07/05/2017 08:24 GMT+7

Cát tặc "cạp" cát bất kể ngày đêm

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Dù cơ quan chức năng ở các địa phương tuyên bố siết chặt quản lý khai thác cát trái phép nhưng tại các mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu, nạn khai thác cát lậu vẫn diễn ra bất kể ngày đêm.

Sà lan khai thác cát trái phép trong đêm 5-5 trên sông Hậu - Ảnh: HẠNH NGUYỄN
Sà lan khai thác cát trái phép trong đêm 5-5 trên sông Hậu - Ảnh: HẠNH NGUYỄN

Những ngày đầu tháng 5-2017, khi giá cát đang sốt lên từng ngày cũng là lúc các phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền, sông Hậu gia tăng việc vơ vét lòng sông dữ dội.

Bất chấp lệnh cấm 

Đêm, hàng chục xáng cạp vẫn hoạt động làm huyên náo suốt một đoạn sông Hậu dài gần chục cây số (đoạn qua 3 địa phương Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang).

Gần 19h, ngay phía đầu cồn Công (xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) có ít nhất 4 xáng cạp đang hì hục vung gàu nạo cát.

Chứng kiến cảnh các xáng cạp thản nhiên lấy cát bất kể sớm tối, một người dân lắc đầu ngao ngán: “Họ đâu có sợ ai...”.

Ngay đầu phía cồn Công, ngư dân dùng canô đưa chúng tôi tận mắt chứng kiến nạn lấy cát trong đêm. Dù còn cách xa cả cây số, trong bóng tối đen kịt vẫn nghe tiếng động cơ gầm rú hết công suất. Phát hiện ghe lạ lảng vảng xung quanh, những người trên xáng cạp liên tục pha đèn dò xét. Sau đó đồng loạt tắt máy, gác gàu.

Ngoài những xáng cạp lớn trên sông, ven mé bờ cồn Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn) cũng có một số ghe công suất vài chục tấn đang tìm chỗ thọc vòi xuống lòng sông hút cát.

Ông X. - ngư dân chuyên giăng câu đêm ở ấp Mái Dầm (xã Lục Sĩ Thành) - cho biết nạn khai thác cát lậu ở đây diễn ra liên tục từ nhiều năm rồi. Chính quyền chỉ cấp phép khai thác cát vào ban ngày, vị trí nằm xa bờ sông, nhưng khi đêm tối thì các xáng cạp lại lén tấp sát bờ hút cát.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Vĩnh Long, trên luồng sông Hậu thuộc thủy phận Vĩnh Long (khu vực cồn Công và xã Lục Sĩ Thành), UBND tỉnh Vĩnh Long cấp 2 giấy phép khai thác cát sông cho 2 doanh nghiệp.

Cụ thể, Công ty TNHH xây dựng dịch vụ thương mại Hải Toàn được khai thác cát khối lượng 150.000m3/năm với thời hạn 6 năm, thời gian từ 6h-18h. Công ty cổ phần Thiện Long được khai thác 100.000m3/năm, thời gian khai thác 4 năm, hoạt động từ 6h-18h.

Tại khu vực này không có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác ban đêm, nhưng thực tế cho thấy xáng cạp luôn rầm rộ lấy cát bất kể giờ giấc.

Trộm cát... công khai

Ngày 4-5, tại bến đò Tám Thiện (xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), một chiếc sà lan sắt xuất hiện giữa sông Hàm Luông. Sà lan vừa thò hai vòi xuống hút cát, anh L. - người dân địa phương - liền gọi điện thoại báo cho cơ quan chức năng nhưng mọi chuyện vẫn êm ru, chiếc sà lan hút đầy cát rồi bỏ đi.

Anh L. cho biết từ đầu năm đến cuối tháng 4-2017, khúc sông này là nơi “cát tặc” hoạt động cả ngày lẫn đêm. Tình hình có giảm đôi chút vào đầu tháng 5 nhưng các đối tượng “cò” vẫn thường xuyên rảo quanh, thấy ổn sẽ thông báo để ghe, sà lan trở lại hút cát.

Khi chúng tôi tới bến đò Tám Thiện, ở đây có hai chiếc tàu sắt loại 100m3 đang miệt mài hút cát, một người dân ngồi trên bến đò chậc lưỡi: “Đây là 2 tàu sắt của Th., nhà ở Tiên Long. Giờ không ai thèm báo cơ quan chức năng, có báo mấy ổng cũng có xuống kịp đâu”. Trước đó, không ít lần người dân gọi báo có ghe hút cát lậu, khi cán bộ ở đây đến nơi thì những ghe này đã kịp tẩu thoát.

Từ nhiều năm trước, khu vực bến đò Tám Thiện từng là điểm nóng của nạn khai thác cát. Hằng ngày, xáng cạp, sà lan, tàu sắt chở cát đậu kín cả lòng sông. Người dân phải mất cả tháng trời tự chèo xuồng, thuê ghe ra giữa sông quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng, rồi kéo lên UBND tỉnh Bến Tre phản ảnh.

Cũng như sông Hàm Luông, tại sông Tiền từ dạ cầu Rạch Miễu (phía tỉnh Tiền Giang) phóng tầm mắt ra khoảng 300m có thể thấy mọi hoạt động của một chiếc ghe mà người dân cho là “cát tặc”. Tiếng máy nổ tành tạch, hàng chục khối cát cứ thế chảy vào ghe.

Khi trời bắt đầu nhá nhem, lập tức có hai ghe chạy lại gần chân cầu Rạch Miễu, cách hơn 50m thò ống xuống hút cát trước mắt nhiều người.

Ông Nguyễn Tất Niên, chánh thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bến Tre, cho biết “cát tặc” thường lợi dụng vị trí giáp ranh để khai thác cát trái phép. Khi lực lượng chức năng bên này kiểm tra thì họ cho tàu qua mé địa phương khác quản lý.

Giữa các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang đều có cơ chế phối hợp đi kiểm tra, nhưng mỗi lần có đoàn kiểm tra là “lòng sông vắng hoe”. Liệu có tình trạng bảo kê cho “cát tặc” không, ông Niên nói có nghe phản ảnh nhưng không có chứng cứ để khẳng định.

Điểm nóng cát lậu

Nhiều năm nay, đoạn sông Tiền qua địa phận xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, An Giang) đã trở thành điểm nóng của nạn khai thác cát lậu. Điều đáng nói là khu vực này bị khai thác cát suốt đêm làm người dân mất ăn, mất ngủ vì lo lắng sạt lở.

Gần 30 năm sống ven sông Tiền, ông Lê Văn Đúng (tổ trưởng tổ 11, ấp Tấn Hòa, xã Tấn Mỹ) chứng kiến sự thay đổi rõ nét của dòng sông. Ngày trước dòng sông chỉ rộng chừng 200m, nhưng nay tăng gấp 3-4 lần. Ông Đúng nói sở dĩ sông “phình” ra như vậy là do nạn lấy cát diễn ra trong thời gian dài.

Theo tài liệu, đoạn sông Tiền này bị Công ty Hải Toàn khai thác cát từ tháng 3-2003 đến nay. Thời gian khai thác theo giấy phép cấp cho doanh nghiệp Hải Toàn là từ 5h-20h cùng ngày. Sau đó, tỉnh điều chỉnh thời gian khai thác bắt đầu từ 6h-18h hằng ngày. Thế nhưng công ty này vẫn khai thác cát sông theo giờ cũ, bất chấp phản ứng của người dân.

“Không chỉ doanh nghiệp khai thác cát được phép hoạt động, các phương tiện khai thác cát chui cũng thường xuyên hút trong đêm gây bức xúc” - một người dân nói.

Ghe chờ chở cát dày đặc sông Tiền

Ngày 6-5, ông Nguyễn Thanh Hùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cùng lãnh đạo một số sở, ban ngành tỉnh đã trực tiếp đến kiểm tra các điểm khai thác cát sông tại đầu nguồn sông Tiền ở địa phận huyện Hồng Ngự.

Sau khi đảo canô một vòng nhánh sông Tiền, đoàn kiểm tra ghi nhận có hàng chục xáng cạp đang khai thác cát. Ngoài ra còn có hàng trăm phương tiện mang biển số nhiều tỉnh thành cũng neo đậu dày đặc trên sông chờ mua cát, có những đoạn sông tập trung đến hơn 50 phương tiện.

Ông Hùng trực tiếp lên xáng cạp tại mỏ cát số 4 do Công ty CP Xây lắp và VLXD tỉnh Đồng Tháp khai thác. Tại đây, những người có trách nhiệm cho biết giá cát được mua tại chỗ gần 20.000 đồng/m3 cát đen, khoảng 40.000 đồng/m3 cát vàng hạt nhuyễn và 60.000 đồng/m3 cát vàng hạt to.

Theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn huyện Hồng Ngự có 1 đơn vị là Công ty CP Xây lắp và VLXD tỉnh Đồng Tháp được cấp phép khai thác cát sông ở 9 khu vực. Tổng lượng xáng cạp là 24 chiếc với tổng công suất cho phép khoảng 3.750.000m3/năm.

Ông Võ Minh Tâm, phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp, cho hay hiện nhiều phương tiện phải neo đậu hơn 1 tuần mới có thể lấy cát. “Nếu Đồng Tháp giảm sản lượng khai thác khoảng 30% thì giá cát tại TP.HCM có thể tăng lên 1 triệu đồng/m3, nếu dừng khai thác cát khoảng 1 tuần thì thị trường cát sẽ có biến động lớn” - ông Tâm nói.

Sau khi khảo sát, ông Nguyễn Thanh Hùng nói: “Sắp tới sẽ phải tìm các loại vật liệu thay thế tài nguyên cát sông đang ngày càng cạn kiệt. Sản lượng khai thác cát tại Đồng Tháp và An Giang không thể nào đủ cung ứng cho thị trường xây dựng trong thời gian tới”.

THÀNH NHƠN

Siết chặt quản lý khai thác cát

Tối 6-5, ông Lê Văn Nưng - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết sau khi Thủ tướng chỉ đạo không cấp phép mới khai thác cát và siết chặt quản lý khai thác khoáng sản cát sông, lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt các ngành chuyên môn rà soát việc khai thác trên các sông hiện nay.

“Tỉnh ủy - UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường phải rà soát các mỏ cát đang khai thác hiện nay, về giờ giấc phải tuân thủ chỉ được khai thác từ 6h sáng và kết thúc trước 18h hằng ngày, không được khai thác ban đêm, không khai thác ngoài phạm vi cấp phép” - ông Nưng nói.

Trong khi đó, ông Roãn Ngọc Chiến, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Vĩnh Long, cho hay riêng việc khai thác cát tỉnh đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch.

Tại TP Cần Thơ, đại tá Trần Thanh Chàng - trưởng Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP Cần Thơ - cho biết ban giám đốc Công an TP có triển khai nhanh chóng chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường kiểm tra, phòng chống “cát tặc”.

Theo ông Nguyễn Văn Chinh - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Bến Tre, hơn 1 tháng qua tình trạng khai thác cát giảm so với trước đây, tuy nhiên lại nảy sinh khan hiếm cát.

M.TRƯỜNG - H.NGUYỄN - B.ĐẤU

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên