07/11/2016 17:06 GMT+7

Không nên cai nghiện tập trung

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Trao đổi với báo chí trong giờ Quốc hội giải lao chiều 7-11, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nói như vậy về việc hàng ngàn học viên cai nghiện ở Đồng Nai lại bỏ trốn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội-Bùi Sỹ Lợi - Ảnh: Đ.BÌNH
Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi - Ảnh: Đ.BÌNH

Ông Lợi cho rằng với người nghiện thì phải để họ quên đi chất gây nghiện, điều kiện ăn uống, vui chơi, giải trí phải tốt hơn thì họ mới có thể quên được cơn nghiện.

Ông Bùi Sỹ Lợi nói có thể bây giờ điều kiện đầu tư cho các trung tâm cũng ít, do tôi lâu không làm công tác này nữa nên không biết bây giờ nhà nước hỗ trợ những gì, hay gia đình phải đóng góp. Có thể do điều kiện không được thoải mái lắm, rồi bị kích động, những người nghiện khác sẽ lên cơn, phá phách.

Bây giờ không phải ta thích thì đưa họ vào trại cai nghiện được, họ phải tự nguyện, hoặc người không nơi nương tựa, không có địa chỉ thì phải có quyết định của tòa án mới vào các trung tâm cai nghiện.

Mục tiêu là hạn chế bớt những bức xúc ngoài xã hội. Để một người cai nghiện thành công thì không dễ. Phải hết sức cẩn thận thì mới tổ chức cai nghiện được, chỉ cần một làn khói thuốc phiện là người ta lại tái nghiện ngay.

Trước đây làm công tác này tôi  thấy công tác cai nghiện rất khó. Trước là công an bảo vệ, nhưng mình thấy nếu cứ để công an, cứ hình sự hóa thì người nghiện cũng cảm thấy nặng nề.

* Theo ông thì cần phải làm gì để hạn chế bớt tình trạng học viên cai nghiện phá trại?

Theo tôi, phải tập trung phân loại từng đối tượng, nếu thấy có dấu hiệu quá khích, kích động thì phải quản lý thật chặt. Ở đây có thể chỉ một vài đối tượng cầm đầu, kích động.

Đối với người nghiện, con đường lâu dài vẫn phải là xã hội hóa, gia đình phải có trách nhiệm. Xã hội chỉ lo những người không nơi nương tựa, không địa chỉ thôi. Người nghiện đã khó khăn rồi mà tập trung hết cả vào thì quá nguy hiểm.

Nếu xã hội hóa, gia đình nào lo người nhà của gia đình nấy, nhà nước, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ thì đỡ hơn. Nếu cứ tập trung vào đông thế này thì rất dễ bị kích động.

Người nghiện được ăn uống tốt, đời sống tốt, sinh hoạt văn hóa, thể thao tốt thì chưa chắc họ đã làm như thế.

Ở đây mình không trách chính quyền địa phương, hay anh em làm công tác quản lý ở trung tâm vì họ cũng rất trách nhiệm, không ai muốn điều đó xảy ra.

* Chỉ trong vòng 20 ngày mà trung tâm cai nghiện bị phá phách 2-3 lần, ông có nghĩ công tác tập trung cai nghiện ở trung tâm này có vấn đề?

Chắc do mình chủ quan, trong khi người nghiện lại bị một vài người nghiện kích động. Tốt nhất càng giãn ra càng tốt. Đưa họ tập trung vào trung tâm cai nghiện không phải là cách hay, mà tối ưu thì phải xã hội hóa.

Họ bức bách mà mình lại dồn lại, đưa vào trung tâm tập trung thì họ càng bức bách hơn. Tập trung như thế còn thêm gánh nặng cho nhà nước. Và hình thức tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng.

Phải phân loại, anh nào bức bách thì tách riêng ra, và mình tập trung để có những biện pháp quản lý phù hợp với từng đối tượng, phải sâu sát, cẩn thận hơn đối với những người này.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên