21/05/2017 12:33 GMT+7

Đất thiêng từ cố đô

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Cố đô Huế là một trong tám điểm được chọn lấy đất trong hành trình “Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa” của Tuổi Trẻ.

Nhà nghiên cứu Vĩnh Cao (bên phải) vốc nắm đất ở hoàng thành Huế để gửi đi Trường Sa - Ảnh: NHẬT LINH
Nhà nghiên cứu Vĩnh Cao (bên phải) vốc nắm đất ở hoàng thành Huế để gửi đi Trường Sa - Ảnh: NHẬT LINH

“Cùng với đất thiêng tiếp nhận từ cả ba miền của Tổ quốc, những nắm đất từ cố đô Huế sẽ hòa quyện vào đất Trường Sa, để tiếp tục khẳng định chủ quyền non sông, tiếp nối sức mạnh của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam

Ông Nguyễn Phước Hải Trung (phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế)

Đây không chỉ là nơi có đàn Nam Giao, có đàn Xã Tắc… Đây còn là nơi hình thành đội Hoàng Sa, Bắc Hải được triều Nguyễn cử đi cai quản hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Đàn Nam Giao - nơi đầu tiên chúng tôi lấy đất sáng 12-5. Đàn Nam Giao là nơi các vua Nguyễn tế trời để cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Nhà nghiên cứu Vĩnh Cao, chuyên gia về lễ nghi tế tự ở Huế, thành kính vốc bốn nắm đất ở bốn phương đông tây nam bắc, trang trọng đặt vào chiếc hộp gửi đi Trường Sa.

Tiếp đến, chúng tôi đi về phía đầu nguồn sông Hương, nhằm hướng Văn Miếu và Võ Miếu. Ở đây, dưới chân những bia đá ghi danh những người có công lao bảo vệ đất nước. “Nắm đất từ Văn Miếu - Võ Miếu gửi ra Trường Sa là để nối liền hào khí bao đời của dân tộc!” - ông Vĩnh Cao nói.

Đàn Xã Tắc nằm ở kinh thành Huế, được xây dựng năm Gia Long thứ 5 (1806). Thuở trước, vua sai tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn cõi đưa đất về để đắp đàn. Vì vậy đàn Xã Tắc bấy giờ là biểu tượng cho đất đai Tổ quốc.

Sau khi lấy xong nắm đất ở điểm cuối cùng là hoàng thành Huế, nhà nghiên cứu Vĩnh Cao nói: “Trong hộp đất này có đủ cả thiên - địa - nhân, trời - đất - con người nước Việt.

Đặc biệt là đất đàn Xã Tắc là đất cả nước góp về Huế. Bây giờ đất Huế đưa ra Trường Sa. Hồn thiêng xã tắc quốc gia sẽ tạo vượng khí cho vùng đảo xa của Tổ quốc”.

Buổi tiếp nhận đất thiêng cố đô Huế gửi Trường Sa được tổ chức trang trọng tại quảng trường Phu Văn Lâu, ngay chính diện kinh thành Huế.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, và anh Trần Gia Công, bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế, trân trọng giao hộp đất thiêng cố đô Huế cho đại diện báo Tuổi Trẻ.

Trước sự chứng kiến của đông đảo bạn trẻ đại diện cho người dân Huế, nhà nghiên cứu Hải Trung xúc động nói: “Hôm nay, chúng ta cùng có mặt ở đây để thực hiện nghi thức tiếp nhận đất thiêng của cố đô Huế gửi ra Trường Sa - vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi.

Cùng với đất thiêng tiếp nhận từ cả ba miền của Tổ quốc, những nắm đất từ cố đô Huế sẽ hòa quyện vào đất Trường Sa, để tiếp tục khẳng định chủ quyền non sông, tiếp nối sức mạnh của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam”.

Từ kỳ đài Huế, nhìn ra phía Biển Đông, chúng tôi nghĩ về những đội hùng binh Hoàng Sa, Bắc Hải năm xưa và những người lính trên quần đảo Trường Sa hôm nay.

Nắm đất cố đô Huế thấm đẫm mồ hôi và xương máu bao thế hệ người Việt sẽ hòa tan vào những tấc đất, ngọn sóng thiêng liêng của Trường Sa nước mình.

Nơi đây, lệnh vua đã ban...

Phút tôn kính khi tiếp nhận đất thiêng Huế gửi Trường Sa  
- Ảnh: MINH AN
Phút tôn kính khi tiếp nhận đất thiêng Huế gửi Trường Sa - Ảnh: MINH AN

 

Nhà nghiên cứu Hải Trung cho biết triều Nguyễn đã xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông từ rất sớm và liên tục thực thi chủ quyền đó một cách nhất quán.

Khác với các nước trong khu vực lúc bấy giờ, Việt Nam là quốc gia duy nhất xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong số châu bản (văn bản triều đình) còn lưu giữ, thì đã có hơn 20 văn bản thể hiện rất cụ thể việc triều Nguyễn thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, nhà Nguyễn lập đội Bắc Hải hoạt động độc lập ở vùng nam Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa, nhưng về tổ chức thì vẫn do cai đội Hoàng Sa kiêm quản.

Đội dân binh Hoàng Sa phát triển dần qua tám đời chúa và tiếp tục duy trì dưới thời Tây Sơn, đến đầu thời vua Nguyễn là gần hai thế kỷ.

Khi vua Gia Long lên ngôi, các đội Hoàng Sa, Bắc Hải được tái lập (vào năm 1803) và sau đó (1807) thì sung vào lực lượng thủy quân.

Hòn đất từ miền mở cõi

Hòn đất ở Đất Mũi - miền cực Nam của Tổ quốc - được trao cho báo Tuổi Trẻ để mang ra Trường Sa - Ảnh: CHÍ QUỐC
Hòn đất ở Đất Mũi - miền cực Nam của Tổ quốc - được trao cho báo Tuổi Trẻ để mang ra Trường Sa - Ảnh: CHÍ QUỐC

Thật lạ là từ buổi sớm ở miền Đất Mũi lại có mưa nặng hạt. Dù vậy, nhiều đoàn viên xã Đất Mũi cùng hội viên Hội Phụ nữ tỉnh Cà Mau đã sẵn sàng cho nghi lễ lấy đất thiêng long trọng.

Và vô cùng xúc động khi trong buổi sáng này, không chỉ người dân địa phương mà khách tham quan đến Đất Mũi cũng hòa vào dòng người, nghiêm trang trước cờ đỏ sao vàng, hát vang Quốc ca, cùng chạm tay lấy từng nắm đất cuối trời Tổ quốc gửi đến Trường Sa.

Chị Đào Hồng Quyết, phó chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Cà Mau, nói khi hay tin mình sẽ được tham gia buổi lấy đất thiêng trong chương trình “Hồn đất quê nhà gửi Trường Sa” do Tuổi Trẻ tổ chức, chị thức gần trọn đêm để viết bài phát biểu hơn ba trang giấy.

“Đó không phải là bài phát biểu. Đó là cảm xúc, là lời nhắn nhủ tôi thay mặt bà con Đất Mũi gửi đến Trường Sa, rằng ở đây, dù chưa một lần đến đảo nhưng mỗi người dân nơi đây đều biết đến đó là mảnh đất gắn liền với đất nước máu thịt hình chữ S này” - chị tâm tình.

Khi biết chương trình mang đất thiêng từ Mũi Cà Mau ra Trường Sa, ông Nguyễn Công Trực (77 tuổi) - một trong những người cố cựu ở vùng đất này - xúc động nói: “Đã là con dân nước Việt thì dẫu không nói thành lời nhưng nắm đất này mang đến Trường Sa cũng xem như là đất liền, biển đảo không còn ranh giới, hòa cùng một cội” - ông Trực rưng rưng.

Ông chỉ về cánh rừng đước thẳng tắp, xanh um phía mũi đất: “Nhìn nó trơ trơ vậy đó, chớ không nhờ nó thì cách mạng khó thành công”.

Ông kể ngày xưa kháng chiến, cán bộ dựa vào rừng đước để hoạt động, dân cũng dựa vào rừng đước mà sống, mà che chở cho nhau.

Ông Nguyễn Công Chức (80 tuổi), nguyên bí thư xã Đất Mũi những năm 1990, bồi hồi nhớ lại: khoảng năm 1983-1984, xã Đất Mũi được kéo điện về, các cụ già mừng đến rơi nước mắt vì sống đến gần cuối đời mới biết ánh sáng đèn điện ra sao.

“Ngày xưa chỉ đi bằng xuồng bơi, xuồng chèo, xuồng mũi nhọn, chưa bao giờ dân vùng cực Nam Tổ quốc như tui nghĩ sẽ có ngày được đi đường bộ, đường xe trơn tru như bây giờ, nên còn mong mỏi gì hơn. Con cháu giờ được sống trong hòa bình phải nhớ năm xưa cha ông đã đánh đổi mất mát mới có ngày hôm nay” - ông Chức tâm tình.

THÙY TRANG - CHÍ QUỐC 

 

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên