05/05/2017 17:03 GMT+7

Bao giờ người TP.HCM ra đường không phải mang khẩu trang?

MAI HOA - NGUYỄN TRIỀU
MAI HOA - NGUYỄN TRIỀU

TTO - Câu hỏi được PGS.TS Lê Văn Khoa, trưởng bộ môn quản lý môi trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đặt ra tại hội nghị chuyên đề về bảo vệ môi trường tổ chức sáng 5-5.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu về cuộc họp về kiểm tra giám sát tình trạnh ô nhiễm môi trường, sáng 5-4 - Ảnh: TỰ TRUNG
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại cuộc họp về kiểm tra giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường - Ảnh: TỰ TRUNG

Hội nghị chuyên đề về bảo vệ môi trường ​đô thị, khu dân cư, quản lý chất thải trên địa bàn TP do HĐND TP.HCM tổ chức.

PGS.TS Lê Văn Khoa được mời trình bày về vấn đề môi trường hiện nay ở TP.HCM, mô hình quản lý về môi trường của Nhật Bản.

TP.HCM nằm trong top những thành phố ô nhiễm

Ông Khoa nói TP.HCM là địa phương sớm quan tâm đến vấn đề môi trường nhưng cho đến nay, TP.HCM và Hà Nội bị liệt kê vào nhóm những thành phố bị ô nhiễm bụi nhất thế giới.

Ông Khoa cho rằng các quốc gia khi phát triển đến một trình độ nhất định thì khi đó kinh tế càng phát triển, ô nhiễm càng giảm. Tuy nhiên ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung thì chưa đạt đến mốc chuyển biến đó.

Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP, tức là khoảng 225.000 tỉ đồng (năm 2016).

Khi nói về việc kiểm soát ô nhiễm đô thị, PGS.TS Lê Văn Khoa đặt vấn đề: “Chừng nào người dân TP.HCM ra đường không phải đeo khẩu trang vì không khí ô nhiễm?”.

PGS-TS Lê Văn Khoa, Đại học Bách Khoa trao đổi về công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn TP.HCM, sáng 4-5-2017 - Ảnh: TỰ TRUNG
PGS-TS Lê Văn Khoa, Đại học Bách khoa trao đổi về công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn - Ảnh: TỰ TRUNG

Không chỉ là ô nhiễm về khói bụi, báo cáo của các đoàn khảo sát của HĐND TP trong thời gian vừa qua cũng cho kết quả: Nước mặt, nước kênh rạch nhìn chung bị ô nhiễm. Nước thải sinh hoạt của TP hiện khoảng 2,75 triệu m3/ngày nhưng mới chỉ xử lý được khoảng 13,2%.

Lượng chất thải rắn thông thường được thu gom, xử lý trong năm 2016 trung bình 8,3 ngàn tấn/ngày, chưa được phân loại tại nguồn.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP cho biết những bức xúc của người dân thành phố về vấn đề liên quan đến môi trường đô thị là một phần nguyên nhân để HĐND TP sẽ tổ chức kỳ họp bất thường về vấn đề này ngay trong khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6 này, thay vì đợi đến cuối năm.

Khoảng 18.000 người mua bán ve chai giúp phân loại rác 

Báo cáo tại hội nghị, ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban đô thị HĐND TP cho biết việc phân loại rác tại nguồn đến nay chưa có nhiều hộ dân tham gia.

Chương trình thí điểm tại quận 1 từ năm 2013 và tại quận 3,5,6,12, Bình Thạnh từ 2015. Tuy nhiên phương tiện thu gom chưa phù hợp, chưa đồng bộ. Việc vận chuyển và xử lý chung dẫn đến dư luận tiêu cực.

Ông Kiên nói thực tế hiện nay đang tồn tại một lực lượng phân loại rác thải tại nguồn tự phát từ chính lực lượng thu gom, người mua bán phế liệu (ve chai), ước tính khoảng 16.000-18.000 người.

 

 

Ông Trương Trung Kiên, trưởng ban Đô thị, HĐND TP.HCM báo cáo khảo sát công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP.HCM, sáng 4-5-2017 - Ảnh: TỰ TRUNG

 

Ông Trương Trung Kiên, trưởng ban Đô thị, HĐND TP.HCM báo cáo khảo sát công tác bảo vệ môi trường - Ảnh: TỰ TRUNG

Lực lượng này góp phần phân loại phần nào rác thải trước khi về khu xử lý. Hiện nay Sở Tài nguyên môi trường đang xây dựng quy định triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, dự kiến trình TP trong tháng 6-2017.

Về việc phân loại rác tại nguồn, PGS.TS Lê Văn Khoa lấy ví dụ về kinh nghiệm của Nhật Bản. Ở Nhật, người dân phân rác thành 4 loại: Rác cháy được, rác không cháy được, rác tái chế được, rác có kích thước lớn. Với loại có kích thước lớn thì phải gọi đơn vị chuyên trách tới lấy và phải trả thêm tiền.

Ở Nhật, từ những năm 1960 họ đã xử lý rác bằng cách đốt và hiện nay đứng đầu thế giới về công nghệ đốt rác. Đến năm 2009, Nhật có đến 1.243 nhà máy đốt rác, đốt bằng nhiều phương pháp khác nhau: đốt trong lò, đốt hóa lỏng, đốt hóa khí, với các bảng điện tử truyền các số liệu ra ngoài cho người dân giám sát.

Ở Tokyo, mỗi quận huyện đều có một nhà máy đốt rác riêng vì họ không muốn vận chuyển sự ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác.

Tại các nhà máy đốt rác họ làm cửa hàng, hồ bơi… người dân xung quanh không bị áp lực. “Chúng ta chừng nào có hình ảnh những nhà máy đốt rác như vây?”, ông Khoa đặt câu hỏi.

Theo ông Khoa, lý do khiến Nhật Bản thành công trong quản lý môi trường là do xây dựng được cơ sở pháp lý rất đầy đủ, có công nghệ tốt. Ở Nhật, từ lâu các công ty điện tử buộc phải thu hồi được ít nhất 60% sản phẩm để tái chế.

Trong khi đó ở Việt Nam, quy định này được xây dựng từ nhiều năm trước với mức 15-20% nhưng đến nay vẫn chưa làm được.

MAI HOA - NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên