29/03/2017 10:17 GMT+7

Nổ trạm điện, người đi đường phỏng nặng

Đ.PHÚ - Q.KHẢI
Đ.PHÚ - Q.KHẢI

TTO - Ngày 28-3, chị Trần Quốc Thanh Nhã (33 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn còn đau đớn với cơ thể băng trắng do phỏng nặng sau sự cố nổ trạm biến áp trên đường Lê Trọng Tấn, Q.Bình Tân.

Chị Trần Quốc Thanh Nhã bị phỏng nặng, đang điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương - Ảnh: Đức Phú
Chị Trần Quốc Thanh Nhã bị phỏng nặng, đang điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương - Ảnh: Đức Phú

Hiện chị Nhã đang nằm điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Vụ nổ trạm biến áp khiến chị bị phỏng toàn thân, nặng nhất là vùng chân, tay và mặt.

Tai bay vạ gió

Chị Nhã cho biết trưa 24-3, chị chạy xe máy tìm chỗ photo giấy tờ, khi xe vừa tới đoạn trước nhà 681 Lê Trọng Tấn thì bất ngờ một tiếng nổ lớn kèm chất lỏng, tia lửa từ trên cột điện rớt xuống tung tóe.

“Lúc này, tôi thấy chân tay và mặt bỏng rát nên hốt hoảng chạy vào nhà dân xin nước để rửa. Tuy nhiên, mấy phút sau vết bỏng rát không bớt mà còn nặng thêm nên người dân đã đưa tôi vào bệnh viện. May là lúc đó tôi đội nón bảo hiểm, mặc áo khoác, đeo khẩu trang, chứ nếu không thì không biết chuyện gì xảy ra với mình nữa” - chị Nhã kể lại.

Anh Nguyễn Văn Vinh, chồng chị Nhã, cho biết mấy ngày qua hai nhân viên của Công ty Điện lực Bình Phú đã xuống hỏi thăm sức khỏe, đồng thời công ty cử một nhân viên ở lại để chăm sóc chị Nhã tại bệnh viện.

“Tôi vẫn không hiểu sao trạm biến áp đang bình thường lại phát nổ như vậy. Nhiều tuyến đường hiện nay có rất nhiều trạm biến áp, nếu không có biện pháp bảo đảm an toàn sẽ còn gây tai họa cho nhiều người khác” - anh Vinh lo lắng.

Chiều 28-3, theo ghi nhận của chúng tôi, trạm biến áp phát nổ nói trên đã được thay mới nhưng trên phần ngọn cột điện tại đây “cõng” tới ba bình biến áp. Người dân khu vực này cho biết trạm biến áp trước khi phát nổ không có biểu hiện gì bất thường.

Anh Vinh cho biết mấy ngày qua anh phải lo chăm sóc vợ ở bệnh viện nên không thể đi làm khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Đề cập đến chuyện bồi thường, anh Vinh đề nghị ngành điện lo viện phí điều trị và có trách nhiệm bồi thường những tổn thất về vật chất, tinh thần do vụ nổ nói trên làm ảnh hưởng đến vợ anh.

Làm gì để ngăn cháy nổ trạm biến áp?

Theo ông Hoàng Tuấn Vinh - phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phú, sự cố trên xảy ra tại trạm biến áp 3x100kVA Cầu Bưng 1. Một trong ba bình biến áp của trạm này bị xì ron chảy dầu dẫn đến cháy nổ.

Cũng theo ông Vinh, trước khi xảy ra sự cố, trạm biến áp này vận hành bình thường và việc kiểm tra định kỳ mỗi tháng (đo tải), kiểm tra tổng thể (từ 1 - 3 năm) đối với trạm biến áp này được thực hiện đúng quy trình.

Riêng hướng bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, ông Vinh cho hay trước mắt công ty chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị nạn. Sau khi điều trị xong, công ty sẽ thỏa thuận bồi thường với gia đình nạn nhân.

Liên quan đến việc này, ông Phạm Quốc Bảo, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC), cho rằng hiện nay trên địa bàn TP có hàng chục ngàn trạm biến áp nên việc xảy ra sự cố cháy nổ như trạm Cầu Bưng 1 là hiếm.

Ông Bảo không nhận định về nguyên nhân khiến trạm biến áp Cầu Bưng 1 phát nổ, nhưng cho rằng theo quy trình kỹ thuật của EVN HCMC, các trạm biến áp này được các đơn vị vận hành ở mức khoảng 60% công suất (40% còn lại ở mức dự phòng). Nếu trạm hoạt động mức 80-90% công suất, dầu sẽ nóng, sôi tràn ra ngoài dẫn đến sự cố.

Theo ông Bảo, để giảm thiểu sự cố tương tự, các công ty điện lực phải tuân thủ quy trình kỹ thuật này, phải đo tải hằng tháng để có giải pháp xử lý đối với trạm biến áp hoạt động vượt quá 60% công suất.

Ngoài ra, đối với một số tuyến đường đã được ngầm hóa điện, các trạm biến áp sẽ được cải tạo để trên một trụ cột cao và có bệ, máng hứng đề phòng trường hợp tràn dầu thay cho trạm biến áp tròn lắp trên các cột điện như trước đây...

Một lãnh đạo EVN HCMC cho biết đã cử ban kỹ thuật an toàn làm việc với Công ty Điện lực Bình Phú về sự cố nói trên.

“Nếu thấy có sai phạm trong việc vận hành, bảo dưỡng trạm biến áp sẽ xử lý kỷ luật các cá nhân liên quan bởi trước đó EVN HCMC đã có văn bản nhắc nhở các đơn vị tổng kiểm tra, đảm bảo an toàn các trạm biến áp sau sự cố nổ trạm biến áp ở Q.Hà Đông, Hà Nội” - vị này nói.

Một số vụ nổ trạm biến áp

* Trong mưa chiều 20-9-2016, trạm biến áp 110/15kV Hòa Hưng (đường Trường Sơn, Q.10, TP.HCM) bất ngờ phát nổ, cháy. Sự cố gây mất điện nhiều nơi. Nguyên nhân được xác định do sét đánh trúng trạm biến áp.

* Ngày 17-11-2016, trạm biến áp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.Hà Đông (Hà Nội) nổ, cháy lớn khiến 5 người bị thương, có một nạn nhân tử vong sau đó.

Chạy xe vướng dây cáp, té ngã bất tỉnh

Nạn nhân là anh Đặng Hùng Anh ở Q.Đống Đa (Hà Nội). Theo lời nạn nhân, đêm 27-3 anh chạy xe máy trên đường ngõ Văn Chương (Q.Đống Đa) thì bất ngờ bị dây cáp treo lơ lửng giữa đường mắc ngang cổ làm anh ngã ra đường bất tỉnh.

Vụ tai nạn khiến anh Hùng Anh phải vào bệnh viện cấp cứu, khâu 4 mũi ở mặt, tay chân bị trầy xước.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại ngõ Văn Chương vào sáng 28-3, đơn vị thi công đang đưa các dây cáp lên cao. Tuy nhiên, phần lớn dây cáp ở đây hiện đang được treo lơ lửng cách mặt đất chỉ 2-2,5m.

Nhiều đoạn dây cáp treo ngang dọc giữa đường gây nguy hiểm cho người đi đường, đặc biệt là người chạy xe máy vào buổi tối.

CHÍ TUỆ

Đ.PHÚ - Q.KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên