23/02/2017 13:21 GMT+7

12 năm sau chuyến tàu định mệnh

TRẦN MAI - NHẬT LINH
TRẦN MAI - NHẬT LINH

TTO - Bữa cơm tối của gia đình ông Đinh Văn Mai ở xóm Hói Mít, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế bỗng trở nên trầm lặng khi tivi phát bản tin về vụ tai nạn tàu lửa chiều 20-2.

Hiện trường vụ tai nạn lật tàu lửa ngày 12-3-2005 tại thị trấn Lăng Cô, Huế - Ảnh: Thái Lộc
Hiện trường vụ tai nạn lật tàu lửa ngày 12-3-2005 tại thị trấn Lăng Cô, Huế - Ảnh: Thái Lộc

12 năm trước, một tai nạn tàu lửa thảm khốc cũng diễn ra gần đây, cách nhà ông chừng 100m.

Ký ức tưởng đã chôn chặt trong lòng nay bỗng trở lại, khi vụ tai nạn đường sắt lần này ập xuống.

Xóm Hói Mít ra tay nghĩa hiệp

Ông Mai thở dài bảo rằng mấy hôm nay bà con trong xóm theo dõi vụ lật tàu ở ngoài Lộc Thủy. Thậm chí có người còn gác việc ra tận nơi xem để về kể lại cho bà con trong xóm nghe tình hình cứu nạn và tường tận số người bị thương, tử vong.

Có lẽ trên dải đất hình chữ S này, xóm Hói Mít là nơi hiểu rõ nhất nỗi kinh hoàng của tai nạn đường sắt.

Ông Mai bảo đó là trưa 12-3-2005, hôm đó ông đang sửa máy bơm hồ tôm thì nghe tiếng động rất lớn, ông vội chạy lên xem thì thấy hai toa tàu nửa “treo” bên bờ đá nửa dưới nước, một số người văng ra khỏi tàu, tiếng khóc tiếng hét hoảng loạn.

Băng qua con đường mòn men theo sườn núi, ông Mai chạy thục mạng về phía làng kêu cứu. Ông Mai la lớn: “Lấy ghe máy lên cứu người, tàu lật, tàu lật chết hết rồi!”.

Bây giờ ngồi hồi tưởng lại, những người dân nghèo sống nép mình ở nơi bán sơn thủy tham gia cuộc cứu hộ ngày đó bảo rằng: “Tụi tui cứ đập cửa toa tàu tìm cách chui vào trong. Gặp người nào lôi người đó chuyển xuống dưới ghe máy chở về thị trấn Lăng Cô”.

Ba giờ đồng hồ họ vật lộn với thời gian, hết người này đến người khác được đưa ra khỏi lằn ranh sinh tử thì cơ quan chức năng mới tiếp cận được hiện trường. Đó là cuộc chiến thật sự của người dân nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Lai (50 tuổi) bảo hồi đó không có điện thoại hay đường, nếu có như bây giờ thì có lẽ sẽ giảm thiểu số người chết. Trên chính đôi tay của bà, một hành khách đã trút hơi thở cuối cùng khi đang trên ghe máy vượt đầm Lập An.

“Tôi hồi đó 38 tuổi, còn chồng thì 40 tuổi, đi núi đi biển nhiều nên khỏe lắm, gặp người nào ngất là bốc một phát ra liền. Sức như bây chừ thì răng mà ôm”.

Toa tàu bị vặn cong văng xuống bờ vực - ảnh: THÁI LỘC

Rồi bà kể rằng lúc lôi hết người ra khỏi một toa tàu thì thấy bình sữa, linh tính của một người mẹ bà nghĩ chắc còn một em bé. Thế là sáu người dân trong làng lục toa tàu tìm, khi giở tấm đệm lên thì thấy cháu bé lọt thỏm dưới đó.

“Tôi chẳng biết mẹ hắn là ai, lay lay một hồi thì hắn khóc ai cũng mừng. Khi công an đến thì giao hắn lại, sau này họ nói mẹ hắn ngất, chuyển đến bệnh viện cấp cứu, mẹ con hắn sau đó nhận nhau rồi” - bà Lai kể.

Không mất của ai một đồng bạc lẻ

Xóm Hói Mít là nơi quy tụ của những người từ nhiều địa phương, họ vì nghèo khó mà quần cư lại, bám lấy đầm Lập An tìm con hàu, con cá sống qua ngày, ai có vốn thì nuôi được sào tôm. Vậy mà khi xảy ra vụ tai nạn không có bất kỳ hành khách nào mất tài sản.

Ông Mai bảo ngày đó xóm nghèo nhưng không ai có lòng tham. Tất cả mọi người chỉ nghĩ đến chuyện cứu người, chẳng ai nghĩ đến việc lượm của rơi của vãi.

Chính vì vậy mà người đàn ông thấp bé, nước da ngăm đen nói: “Lâu lâu tụi tui xem tivi lại thấy hôi của buồn lắm. Vậy nên nghĩ lại xóm mình ngày đó mà tự hào. Tư trang, tiền bạc chúng tôi gom lại một chỗ và giữ giúp hành khách. Sau giao lại cho chính quyền”.

Sau khi vụ tai nạn trôi qua, bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế và Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình đã nói những người dân xóm Hói Mít là anh hùng và tuyên dương, thưởng mỗi người 100.000 đồng vì đã liều mình cứu người, còn giữ tư trang của hành khách không để mất một xu nào.

“Cái tâm của dân tốt, chỉ nghĩ chuyện cứu người. Như chồng tôi, thấy một thanh niên mắc kẹt giữa hai thanh sắt, vội chạy về nhà lấy cưa sắt cùng với mọi người cưa ra cứu người.

Ví tiền với vàng của anh này rơi ra, mấy ổng cũng đem giao cho công an hết. Sau này được thưởng thì mình nhận, cũng vui chứ có nghĩ chi mô” - bà Lai nói.

Những toa tàu đứt lìa, nằm ngổn ngang sau tai nạn
Những toa tàu đứt lìa, nằm ngổn ngang sau tai nạn

Có đường, có điện, cuộc sống khá hơn

Đá Bàn, nơi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc của ngành đường sắt năm xưa, cảnh sắc đẹp như tranh vẽ. Một khối đá rất lớn nằm thoải ra tận đầm Lập An, đường ray len lỏi uốn lượng theo triền đá... Nhưng quá khứ vẫn còn đó. Ngay trên nền đá là hai am thờ tưởng niệm 12 hành khách xấu số.

Mỗi buổi chiều, sau một ngày rong ruổi đầm phá mưu sinh, người dân xóm Hói Mít lại đến thắp nén hương cho người thiên cổ, rồi nhìn về phía đầm Lập An thư giãn sau một ngày mệt nhoài.

Họ hỏi nhau về những con hàu dưới đầm phát triển thế nào, tôm bị bệnh dịch gì không... Chẳng ai nhắc lại chuyện xưa cũ xảy ra ngay dưới chân mình.

Buổi chiều đổ xuống thật nhanh, ánh nắng tạo thành một màu đỏ thẫm xuống nền đầm. Một chiếc tàu lửa xình xịch đổ đèo Hải Vân, tiến rất chậm qua khu vực Đá Bàn.

Có lẽ những người lái tàu chẳng ai quên chuyện từng xảy ra ở nơi này nên chạy vận tốc chậm như những chiếc ghe đang chầm chậm tiến vào bờ nơi đầm Lập An. Và hai am thờ ấy như một cuốn sách đạo đức đủ để lái tàu “chậm một phút, nhanh cả đời”.

Sau ngày xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bạt triền núi mở con đường nhựa phẳng lì lượn quanh đầm Lập An, đi qua những mái nhà của “xóm cứu hộ” ngày xưa.

Có đường, cuộc sống mới cũng mở ra với người dân, những hồ nuôi tôm, nuôi hàu đầy đầm Lập An. Phía triền núi, những rừng keo cũng xanh bạt ngàn.

“Nói mình giàu thì không phải, nhưng cuộc sống đã đỡ khổ hơn hồi xảy ra tai nạn nhiều. Nhà nào cũng có xe máy, tivi, con cái được học hành đàng hoàng” - ông Mai nói.

Điện giờ cũng đã đến với từng mái nhà dù nằm sâu trong núi. Nhờ có đường, có điện mà con suối ở xóm Hói Mít ngày xưa hoang lạnh giờ đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng tên Suối Mơ.

Mỗi mùa hè, du khách ở Đà Nẵng, Huế đổ về đông nghẹt. Thậm chí có lúc cao điểm kẹt xe kéo dài trên con đường vào trong suối. Đã trải qua tai ương hay nghèo khó, xóm Hói Mít nghĩa hiệp ngày đó giờ đang đổi thay.

Khúc cua này là nơi đã cướp đi mạng sống của 12 hành khách trong chuyến tàu E1 12 năm về trước - Ảnh: Trần Mai
Khúc cua này là nơi đã cướp đi mạng sống của 12 hành khách trong chuyến tàu E1 12 năm về trước - Ảnh: Trần Mai

Mong gặp lại cố nhân

12 năm trôi qua, người dân xóm Hói Mít vẫn giữ nguyên mong ước sẽ gặp lại cố nhân. Đó là những hành khách bên lằn ranh sinh tử, được những cư dân nơi đây giành lại quyền sống.

“Chẳng để làm gì nhưng nhiều khi ngồi nhìn lên Đá Bàn, lại mong gặp lại vài người khách, ngồi với nhau uống ly trà, nói với nhau mấy lời tình nghĩa cho vui” - ông Mai trải lòng.

Còn ông Hồ An (73 tuổi) ngày đó cứu một hành khách nữ ra khỏi toa tàu và cũng chính ông nhặt hai cánh tay đứt lìa của cô gái thiếu may mắn này thì cứ bứt rứt.

“Mình cứu được người rồi mà cứ băn khoăn không biết cô bé đó giờ răng. Mong sao mấy chú viết cái bài này hắn nhờ người thân đưa tới cho tui gặp mặt hắn tí. Không thì hắn cho liên hệ để tui biết mà tìm đến thăm hắn” - ông An trần tình.

Sẽ thăm lại nơi mình gặp nạn

Chúng tôi gặp chị T.N.H.L.A. (39 tuổi, TP Huế), người sống lại trong danh sách đã tử vong sau khi thoát khỏi cuộc sinh tử ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Khi nghe chúng tôi nói lại chuyện những người dân Hói Mít có khi cũng mong ngóng người xưa, chị nói: “Mãi đến bây giờ tôi cũng chưa dám đi lại tàu lửa. Tôi vẫn ám ảnh, cũng nhiều lần nghĩ sẽ trở lại thăm các cô chú, anh chị cứu mình và nhiều hành khách trên tàu nhưng nỗi sợ hắn cản tui lại hoài”.

Nhưng rồi chị A. bảo rằng sẽ thu xếp nhờ chồng chở về lại nơi xưa.

TRẦN MAI - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên