17/03/2017 08:50 GMT+7

Mỗi ngày có 60 tàu hút cát trên sông Cầu

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TTO - Mỗi ngày trên sông Cầu đoạn qua xã Việt Thống có khoảng 20-25 tàu, tại xã Quế Tân có khoảng 15 tàu, tại xã Phù Lãng có khoảng 20-25 tàu, tổng cộng có gần 60 tàu hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Hình ảnh hút cát trái phép trên sông Cầu được cắt ra từ video thực hiện đầu tháng 3-2017 - Ảnh: clip của Đài TT-TH Quế Võ
Hình ảnh hút cát trái phép trên sông Cầu được cắt ra từ video thực hiện đầu tháng 3-2017 - Ảnh: clip của Đài TT-TH Quế Võ

Một cuộc họp báo đã được tổ chức chiều 16-3 để giải đáp những vấn đề liên quan đến việc chủ tịch UBND cùng nhiều lãnh đạo sở ngành của tỉnh này bị đe dọa khi kiên quyết kiến nghị dừng dự án nạo vét, hút cát trên sông Cầu.

Khai thác rầm rộ 

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Thành - phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - nói: “Chúng tôi rất bức xúc việc khai thác cát, khai thác trộm, khai thác trái phép và lợi dụng việc nạo vét luồng lạch để khai thác cát”.

Ông Trịnh Hữu Hùng, chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư được thi công từ giữa năm 2015.

Tuy nhiên, do để xảy ra tình trạng khai thác cát làm sạt lở đê điều nghiêm trọng, UBND tỉnh Bắc Ninh nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT tạm dừng để đánh giá lại sự cần thiết của việc khơi thông luồng lạch.

Từ cuối năm 2016 dự án này bị tạm dừng, thế nhưng mới đây tỉnh Bắc Ninh bất ngờ thấy dự án được “khởi động” trở lại, mỗi ngày có hàng chục tàu chạy trên sông Cầu thọc vòi xuống lòng sông hút cát.

Theo ông Hùng, từ ngày 26-2 Công ty cổ phần Trục vớt luồng hạ lưu - đơn vị thi công dự án - bắt đầu đưa tàu vào hút cát trên sông Cầu. UBND huyện Quế Võ đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra và ngăn chặn việc hút cát ồ ạt.

Kết quả kiểm tra, mỗi ngày trên sông Cầu đoạn qua xã Việt Thống có khoảng 20-25 tàu, tại xã Quế Tân có khoảng 15 tàu, tại xã Phù Lãng có khoảng 20-25 tàu, tổng cộng có gần 60 tàu hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề, theo báo cáo của Bộ GTVT tiến độ thi công dự án từ cuối năm 2016 số lượng tàu hút chỉ có 4 chiếc và 4 tàu chở hàng. Tuy nhiên, khi dự án khởi động trở lại có đến 60 tàu hút cát thì đây là tàu của chủ đầu tư hay tàu khai thác cát trái phép?

Ông Hùng cho biết: “Đây là phạm vi quản lý của chủ đầu tư, tất cả tàu vào khai thác phải đăng ký với chủ đầu tư. Tất cả số tàu này đỗ tại vị trí mà nhà đầu tư đăng ký để khai thác”.

Theo hình ảnh mà UBND huyện Quế Võ quay lại và cung cấp cho Tuổi Trẻ, trong thời gian từ ngày 26-2 đến 12-3 có hàng chục chiếc tàu lớn nhỏ chạy rầm rầm hút cát trên sông Cầu. Những chiếc tàu có công suất lớn nối đuôi nhau chở từ 200-300m3 cát mang đi.

“Trước tình trạng khai thác rầm rộ như vậy, chúng tôi đã phải thành lập tổ công tác liên ngành để ngăn chặn việc khai thác cát.

Bên bờ đê sông Cầu của tỉnh Bắc Giang tình trạng sạt lở đê rất nghiêm trọng, phía đê bên Bắc Ninh đã được đầu tư tiền tỉ để gia cố nhưng có nguy cơ sạt lở tiếp nếu tình trạng khai thác như vậy tiếp tục.

Chúng tôi bố trí công an huyện và lực lượng chức năng của các xã túc trực 24/24 giờ tại 9 điểm để kiểm soát việc hút cát” - ông Đặng Văn Tuấn, phó chủ tịch UBND huyện Quế Võ, cho biết.

Lãnh đạo các sở ngành của tỉnh Bắc Ninh quan sát một chiếc tàu hút cát đi qua sông Cầu thuộc địa phận huyện Quế Võ (ảnh chụp chiều 16-3)             - Ảnh: Nguyễn Khánh
Lãnh đạo các sở ngành của tỉnh Bắc Ninh quan sát một chiếc tàu hút cát đi qua sông Cầu thuộc địa phận huyện Quế Võ (ảnh chụp chiều 16-3) - Ảnh: Nguyễn Khánh


“Biết điều cho người khác làm ăn”

Ông Nguyễn Văn Long, phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, cho biết do tỉnh kiên quyết kiến nghị dừng dự án nạo vét luồng lạch, hút cát trên sông Cầu nên có một số đối tượng có hành vi nhắn tin đe dọa chủ tịch UBND tỉnh và một số lãnh đạo ban ngành.

Ngay sau đó Công an tỉnh đã tiếp cận vụ việc, chủ tịch và một số cán bộ bị đe dọa đã chuyển nội dung tin nhắn lại cho cơ quan điều tra.

“Hiện nay giám đốc Công an tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo lực lượng huy động phương tiện, thực hiện biện pháp nghiệp vụ để điều tra làm rõ. Đến nay chúng tôi đã xác lập chuyên án, thành lập ban chỉ đạo để chỉ đạo việc đấu tranh làm rõ và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm pháp luật”.

Thông tin với riêng Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đối với ông Nguyễn Tử Quỳnh, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, việc đe dọa bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán.

Điện thoại của ông Quỳnh nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung: “Biết điều cho người khác làm ăn”.

Tiếp đó có gần 10 người là lãnh đạo các sở của tỉnh Bắc Ninh có liên quan đến việc kiến nghị dừng dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp với tận thu sản phẩm trên sông Cầu cũng nhận được tin nhắn đe dọa.

Lãnh đạo UBND huyện Quế Võ cho biết ông Hoàng Minh Xuyên, chủ tịch UBND huyện Quế Võ, cũng nhận được tin nhắn đe dọa. Trong quá trình kiên quyết “dẹp” tình trạng khai thác cát, ông Xuyên bị nhiều người bóng gió bắn tin đe dọa “để yên để người khác làm ăn”.

Về căn cứ nào để UBND tỉnh khẳng định có việc “cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê cho dự án”, ông Hùng nói ngắn gọn: “Mọi việc được báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành vào cuộc điều tra”.

Bắc Ninh kiên quyết dừng, Bắc Giang đồng ý cho làm

Sông Cầu nằm ở vị trí giáp ranh chảy qua hai địa bàn Bắc Ninh và Bắc Giang. Trong khi UBND tỉnh Bắc Ninh nhiều lần kiên quyết kiến nghị dừng dự án nạo vét luồng lạch, khai thác tận thu cát trên sông Cầu do Cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư thì UBND tỉnh Bắc Giang lại đồng ý cho thực hiện dự án.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại ngày 16-3, ông Nguyễn Văn Linh, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết lý do chấp thuận cho thực hiện dự án là vì “căn cứ vào yêu cầu phải khai thông luồng lạch”.

Ông Linh nói: “Dự án này Bộ GTVT đã cho dừng rồi. Hôm qua tỉnh cho công an xuống kiểm tra thì không có tàu bè nào. Chắc tỉnh Bắc Ninh quay hình ảnh từ bao giờ chứ bây giờ không còn khai thác nữa đâu”.

Trước thông tin Cục Đường thủy nội địa đã thống nhất với nhà đầu tư tạm dừng dự án từ ngày 8-3, ông Trịnh Hữu Hùng, chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết đến nay tỉnh Bắc Ninh không nắm được thông tin này và chưa nhận được văn bản nào của Cục Đường thủy nội địa về việc dừng dự án.

Lãnh đạo cục không bị tin nhắn đe dọa

Ảnh: Xuân Long
Ảnh: Xuân Long

Ông TRẦN VĂN THỌ, phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN, cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 16-3. Ông nói:

- Qua kiểm tra, chúng tôi chưa phát hiện nhà đầu tư thi công ngoài phạm vi dự án đã được cấp phép.

Khi tạm dừng dự án từ tháng 12-2016, cục đã giao Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc kiểm tra, có văn bản xác nhận toàn bộ phương tiện thực hiện dự án của nhà đầu tư đã di chuyển ra khỏi vị trí dự án. Những phương tiện vẫn khai thác cát ở khu vực sông trên địa phận Bắc Ninh khi dự án tạm dừng không thuộc phương tiện thực hiện dự án.

Ngày 8-3, nhà đầu tư có văn bản xin tạm dừng thi công dự án với lý do có một số phương tiện không phải của nhà đầu tư đã vào vị trí thực hiện dự án hút cát. Nhà đầu tư tạm dừng và đề nghị các cơ quan xử lý vi phạm.

Ngày 8-3, cục cũng ra văn bản tạm dừng thực hiện dự án này, yêu cầu nhà đầu tư di chuyển toàn bộ phương tiện, thiết bị ra khỏi phạm vi dự án. Lãnh đạo cục và những đồng chí tham gia quản lý trực tiếp dự án chưa có ai nhận được tin nhắn đe dọa.

Nhưng quan điểm của chúng tôi là kịch liệt phản đối những tin nhắn có lời lẽ đe dọa đối với cán bộ, công chức hay với người dân. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng điều tra, xử lý những người nhắn tin đe dọa.

T.PHÙNG

Siêu lợi nhuận từ hút cát

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngày 16-3 dự án nạo vét luồng lạch, khai thác cát tận thu trên sông Cầu đã tạm dừng, trên dòng sông vắng bóng các tàu hút cát. Dọc bờ đê sông Cầu phía bên địa phận tỉnh Bắc Ninh, hàng chục kilômet đê kè bị sạt lở đã được gia cố bằng đá.

Phía bên kia sông, con đê nằm trên địa phận huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, nước xâm lấn tạo ra những “hàm ếch” nham nhở.

Dọc bờ sông Cầu, UBND huyện Quế Võ tổ chức nhiều điểm trực chốt 24/24 giờ để kiểm soát ngăn chặn việc hút cát. Một số tàu chạy dọc theo dòng sông “thăm dò” nhưng do lực lượng chức năng trực thường xuyên nên không dám đưa vòi xuống hút cát...

Ông Đặng Văn Tuấn, phó chủ tịch UBND huyện Quế Võ, cho biết việc hút cát đem bán sẽ mang lại “siêu lợi nhuận” cho những tổ chức, cá nhân tham gia khai thác.

Sông Cầu có trữ lượng cát rất lớn, cát dưới lòng sông được xếp vào loại cát đẹp, bình quân cát ở đây được bán với giá 200.000 đồng/m3. Bình quân mỗi tàu chở được khoảng 300m3 cát, bán ra được 50-60 triệu đồng nên mỗi tháng một tàu hút cát thu về cả trăm triệu đồng.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên