08/03/2017 15:49 GMT+7

Sau dọn dẹp vỉa hè, hạn chế xe máy để xe buýt chạy nhanh

THU DUNG - N.ẨN
THU DUNG - N.ẨN

TTO - Đó là ý kiến của các chuyên gia giao thông trong buổi 'cà phê sáng' với lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM mạn đàm tìm các giải pháp cho giao thông thành phố.

Cà phê sáng với chuyên gia giao thông. Ông Lương Hoài Nam chuyên gia giao thông (đeo kính - mặc áo trắng) phát biểu vỉa hè đến xe buýt - Ảnh: N
Cà phê sáng với chuyên gia giao thông - Ảnh: Ngọc Ấn

Tại buổi "cà phê sáng" với các chuyên gia sáng 8-3, ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở Giao thông vận tải  - cho biết bây giờ là thời điểm vô cùng thuận tiện để tập trung phát triển các hình thức giao thông như xe buýt, đi bộ bởi vì các quận đã ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Ông Cường khẳng định sở sẽ rà lại một số quy định về quản lý vỉa hè, tích cực xử lý sai phạm lấn chiếm vỉa hè, đồng thời nghiên cứu việc sửa chữa, nâng cấp vỉa hè. Đối với vỉa hè nào rộng trên 3m thì phải có hướng sử dụng phù hợp.

Xe buýt phải nhanh hơn xe máy

Đồng ý kiến với ông Cường, ông Lương Hoài Nam - chuyên gia về giao thông - chia sẻ bây giờ vỉa hè vừa được dọn quyết liệt đã thông thoáng nên không còn tình trạng chiếm dụng kinh doanh, mua bán.

Vì vậy, cần gấp rút phát triển xe buýt và người dân sẽ đi bộ trên các vỉa hè để đến trạm xe buýt. Nếu không thì vỉa hè trống lại bị chiếm dụng vì mục đích cá nhân.

Do vậy, ông Nam đề nghị TP cần nhanh chóng phát triển vận tải hành khách công cộng một cách có định hướng, có lộ trình và việc cần làm đầu tiên chính là hạn chế xe gắn máy, hướng người dân đi bộ và xe buýt là chính.

"Ở Hà Nội đã có chủ trương cấm rõ ràng và có lộ trình, kế hoạch đến năm 2030. Bây giờ TP có nhiều tuyến đường cho 6 làn xe lưu thông, tại sao chúng ta không nghiên cứu dành riêng một làn chỉ cho xe buýt sử dụng ở TP.HCM" - ông Nam nói.

Vỉa hè đẹp cùng hàng cây cổ thụ trên đường Huyền Trân Công Chúa, Q.1 - Ảnh: HỮU KHOA
Vỉa hè đẹp cùng hàng cây cổ thụ trên đường Huyền Trân Công Chúa, Q.1 - Ảnh: HỮU KHOA

Phản biện lại ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng cho rằng không cần phải cấm xe máy. Bộ Giao thông vận tải đã có đề án phát triển các loại hình giao thông mà không cấm cái nào cả, các loại hình giao thông phát triển trong hạn mức cho phép.

Còn ở TP.HCM chỉ cần 17 trục đường hành lang để phát triển xe buýt, việc cấm xe máy hoàn toàn trên diện rộng rất khó.

Đồng thời, tại TP.HCM phải phát triển xe buýt nhanh (xe buýt có làn đường dành riêng - BRT), để xe buýt chạy nhanh hơn xe máy.

“Cá nhân tôi, nếu xe buýt mà chạy tốc độ chậm hơn hoặc bằng xe máy thì tôi không đi. Đi xe buýt buộc tôi phải đi từ nhà ra trạm, phải chờ đợi, phải đi bộ về mà tốc độ không nhanh hơn đi xe máy thì đó là bất công.

Việc phát triển BRT là đòi lại quyền công bằng cho người tham gia giao thông”, bà Hằng nói.

Bà Hằng cũng cho rằng vấn đề xây dựng làn đường riêng cho xe buýt sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân ở hai bên đường. Bởi vì xe cá nhân ra vào liên tục, rất khó để dành riêng đường cho xe buýt.

Cụ thể như đường Nguyễn Văn Trỗi (Q.1), xung quanh đường có rất nhiều nhà dân, xe buýt ra vào sát trước nhà sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Ưu tiên làn chạy nhanh cho xe buýt

Để xe buýt có đường chạy nhanh, ông Lương Hoài Nam đề xuất tại các giao lộ, đường nhánh giao nhau với đường dành riêng xe buýt, cần gắn các bảng 'stop' để dừng xe với ý nghĩa xe máy chỉ được đi tiếp nếu đường thông thoáng, còn không thì phải dừng lại để ưu tiên cho xe buýt.

Nhiều hành khách đi Bus nhanh BRT ngày đầu thu phí
Nhiều hành khách đi xe buýt nhanh tại Hà Nội

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tám - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng rất khó để cắm bảng 'stop' dày đặc trên đường mà cần nghiên cứu thật kỹ và có lộ trình.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Hằng, bây giờ xe buýt có chạy đầy trên đường cũng không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại.

Giao thông công cộng muốn phát triển là phải chạy hoàn toàn tách biệt với giao thông mặt đất. Theo đó định hướng metro, BRT là các trục xương sống, từ các trục xe buýt đó mới có xe buýt đi về.

Kết thúc buổi cà phê sáng với các chuyên gia, ông Bùi Xuân Cường cho biết Sở Giao thông vận tải tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và sẽ có nghiên cứu, đi vào thực tế phát triển xe buýt.

Sắp tới, sở sẽ tổ chức hội thảo “Hạn chế sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP" để nhận được thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực.

THU DUNG - N.ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục