05/04/2017 16:17 GMT+7

​Khó kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Để bảo vệ quyền lợi người lao động, nhiều công đoàn địa phương đã khởi kiện các doanh nghiệp trốn, nợ bảo hiểm xã hội ra tòa nhưng tòa đã trả lại hồ sơ vì luật còn “khoảng trống”.

Ông Mai Đức Chính (người đứng) cho biết công đoàn không kiện được doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội - Ảnh: Đ.B
Ông Mai Đức Chính (người đứng) cho biết công đoàn không kiện được doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội - Ảnh: Đ.B

Thông tin này được đưa ra tại cuộc giao ban báo chí của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ngày 5-4.

Trước câu hỏi của Tuổi trẻ về tình hình các doanh nghiệp trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội, cũng như các biện pháp của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết số tiền doanh nghiệp trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức trên 6.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ khó đòi vì doanh nghiệp đã phá sản, hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

“Để bảo vệ quyền lợi người lao động, nhiều công đoàn địa phương đã tiến hành khởi kiện các doanh nghiệp trốn, nợ bảo hiểm xã hội ra tòa. Tuy nhiên, tòa đã trả lại hồ sơ, hoặc chưa trả lời, vì luật còn “khoảng trống”, vì kiện “không đúng thẩm quyền. Do đó, việc đòi nợ này đang cực kỳ gian nan, khó khăn”, ông Chính nói.

Theo ông Chính, tính đến hết 2-2017, phía bảo hiểm xã hội đã chuyển giao 1.177 bộ hồ sơ về các doanh nghiệp đang trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, 52 liên đoàn lao động các tỉnh cũng đã tiếp nhận 1.150 bộ hồ sơ ở địa phương.

Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn 39 liên đoàn địa phương khởi kiện 77 vụ ra tòa và sắp tới 17 LĐLĐ các tỉnh khác sẽ khởi kiện khoảng 60 vụ nữa. Tuy nhiên, trong 77 vụ đã đưa hồ sơ kiện ra tòa thì 17 vụ tòa án trả lại hồ sơ với lý do không thuộc thẩm quyền, hoặc chỉ là tranh chấp về quyền lợi.

Theo ông Chính, phía tòa cho rằng bảo hiểm xã hội là bên thụ hưởng, quản lý quỹ bảo hiểm nên bảo hiểm phải là người xử phạt hoặc kiện doanh nghiệp, nếu công đoàn kiện thì phải kiện bảo hiểm xã hội.

Mặc dù vây, ông Chính cũng cho biết, sau khi công đoàn có động tác khởi kiện thì đã có nhiều doanh nghiệp đem tiền nộp trả bảo hiểm xã hội cho người lao động, với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên