để cho các công trình sai phép, sai pháp luật tồn tại được. Không thể quản lý như vậy được.

Tôi khẳng định vụ việc này TP sẽ làm nghiêm giống như tinh thần mà TP.HCM đã từng làm như vụ việc ở đường Dương Đức Hiền hơn 10 năm trước và nhiều vụ việc khác đã từng làm.

Bình Chánh đứng đầu về xây dựng không phép ở TP.HCM

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, huyện Bình Chánh luôn dẫn đầu danh sách quận huyện có số trường hợp xây dựng không giấy phép tại TP.HCM. Cụ thể, trong năm 2016 Bình Chánh có 591/1.395 trường hợp xây dựng không phép của TP.

Sáu tháng đầu năm 2017, Bình Chánh có 201/830 trường hợp xây dựng không phép của TP.

Trong đó nổi bật một số trường hợp, UBND TP đã có chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc xử lý như: các công trình xây dựng tại ấp 1, xã Vĩnh Lộc A không có giấy phép xây dựng và xây dựng công trình không đúng mục đích sử dụng đất và đất thuộc quyền sử dụng của người khác; các công trình xây dựng không phép ở ấp 4, xã Bình Hưng, nằm trong khu chức năng số 6 thuộc quy hoạch khu đô thị mới Nam TP.HCM.

 

VIỄN SỰ - TIẾN LONG thực hiện, viensu@tuoitre.com.vn, tienlong@tuoitre.com.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên