20/03/2017 10:33 GMT+7

'Làm ra có thế mà chi tiêu như thế thì chỉ có chết"

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiểu vì sao nợ công của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua lại tăng cao như vậy.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói rằng làm ra thì ít mà chi tiêu lại nhiều, nợ công không tăng nhanh mới lạ - Ảnh: Cổng TTQH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Cổng TTQH

Trình xin ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) ngày 20-3, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị chấm dứt tình trạng nhà nước gánh nợ cho doanh nghiệp.

Làm ra ít nhưng chi tiêu nhiều

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt câu hỏi: vì sao nợ công của Việt Nam tăng rất nhanh trong giai đoạn 2011-2015?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích: “Nợ công tăng nhanh trước hết là do mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn vừa rồi không đạt được, trong khi chúng ta vẫn phải đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông”.  

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta luôn để mức bội chi rất cao, trong giai đoạn 2011-2015 tổng vay nợ khoảng 1,4 triệu tỉ đồng. Bội chi như vậy thì nợ công tăng cao là đúng rồi. Hơn nữa, huy động vốn thời hạn vay rất ngắn, lãi suất cao, có những khoản lãi suất tới 11-13%/năm, chúng tôi vừa phải cơ cấu lại các khoản nợ để đảm bảo an toàn”.

Bộ trưởng tài chính cho biết giải ngân ODA năm nào cũng vượt mức kế hoạch, phân bổ có 17-18 nghìn tỉ mà giải ngân 50-60 nghìn tỉ thì làm sao nợ công không tăng cao.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Chi tiêu phải trong khả năng trả nợ, khả năng của nền kinh tế, chứ làm ra có thế mà chi tiêu như thế thì chỉ có chết. Dự báo (tăng trưởng kinh tế) suốt mấy năm nay đều sai, mà sai theo chiều hướng đi xuống chứ không phải đi lên. Năm 2016 dự báo giá trị thực tế GDP là 5,1 triệu tỉ đồng nhưng thực hiện chỉ được 4,6 triệu tỉ đồng.

“Không chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ nhà nước”

GS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, đặt vấn đề: “Nếu quy định doanh nghiệp nhà nước đi vay không phải là nợ công thì cần phải lý giải kỹ. Tôi xin hỏi Vinashin, Vinalines khi phá sản thì ai trả nợ, chắc là Chính phủ trả đấy chứ. Chúng ta phải định nghĩa rõ khu vực công”.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, sửa đổi luật lần này, “quan điểm là các khoản Chính phủ vay về cho vay lại, Chính phủ bảo lãnh thì mới tính vào nợ công, còn lại doanh nghiệp tự vay tự trả, nếu vay không trả được thì cho phá sản. Không có chuyện chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ nhà nước. Chúng tôi khảo sát 40 nước thì hầu hết người ta không tính nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công”.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đa số ý kiến đồng tình với quan điểm không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước.

“Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật” - ông Hải nói.

Liên quan đến thẩm quyền quản lý nợ công, dự án luật quy định đầu mối là Bộ Tài chính. Tuy nhiên, rất băn khoăn về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng “Bộ Tài chính chỉ là người cộng sổ”, bởi nhiều nơi có quyền vay nợ theo quy định, phân cấp.

“Một nhà nhưng lại có nhiều cửa đi vay, rồi lại chỉ có một cửa trả nợ, chúng ta cần phải tính lại” - ông Hiển bình luận.

Ông đề nghị cần nghiên cứu để quy định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc vay nợ và quản lý nợ công.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên