19/09/2016 11:06 GMT+7

Công nghệ lạc hậu gây họa môi trường

XUÂN LONG thực hiện
XUÂN LONG thực hiện

TTO - Thực trạng môi trường ô nhiễm đến mức “báo động đỏ” như hiện nay có nguyên nhân từ những năm tháng “thả lỏng” cho công nghệ lạc hậu của các nước du nhập. Những sai lầm đó đã phải trả giá quá đắt.

Formosa đã đánh tráo từ công nghệ lò cao, công nghệ dập cốc khô thành công nghệ dập cốc ướt, nhưng cơ quan chức năng thiếu kiểm tra nên không ngăn chặn được từ đầu - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Formosa đã đánh tráo từ công nghệ lò cao, công nghệ dập cốc khô thành công nghệ dập cốc ướt, nhưng cơ quan chức năng thiếu kiểm tra nên không ngăn chặn được từ đầu - Ảnh: VĂN ĐỊNH

PGS.TS Trương Mạnh Tiến, chủ tịch Hội Kinh tế môi trường VN, nói như vậy trước nguy cơ VN trở thành bãi thải công nghệ của thế giới. Ông Tiến nói:

- Thực trạng ô nhiễm môi trường ở VN hiện nay phải gọi đúng cấp độ là “báo động đỏ”, không thể nói là cảnh báo về mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường nữa. Có thể nói sau những thập niên phát triển kinh tế, cái giá và bài học chúng ta phải trả cho môi trường là quá đắt. Bây giờ chúng ta đang phải tìm mọi cách phục hồi môi trường.

Nguyên nhân chính ở đây là vấn đề công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu. Điều này không những tiêu tốn tài nguyên trong sản xuất mà còn thải ra rất nhiều chất thải hủy hoại môi trường. Tôi cho rằng vấn đề công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu cũng chỉ một phần chính, còn nguyên nhân quan trọng là sự không tuân thủ các quy định trong thực thi pháp luật và buông lỏng quản lý về môi trường.

* Ý ông là luật pháp vẫn còn những kẽ hở có thể lợi dụng đưa công nghệ rẻ tiền, lạc hậu vào nước ta?

- Trước đây khi cho nhập công nghệ, thiết bị sản xuất, chúng ta không xem xét kỹ về mặt thời gian ra đời của công nghệ. Có những loại công nghệ lạc hậu tới 30-40 năm vẫn được nhập. Tuy nhiên sòng phẳng mà nói, trong thực hiện - kể cả khi có chủ trương, thậm chí có các quy định của luật không cho phép công nghệ lạc hậu nhập vào - vẫn có sự lỏng lẻo trong quản lý.

Kẽ hở ở đâu? Nó nằm chính ở những điều kiện khi xem xét các dự án đầu tư nước ngoài. Những dự án này rất dễ bị tuồn các công nghệ không hiện đại mà các nước muốn đẩy đi. Đó là kẽ hở về điều kiện của các dự án đầu tư phải sử dụng công nghệ của họ mà chúng ta chưa biết đó là công nghệ nào. Đó là kẽ hở về điều kiện ràng buộc khi vay vốn phải sử dụng các nhà thầu, đơn vị của nước họ, công nhân của nước họ mà chúng ta cũng không biết họ sử dụng và sẽ đưa công nghệ nào vào.

Kẽ hở đáng quan tâm nhất chính là sự buông lỏng trong quản lý, không giám sát kiểm tra trong quá trình nhập công nghệ, trong quá trình lắp đặt công nghệ đối với các dự án đầu tư FDI mà Formosa là điển hình.

Chúng ta đều biết công nghệ sản xuất thép của Trung Quốc không phải là công nghệ hiện đại. Như vậy thì sự đầu tư cho xử lý môi trường cũng không lớn, nhất là với những dự án sản xuất thép, chi phí đầu tư cho công nghệ phải dành tối thiểu 20-30%, tức là với dự án của Formosa được cho rằng tới 10 tỉ USD thì phải có tới 2-3 tỉ USD đầu tư cho công nghệ, nhưng tôi chắc chắn Formosa không đầu tư tới mức đó. Đấy là chưa kể Formosa đánh tráo công nghệ.

Cụ thể, chúng ta chấp thuận cho Formosa sản xuất theo công nghệ lò cao, công nghệ dập cốc khô, nhưng họ thay đổi thành công nghệ dập cốc ướt cho ra nhiều nước thải, do thiếu kiểm tra nên không ngăn chặn được từ đầu.

Hiện nay, việc lựa chọn công nghệ sản xuất là việc bắt buộc phải làm và phải làm rất trách nhiệm, rất quyết liệt" 
PGS.TS Trương Mạnh Tiến

* Trong điều kiện của mình, VN phải có chiến lược lựa chọn công nghệ thế nào nếu không muốn tiếp tục phải trả giá?

- Tôi nghĩ lãnh đạo cấp cao nước ta đang rất quyết liệt loại bỏ và ngăn chặn công nghệ, thiết bị lạc hậu. Điều này thể hiện rõ nhất qua chuyến thăm của Thủ tướng tại Trung Quốc mới đây. Đó là khi gặp gỡ các doanh nghiệp Trung Quốc, Thủ tướng nói rõ là rất hoan nghênh và mong có đầu tư từ Trung Quốc, nhưng phải đảm bảo đó là công nghệ tốt, hiện đại, sạch.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ảnh: X.L.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ảnh: X.L.

* Theo ông, để VN tránh trở thành bãi thải công nghệ cần phải có những giải pháp nào?

- Thủ tướng ra chỉ thị tiếp tục thể hiện quan điểm không chấp nhận công nghệ sản xuất lạc hậu, rồi việc Chủ tịch Quốc hội nói sửa Luật chuyển giao công nghệ để ngăn việc VN trở thành bãi thải công nghệ.

Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề chủ trương đó có đi vào thực tiễn hay không lại nằm ở sự tuân thủ của các cơ quan quản lý. Việc làm ngay bây giờ là phải rà soát lại xem việc tuân thủ trong xem xét khi cho nhập vào VN có được thực hiện đảm bảo đúng chủ trương, hay vẫn duy trì lỗ hổng để lợi dụng?

Tôi cho rằng giải pháp chính vẫn là vấn đề thực thi. Hiện nay từ chủ trương đến luật đều không thiếu hành lang pháp lý ngăn chặn công nghệ lạc hậu. Cho nên từng thành viên Chính phủ phải rõ trách nhiệm của mình trong thực thi, trong thanh tra, kiểm tra, đặc biệt đối với những dự án thu hút đầu tư lớn.

Đầu tiên là phải chặn bằng được những công nghệ sử dụng nhiều tài nguyên, không hiện đại có thể tiếp tục tràn vào VN. Tôi cho rằng cả Bộ Công thương, Bộ Tài chính quản lý lực lượng hải quan, Bộ Khoa học - công nghệ và Bộ Tài nguyên - môi trường phải hết sức lưu ý khi thẩm định hồ sơ của các dự án, tức dự án phải rõ sử dụng công nghệ gì mới tiến hành xem xét, đây là nhằm nâng cao trách nhiệm “đánh chặn”. Đến lúc phải nhìn nhận vấn đề môi trường là số một, chứ không phải thu hút đầu tư là số một.

Còn với những dự án đang hoạt động, trước vấn nạn ô nhiễm môi trường “báo động đỏ” như hiện nay nhất quyết phải rà soát lại. Việc rà soát cần xem là hết sức bình thường, nhưng phải thể hiện sự quyết liệt trong kiểm tra, rà soát. Pháp luật có quy định rồi, nếu gây ô nhiễm thì có thể cho tạm dừng hoạt động 3-6 tháng để thay đổi công nghệ, xử lý môi trường, nếu không thực hiện thì phải đóng cửa.

Trách nhiệm thực thi ở đây không chỉ có các bộ, mà cả cấp địa phương. Phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu vẫn cứ đề xuất những dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm.

PGS.TS Đỗ Phú Hải (phó trưởng khoa chính sách công Học viện Khoa học xã hội):

Phải đặt môi trường lên hàng đầu

Đất nước chúng ta rất dễ trở thành bãi thải công nghệ vì chúng ta là nước phát triển sau nên không đủ nguồn vốn, nghiên cứu khoa học cũng không đầy đủ. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải thay đổi tư duy về phát triển.

Thay đổi theo hướng như lãnh đạo cấp cao đã nói là phải gắn môi trường với phát triển bền vững. Lâu nay chúng ta đặt trọng tâm là phát triển kinh tế, từ tư duy đó mà xem nhẹ vấn đề môi trường. Hiện Thủ tướng nói rất rõ phải đặt môi trường lên hàng đầu trước khi tính đến lợi ích về kinh tế. Tất cả các chính sách phải hướng tới mục tiêu đó.

XUÂN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên