20/07/2017 08:54 GMT+7

Việt Nam chưa giàu đã già

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - VN chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người 80 tuổi trở lên là 2 triệu người.

Trẻ được chăm sóc sau sinh tại Bệnh viện Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

“Úc mất 73 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số từ 60 tuổi chiếm 10% dân số) sang giai đoạn dân số già (người từ 60 tuổi chiếm 20%). Hoa Kỳ mất 69 năm. Canada 65 năm. Còn VN chỉ mất 22 năm. VN đang gặp phải vấn đề chưa giàu đã già

Ông NGUYỄN VĂN TÂN

Dự báo đến năm 2030, người cao tuổi VN chiếm 17% dân số và năm 2050 là 25% dân số.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tân, phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, cho hay:

- Hiện 70% người cao tuổi VN không có lương hưu và nếu không có sự hỗ trợ của con cái hoặc không có tài sản tích lũy, họ buộc phải tiếp tục lao động kiếm sống. Về sức khỏe, đa số người già mắc cùng lúc nhiều bệnh, gọi là tình trạng “bệnh tật kép”. Với điều kiện chăm sóc sức khỏe hiện nay thì số lượng người cao tuổi tiếp tục tăng và tăng nhanh.

* VN đã chuẩn bị gì cho những thách thức của giai đoạn dân số già này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tân - Ảnh: L.ANH

- Đã có một số điểm được triển khai. Trong chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản 2011-2020 đã đưa mục tiêu giảm tốc độ già hóa dân số bằng cách duy trì mức sinh hợp lý chứ không còn đặt mục tiêu đạt mức sinh thấp như trước đây.

Bên cạnh đó có một số chính sách đang được xem xét như tăng tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội, rồi chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện...

Đến nay đã có 32 tỉnh thành triển khai chương trình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Ở Hà Nội, TP.HCM đã có tư nhân tham gia xây dựng nhà dưỡng lão, đáp ứng nhu cầu của một số người cao tuổi.

Tuy nhiên những việc này đều đang ở bước đầu, so với những nước phát triển thì khoảng cách còn rất xa. VN cũng chưa chuẩn bị được nhiều cho hệ thống bệnh viện lão khoa, hệ thống y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho người cao tuổi.

* Sau nhiều năm khuyến cáo mỗi gia đình “chỉ có 1-2 con”, nay chúng ta thay đổi và đề nghị các gia đình “sinh đủ 2 con”. Việc này có ý nghĩa gì?

- Về số lượng tuyệt đối của người già thì không thay đổi, nhưng tỉ lệ có khác nhau giữa các phương án duy trì mức sinh thay thế (2,1 con/bà mẹ) và thực hiện mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.

Cụ thể, nếu duy trì mức sinh thay thế, tỉ lệ người già/tổng dân số sau gần 20 năm nữa là hơn 17%. Nhưng nếu thực hiện mức sinh thấp thì người già khi đó sẽ chiếm tới 20% dân số.

Nếu duy trì mức sinh thay thế, mức sinh hợp lý sẽ giúp tăng số trẻ em và người trong độ tuổi lao động, giảm tỉ lệ người già và số lượng người lao động tăng thêm vài triệu người cũng là rất đáng kể.

* VN sẽ chính thức chuyển sang giai đoạn dân số già vào khoảng năm 2040. Có quá sớm để lo ngại giai đoạn dân số già mà quên mất những vấn đề hiện nay là nhiều người trẻ thất nghiệp, năng suất lao động thấp, lương thấp...?

- Vấn đề dân số là phải tính rất xa. Hiện nay Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc đã có dự báo đến năm 2100. Hay Hàn Quốc cũng dự báo rất xa: họ giả định nếu vẫn duy trì mức sinh thấp (như hiện nay) thì đến năm 2300 dân số Hàn Quốc chỉ còn 300 người, gần như không còn trên bản đồ thế giới.

Các nước hiện đã ở giai đoạn dân số già (như hiện nay) đều là những nước phát triển, năng suất lao động cao. Tuy vậy, khi vào giai đoạn dân số già họ vẫn gặp khó khăn.

Như nước Đức, họ đã duy trì mức sinh thay thế mấy chục năm nay và trong vòng 20 năm qua Đức đã cho nhập cư 7 triệu lao động. Đó là một trong những giải pháp chống đỡ với tình trạng dân số già.

* Trong các vấn đề liên quan đến dân số hiện nay như mức sinh giảm, chênh lệch giới tính khi sinh, già hóa dân số..., ông cho vấn đề nào là thách thức nhất? Làm gì để hạn chế?

- Thách thức nhất và dài hạn nhất là già hóa dân số. Chúng tôi ở vị trí tư vấn về kỹ thuật đã bàn soạn một số đề nghị để trình lên Hội nghị trung ương 6 tới đây, trong đó có những đề xuất về phương án duy trì mức sinh thay thế hiện nay để làm chậm tốc độ già hóa dân số.

Bên cạnh đó là các đề xuất về nâng chất lượng dân số, giảm chênh lệch giới tính khi sinh... Tất cả để nhằm một mục tiêu là làm chậm lại tiến trình già hóa dân số và cũng là nâng chất lượng dân số để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Người già Trung Quốc không đủ tiền vào viện dưỡng lão

Trung Quốc cũng đang đối mặt với một vấn đề xã hội nghiêm trọng là dân số già. Vào năm 2015, số dân trên 65 tuổi của Trung Quốc chiếm 143 triệu dân, dự đoán lên đến 168 triệu dân vào năm 2020, theo dữ liệu của chính phủ.

Những năm gần đây, nhu cầu sống trong viện dưỡng lão tăng mạnh do chính sách một con.

Nhiều công ty nhận thấy tiềm năng của thị trường và mạnh tay đầu tư vào các viện dưỡng lão. Mặc dù số người và số viện dưỡng lão đều tăng nhưng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nguy cơ thừa các viện dưỡng lão.

Một trong những nguyên nhân là thu nhập chưa cao của phần lớn người già ở Trung Quốc, nơi có đến 55% dân số sống ở tỉnh.

Giá thành của viện dưỡng lão ở Trung Quốc khá cao. Chẳng hạn, phí của một trong những dự án thành công nhất của Công ty Sino-Ocean - Viện dưỡng lão L’Amore - là 11.000 nhân dân tệ (1.630 USD) một người.

Một dự án khác nằm ở mức trung lưu là dự án Poly’s Beijing vào khoảng 5.000 - 6.000 nhân dân tệ (700 - 900 USD) một người.

Chính vì vậy số người lớn tuổi có khả năng chi trả để sống ở viện dưỡng lão không nhiều. Không những vậy, trên thực tế người già Trung Quốc vẫn chuộng sống chung với gia đình theo truyền thống hơn là sống trong viện dưỡng lão.

Chính phủ nước này ước tính đến năm 2020 chỉ 3-4% dân số già có đủ điều kiện sống ở viện dưỡng lão.

TRẦN PHƯƠNG - MY HÀ

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên