23/05/2017 12:23 GMT+7

'Sạp kế bên ngâm chất tẩy trắng, tui không ngâm làm sao bán?'

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO- Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức nói tiểu thương tại chợ nói với bà như vậy khi đi tuyền truyền, tập huấn cho tiểu thương buôn bán thực phẩm sạch.

Bà Nguyễn Thanh Hà , phó giám đốc  chợ Nông sản Thủ Đức, phát biểu  quản lý đuọc nguồn gốc chứ chưa kiểm soát được thục phẩm an toàn tại buổi hội thảo - Ảnh: Tự Trung
Bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức - Ảnh: Tự Trung

Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản lý an toàn thực phẩm từ gốc ở TP.HCM- thực trạng và giải pháp” diễn ra sáng 23-5 tại TP.HCM. Chương trình do Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP tổ chức.

Tham dự có các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và đại biểu HĐND TP.

Chưa dám đảm bảo hàng hóa bán tại chợ an toàn

Là người đầu tiên trình bày tham luận, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức cho biết dù đã hết sức nỗ lực tuyên truyền, vận động, tập huấn cho các tiểu thương buôn bán tại chợ, tăng cường các biện pháp quản lý, truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn chưa dám đảm bảo chắn chắn hàng hóa bán từ chợ đều an toàn.

“Nông dân người ta trồng gì, bón gì, tưới gì mình không biết được. Hàng hóa phần nhiều lại do thương lái lấy hàng từ các tỉnh về nên nguồn hàng mình cũng không chủ động được”- bà Hà nói.

Theo bà Hà, việc vận động tiểu thương bán thực phẩm an toàn cũng gặp không ít khó khăn.

“Mình vận động bà con đừng ngâm chất tẩy trắng vào bắp chuối nữa thì họ than khách hàng đòi phải trắng. Sạp bên kia ngâm chất tẩy trắng, sạp tui không ngâm thì sao mà bán? Vậy là phải vận động toàn chợ không ngâm. Nhưng rồi ngay bên ngoài chợ người ta bán hàng ngâm tẩm trắng đẹp, giá rẻ tràn lan”- bà Hà kể.

Quan tâm đến vấn đề quản lý việc buôn bán hóa chất, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM trăn trở: “Hiện rất nhiều hàng quán ăn sáng sử dụng hóa chất làm mềm để chế biến các nồi súp nước dùng. Vậy là từ cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên ở TP.HCM đều bị ảnh hưởng. Cơ sở càng nhỏ, lẻ thì khả năng vi phạm càng cao”.

Bên cạnh vai trò quản lý của nhà nước, Bà Chi đặt vấn đề về vai trò, trách nhiệm của các tiểu thương buôn bán ở chợ hóa chất Kim Biên.

“Người bán đã tư vấn việc lựa chọn hóa chất nào phù hợp, cách sử dụng, liều lương thế nào cho khách hàng chưa hay chỉ biết bán mà không cần quan tâm việc gì khác?”- bà Chi nêu bức xúc.

Chưa quản lý hiệu quả chợ hóa chất Kim Biên

Ông Trường Giang phát biểu tại buổi Hội thảo khoa học quản lý An toàn thực phẩm từ gốc ở TP.HCM thực trạng và giải pháp, sáng 23-5 - Ảnh: Tự Trung
Ông Trường Giang phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Tự Trung

“Phải làm sao để người dân dễ dàng nhận ra sản phẩm sản xuất theo chuỗi an toàn. Ra chợ thì mua ở chỗ nào, vào siêu thị thì khu vực nào bán hàng hóa sạch. Cái này phải làm rõ chứ cứ nhập nhằng thì rất khó”- tiến sĩ, bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM đề xuất.

Ngoài ra, theo ông Giang, hóa chất phụ gia thực phẩm phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện: phải được sản xuất, chế biến, kinh doanh trong cơ sở có đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm được chứng nhận.

Ông Giang nói TP đã rất vất vả với chợ Kim Biên nhưng chỉ làm bằng biện pháp kêu gọi, vận động chứ không có quy định pháp luật hay chế tài cụ thể gì cả. Chưa kể TP chỉ quản lý được mấy chục sạp trong lòng chợ chứ bên ngoài thì chưa quản nổi.

“Khi có việc xẩy ra thì người bán hóa chất nói: Tôi bán hàng hợp pháp mà, nhà nước cho bán mà - vậy là ta không bắt, không xử phạt được. Như chuyện rau muống bào ngâm hóa chất, báo chí đưa tin, người dân hoang mang vô cùng, nhà sản xuất điêu đứng một thời gian rồi thôi. Chẳng thấy ai bị xử lý”- ông Giang nêu dẫn chứng.

Về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, ông Giang đánh giá mục đích làm thì hay đó, nhưng ta chưa xử lý vi phạm rốt ráo, hoặc ta xử theo kiểu “hơi hơi”. Nếu thẳng tay xử lý, vi phạm là tiêu hủy, làm mạnh như vậy thì người lấy hàng về bán mới phải quyết liệt đòi người bán hàng cho mình phải chứng minh được nguồn gốc thực phậm. Như thế thì mới tạo được hiệu ứng dây chuyền trong cái ma trận về thực phẩm đang bủa vây người dân TP.

Ông Giang cũng đề nghị HĐND TP phải duyệt biên chế chuyên trách cho thanh tra chuyên nghiệp, chuyên trách và chuyên quyền. Tuy nhiên, phải có quy chế cụ thể để ngăn chặn sự nhũng nhiễu, tiêu cực của chính lực lượng này.

Bà Nguyễn Thị Nhã Trúc, Trưởng phòng quản lý chất lượng Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP cho biết bên cạnh những kết quả đạt được thì việc sử dụng phụ gia bảo quản thực phẩm vẫn còn tồn tại. Các cơ quan chức năng phát hiện không ít trường hợp dùng chất Auramine O (vàng O) trong măng, thịt heo chứa chất tạo nạc, phẩm màu trong ruốc…

Nhiều chất bảo quản, phụ gia khác không được phép dùng, không rõ nguồn gốc trong bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm, ngâm, tẩm, ướp tạo màu sản phẩm… Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.

Đại diện Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Long An phản ánh trong năm 2016 đã thu 88 mẫu thực phẩm cung cấp về TP.HCM (56 mẫu thịt heo, 32 mẫu thủy sản nuôi nước ngọt”) để phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Kết quả có 33/88 mẫu bị nhiễm, chiếm 37,5%.

Cụ thể, về chỉ tiêu vi sinh có 19/56 mẫu thịt nhiễm salmonella. Về chỉ tiêu kháng sinh có 12/32 thủy sản nhiễm kháng sinh cấm Enrofloxacin và Ciprofloxacin, Sulfadimin

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên