19/01/2017 15:39 GMT+7

Đề xuất 2 nhóm giải pháp giảm kẹt xe nút giao Pháp Vân

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa báo cáo, đề xuất Bộ Giao thông vận phương án cải tạo, giảm ùn tắc khu vực nút giao thông Pháp Vân, Hà Nội.

Hiện trạng nút giao Pháp Vân hiện nay - Ảnh chụp lại từ Google Eather
Hiện trạng nút giao Pháp Vân hiện nay - Ảnh chụp lại từ Google Earth

Qua kiểm tra hiện trường và tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị, Tổng cục đường bộ đề xuất Bộ Giao thông vận tải 2 nhóm giải pháp chính để giải quyết ùn tắc tại nút giao Pháp Vân.

Nhóm giải pháp thứ nhất: Bổ sung nhánh rẽ từ đường nhánh của nút giao hình kèn Trumpet kết nối nhánh nối từ hướng cầu Thanh Trì vào nội đô để vào đường Giải Phóng.

Bổ sung đường nhánh quay đầu dưới gầm cầu cạn vành đai 3 để giảm luồng xe rẽ trái trực tiếp tại vị trí nút giao vành đai 3 đi thấp (nút giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3) về trung tâm thành phố.

Bổ sung làn rẽ phải vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để giảm ùn tắc tại vị trí lối vào đường cao tốc của nút giao vành đai 3 đi thấp.

Cải tạo vị trí điểm kết nối từ đường vành đai 3 đi thấp vào đường Giải Phóng để thuận lợi cho làn rẽ phải vào trung tâm thành phố. 

Cải tạo nhánh rẽ phải từ đầu đường Trần Thủ Độ (đi dưới nhánh rẽ cầu dẫn từ đường trên cao xuống) nhập cùng lối vào của nhánh rẽ để vào đường cao tốc.

Sửa chữa hiện trạng đường đầu cầu bị lún, hư hỏng mặt đường tại nút giao Pháp Vân.

Kinh phí đầu tư, dự kiến cho nhóm giải pháp cải tạo nút giao Pháp Vân là 423,10 tỉ đồng (trong đó giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 255,53 tỉ đồng).

Ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng TCĐB - cho biết với giải pháp này, sau khi cải tạo sẽ cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại các vị trí của khu vực nút giao Pháp Vân và tạo nên mỹ quan đô thị của cửa ngõ thủ đô.

Nguồn vốn thực hiện, xem xét sử dụng vốn dư của dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT.

Nhóm giải pháp thứ 2: Phân luồng từ xa với 3 hạng mục đầu tư xây dựng gồm bổ sung đường kết nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai (vành đai 2,5).

Đầu tư xây dựng tuyến đường LK 49 (chiều dài khoảng 1,7km, quy mô 30m) nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp với đường vành đai 2,5 tại vị trí nút giao Tân Mai, để kết nối ra đường đường Giải Phóng tại nút giao Kim Đồng.

Kinh phí đầu tư dự kiến 1.954,7 tỉ đồng (trong đó kinh phí GPMB khoảng 1.073,9 tỉ đồng).

Hạng mục thứ 2 là bổ sung đường kết nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp ra đường Giải Phóng bằng cách đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường khu vực nối từ khu tái định cư Đồng Tàu (P.Thịnh Liệt, Q.Hoàng Mai) ra đường Giải Phóng (tới vị trí nút giao Nguyễn Hữu Thọ) với kinh phí dự kiến 421,8 tỉ đồng (trong đó kinh phí GPMB khoảng 327,6 tỉ đồng).

Hạng mục thứ 3 là bổ sung điểm kết nối vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bằng cách xây dựng 1 vị trí nhập vào đường cao tốc bằng cách cải tạo đoạn đường nối quốc lộ 1 (đường Ngọc Hồi) từ vị trí sau cầu Văn Điển vào đường cao tốc (đoạn đường dọc sông Tô Lịch).

Kinh phí đầu tư dự kiến 26,7 tỉ đồng (trong đó kinh phí GPMB khoảng 5,5 tỉ đồng).

Trong 3 hạng mục trên,  Tổng cục Đường bộ đánh giá hạng mục bổ sung đường kết nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai (vành đai 2,5) là phương án, giải pháp hiệu quả nhất. Đặc biệt khi UBND TP đang khẩn trương nghiên cứu và xây dựng hoàn thiện dự án vành đai 2,5 theo quy hoạch.

Tuy nhiên, kinh phí đầu tư và phạm vi GPMB của phương án tương đối lớn (khoảng 1.954,7 tỉ đồng, trong đó kinh phí GPMB khoảng 1.073,9 tỉ đồng). Do đó để thực hiện đầu tư hạng mục này, cũng như 2 hạng mục còn lại cần được sự đồng thuận chủ trương của Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên