08/12/2016 16:39 GMT+7

Niềm tin của dân vào chất lượng của trạm y tế 'có giới hạn'

MAI HƯƠNG - MAI HOA
MAI HƯƠNG - MAI HOA

TTO - Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói như vậy khi nghe Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh trả lời chất vấn về việc phát triển bác sĩ gia đình tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa IX chiều 8-12.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm , Chủ tich HĐND.TP.HCM phát biểu khai mạc phiên chất vấn giám đốc Sở Xây dựng sáng 8-12 - Ảnh: TỰ TRUNG
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm , Chủ tich HĐND.TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Chiều 8-12, tiếp tục kỳ họp lần thứ ba HĐND TP.HCM khóa IX, phần chất vấn và trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh diễn ra khá sôi nổi với phần nội dung về phát triển bác sĩ gia đình.

Đăng đàn trả lời trước đại biểu HĐND TP, ông Bỉnh phấn khởi cho biết TP đang trong quá trình cơ bản phủ kín bác sĩ gia đình đến tận các phường xã. Kế hoạch đến năm 2017, tất cả hơn 300 trạm y tế ở các phường xã đều có bác sĩ.

Sau đó mỗi năm phát triển thêm 400 bác sĩ gia đình, đảm bảo kế hoạch đến năm 2020 thì toàn TP sẽ có 2.000 bác sĩ gia đình.

“TP đã và đang xây dựng phác đồ điều trị cho cả trạm y tế. Sẽ tiến tới chỉ định một số nhà thuốc bán thuốc theo toa của các trạm y tế để hạn chế việc lạm dụng thuốc kháng sinh. Mọi hóa đơn, toa thuốc của trạm y tế đều được thanh toán chế độ bảo hiểm y tế. Bệnh nhân khám ở trạm y tế được hưởng đầy đủ quyền lợi như khi đi khám bệnh viện tuyến quận” - ông Bỉnh cho biết.

Đại biểu Trần Thị Tuyết Hoa thắc mắc: “Giám đốc nói nhiều về bác sĩ gia đình, tôi được biết phát triển hệ thống bác sĩ gia đình là chỉ đạo của Thành ủy TP từ nhiều năm nay nhưng tới giờ này, người dân TP dường như vẫn còn xa lạ với vấn đề này? Nguyên nhân, khó khăn nằm ở đâu?”

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM trả lời chất vấn các vấn đề về y tế - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế TP.HCM trả lời chất vấn các vấn đề về y tế - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông Bỉnh trả lời bác sĩ gia đình hay có thể hiểu là bác sĩ đa khoa tổng quát, có kiến thức về nội, ngoại, sản khoa, cả kiến thức răng hàm mặt và phòng chống dịch bệnh…

Họ nắm một địa bàn dân cư, quản lý hồ sơ bệnh án rất kỹ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành. Bác sĩ gia đình còn được quyền quyết định chuyển bệnh nhân nặng lên thẳng tuyến trên để giúp giảm tải bệnh viện.

Trước nội dung trả lời của ông Bỉnh, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc nhở thêm: “Giám đốc sở Y tế rất quan tâm, rất hào hứng với kế hoạch phát triển bác sĩ gia đình, nhưng chúng ta không nên đặt tham vọng làm quá nhanh!”

Bởi theo bà Tâm: “Ở các nước, bác sĩ gia đình người ta chỉ phụ trách một cụm dân cư chừng trăm mấy, hai trăm người. Như vậy mới theo sát được. Còn ở ta, mỗi trạm y tế phải quản vài chục ngàn dân. Mỗi trạm y tế được chừng 1-2 bác sĩ mà ta nói đã phủ kín bác sĩ gia đình là rất không ổn.

Bà Tâm còn cho rằng hiện nay, niềm tin của người dân vào chất lượng khám chữa bệnh của trạm y tế là “có giới hạn”. Do vậy, ngành y tế cần có kế hoạch căn cơ hơn để tăng chất lượng, tăng niềm tin cho người dân.

“Nhu cầu là rất bức thiết, nhưng chúng ta cần đi từng bước thật căn cơ, không cần đi quá nhanh mà hiệu quả không thực chất” - bà Tâm chia sẻ.

Nhà xây khang trang mà bỏ hoang cũng bị phạt

Nhiều đại biểu phản ánh tại nhiều quận huyện, chính quyền địa phương còn rất lúng túng khi thi hành việc xử phạt các cơ sở, cá nhân vi phạm trong phòng chống dịch bệnh.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh nói: “Nơi nào có lăng quăng, phát sinh muỗi nhiều là có thể xử phạt, không nhất thiết địa bàn đó đã công bố có dịch bệnh hay chưa”.

Ông Bỉnh cho biết hiện một số quận huyện mới chỉ xử phạt các cơ sở kinh doanh vi phạm về vệ sinh phòng bệnh. Thế nhưng tới đây, sẽ xử phạt cả cá thể. Ví dụ như người dân xây nhà thật khang trang mà bỏ hoang hoặc không giữ vệ sinh, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh thì cũng bị xử phạt.

MAI HƯƠNG - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên