12/11/2016 15:42 GMT+7

4 mô hình xây dựng TP thông minh

TIẾN LONG - NGỌC ĐÔNG ghi
TIẾN LONG - NGỌC ĐÔNG ghi

TTO - TS SEKHAR KONDEPUDI - giảng dạy tại khoa xây dựng Học viện Thiết kế và môi trường Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ các yếu tố cơ bản để xây dựng TP thông minh mà TP.HCM đang hướng đến.

TP.HCM thường xuyên bị ngập khi mưa lớn gây xáo trộn cho cuộc sống của người dân. Trong ảnh: cảnh ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh - Ảnh: HỮU KHOA
TP.HCM thường xuyên bị ngập khi mưa lớn gây xáo trộn cho cuộc sống của người dân. Trong ảnh: cảnh ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh - Ảnh: HỮU KHOA

Theo tôi, yếu tố căn bản khi nhắc đến TP thông minh là làm cách nào để cải thiện chất lượng sống của công dân TP và giải quyết được các vấn nạn còn tồn đọng của TP đó.

Làm thế nào để cải thiện cũng phải tùy theo từng TP, như ở Jakarta (Indonesia) ngập lụt và giao thông là vấn đề nóng, trong khi tại Delhi (Ấn Độ) và Bắc Kinh (Trung Quốc) chuyện cần quan tâm giải quyết là ô nhiễm không khí.

Dùng công nghệ giải quyết vấn đề cấp thiết

Công nghệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ để cải thiện chất lượng sống. Ví dụ, nếu một TP gặp thách thức trong việc phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, công nghệ có thể giúp xây dựng các tòa nhà thông minh với dãy cảm biến cho phép cải thiện an ninh và hiệu quả sử dụng năng lượng.

Ngoài ra, công nghệ còn có thể tạo ra các giải pháp cho phương tiện chạy bằng điện như trang bị chỗ sạc tiện dụng, chỗ đậu xe thông minh và đèn giao thông thông minh.

Hay nếu TP nào cần cải thiện năng lượng, công nghệ có thể giúp phát triển các loại đồng hồ đo lường thông minh, cho phép đo lượng tiêu thụ năng lượng, nước và gas.

Ngoài ra, công nghệ còn có thể giúp tạo ra năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, thủy điện, nhiệt điện và công nghệ tế bào nhiên liệu.

Tuy nhiên, tôi nghĩ tập trung vào công nghệ không quan trọng bằng hiểu được chúng ta cần phải giải quyết vấn đề nào trước, sau đó thì có thể dùng công nghệ để cung cấp giải pháp cho vấn đề đó với chi phí hợp lý nhất.

Cách tốt nhất để xây dựng TP thông minh là mỗi TP nên thiết lập riêng cho mình một loạt các chỉ số tiêu chuẩn then chốt nhằm quy hoạch mục tiêu cần phải giải quyết để trở thành TP thông minh. Việc này sẽ giúp các TP có được nền tảng tiêu chuẩn của riêng mình.

Đối với TP.HCM, lãnh đạo TP cũng nên thiết lập một tầm nhìn TP thông minh, lên kế hoạch theo tầm nhìn này. Mục tiêu này chỉ thành công khi có sự hợp tác của các cộng đồng, các khu vực nhà nước và tư nhân, ngành giáo dục, tình nguyện viên và doanh nghiệp.

Cần phải xác định được đâu là vấn đề cấp bách nhất của TP.HCM, ví dụ như giao thông, nước, năng lượng, ô nhiễm không khí, ngập lụt... Những vấn đề đó, một khi được cải thiện, sẽ giúp nâng cao chất lượng sống người dân và hiệu quả hoạt động đô thị.

Ảnh NVCC
Ảnh NVCC

“TP.HCM nên tập trung xây dựng theo hướng tiến hành cải thiện TP từng phần nhỏ. Phát triển tạo mới hoàn toàn chỉ nên được thực hiện trong một khu vực ở một vùng ngoại ô mới, giao cho các nhà phát triển và đầu tư tư nhân thực hiện

TS Sekhar Kondepudi

Phát triển một dự án kinh doanh

TP.HCM có thể phát triển một dự án kinh doanh (business case) đối với mô hình TP thông minh.

Tuy không phải tất cả mọi thứ đều có thể quy ra tiền, lợi nhuận hay thua lỗ, đặc biệt khi chúng ta đang hướng đến một xã hội tốt đẹp và cải thiện chất lượng sống công dân, nhưng việc thiết lập một mô hình kinh doanh bền vững là rất cần thiết.

Trong mô hình đó, khi cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng, các công ty và lĩnh vực tư nhân có thể thiết lập mô hình khởi nghiệp mới, sáng kiến mới hay doanh nghiệp mới trên cơ sở tận dụng mạng lưới vạn vật kết nối (Internet IOT), cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và dữ liệu lớn (Big Data).

Có 4 mô hình mà các TP thường sử dụng: Một là “Build own, operate” (mô hình tự xây dựng và vận hành), trong đó TP đóng vai trò là nhà thầu chính và cung cấp các dịch vụ TP thông minh, nên việc vận hành và “bảo trì” hoàn toàn do TP quản lý.

Hai là BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao), có nghĩa là TP sẽ giao một đơn vị nào đó chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng TP thông minh, vận hành và đến một thời gian theo quy định thì giao lại cho TP quản lý.

Ba là mô hình “Open business model” (mô hình kinh doanh mở), trong đó TP cho phép một công ty hay doanh nghiệp xây dựng hạ tầng TP thông minh và cung cấp các dịch vụ cho TP dưới sự chỉ đạo và quy định từ cấp quản lý.

Mô hình cuối cùng là “Public - private partnership” (hợp tác công - tư), trong đó TP sẽ hợp tác với một đơn vị trong khu vực tư nhân để xây dựng TP thông minh.

TP.HCM nên xác định mô hình nào thích hợp nhất. Sau khi tính toán tác động, việc cần làm là phát triển các giải pháp công nghệ nhằm làm dịu bớt các vấn đề.

Tuy nhiên cần chú ý khi giải quyết một vấn đề nào đó, ví dụ như các biện pháp làm giảm ô nhiễm không khí có thể tác động đến các lĩnh vực khác như giao thông và xe cộ. Những giải pháp này nên được triển khai dạng thí điểm hoặc ở mức độ nhỏ trước để đảm bảo hiệu quả.

Đồng thời, cũng nên thí điểm hai, ba lựa chọn, hoặc giải pháp cùng lúc cho một vấn đề để xem cái nào là tốt nhất. Sau khi đã thử hết tất cả các giải pháp và tìm được ra cái tốt nhất rồi mới mở rộng triển khai ra toàn TP.

Xác định vấn đề cấp bách qua thăm dò, khảo sát

Để xác định được những vấn đề cấp bách nhất, TP.HCM cần phải thông qua thăm dò, khảo sát và thảo luận giữa tất cả các bên liên quan, bao gồm công dân TP, chính quyền cấp trung ương và TP, các ban ngành, chủ sở hữu các cao ốc, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức phi chính phủ... xem họ nghĩ gì và muốn giải quyết vấn đề nào.

Một khi những vấn đề trên được xác định và xem là ưu tiên, việc kế tiếp là triển khai một loạt các giải pháp công nghệ để định lượng, đo lường, ví dụ dữ liệu giao thông, dữ liệu về ô nhiễm không khí... thông qua các thiết bị cảm biến và phân tích dữ liệu.

TIẾN LONG - NGỌC ĐÔNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên