07/09/2016 11:03 GMT+7

Lá thư của bà Vũ Hoàng Chương

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - Nhiều năm đã trôi qua, ông Lưu Tuấn Giao, người cháu gọi bà Đinh Thị Thục Oanh và nhà thơ Đinh Hùng là cô cậu, vẫn nhớ mãi chuyện kể nhà mình đã cứu đói đồng bào năm Ất Dậu như thế nào.

Ông Lưu Tuấn Giao và bà Thục Oanh chụp năm 1990 - Ảnh nhân vật cung cấp
Ông Lưu Tuấn Giao và bà Thục Oanh chụp năm 1990 - Ảnh nhân vật cung cấp

Mùa hè năm 1999 khi tuổi đã xế chiều, bà Thục Oanh, tức vợ nhà thơ Vũ Hoàng Chương, lại gửi một lá thư từ TP.HCM ra Hà Nội cho cháu để tiếp tục nhắc nhớ chuyện này.

Ông Giao cân nhắc mãi mới chuyển tôi lá thư vì đối với ông, đó là kỷ vật đặc biệt của gia đình. Đây cũng là lần đầu tiên lá thư được công bố...

“Lén” cứu đói

“Năm 1945 là năm đói kém. Do ruộng vườn bị Nhật chiếm trồng đay cho chiến tranh nên dân làng không còn ruộng cấy lúa. Dân quê nhiều vùng không có gạo ăn kéo nhau lên thành phố xin ăn.

Các gia đình buôn bán cũng không thể cung cấp được đầy đủ cho số người đói đông vô kể. Hằng ngày họ lũ lượt từng gia đình kéo nhau đi xin ăn khắp phố phường, có gia đình đông đến bảy, tám người... 

Gia đình cậu Vũ Hoàng Chương buôn bán thóc gạo, nhà ở phố Bến Thóc, Nam Định, ngay đầu bến đò Quan (gần cầu Tân Đệ bây giờ). Những ngày đó nhà cô phải đóng cửa bán hàng.

Cụ Huyện và cậu Chương bàn nhau: Bây giờ mỗi ngày thổi vài yến gạo làm cơm, mỗi nắm chừng ba bát cơm. Cứ mỗi người phát cho họ một nắm, trẻ con người lớn đều nhau. Hôm sau, người nhà đã lục đục thực hành cả đêm, thổi cơm và nắm được hai thúng đầy.

Sáng hôm sau đem ra cửa, cứ người nào đi qua cũng phát cho mỗi người một nắm. Chỉ mới hết một thúng thì người đói biết được bèn xông đến vây kín cửa chen nhau cướp, không để cho mình kịp phát nữa. Sợ quá, mấy người làm vội đẩy thúng cơm ra cho họ và đóng ngay cửa lại.

Cửa hàng làm cánh cửa bằng gỗ, cửa lùa. Sau khi thúng cơm đã cướp hết, họ tưởng trong nhà còn nữa nên đập rung chuyển rầm rầm.

Người nhà phải đứng trên bancông, bắc loa tay nói xuống: “Xin mọi người đến nhà thờ Lớn mà lãnh, ở đấy đang phát chẩn nhiều lắm, ở đây hết cơm rồi...”. Thế là họ ào ào chen lấn nhau chạy cho nhanh đến nhà thờ.

Ngày hôm sau, cậu Chương lại bàn: Phát cơm ở nhà không được, nguy hiểm lắm. Vậy tối nay khi họ đã mệt mỏi, nằm trước các hiên nhà, phố nào cũng có người nằm thoi thóp! Mình sẽ đem cơm nắm bỏ vào bị và ít giấy nhật trình, cứ nơi nào ba người thì gói ba nắm, năm người thì gói năm nắm...

Lúc đó họ đang nằm, mình chỉ việc đặt nắm cơm vào gần chỗ họ nằm, rồi rút lui ngay vào bóng tối đi tiếp đến nhóm khác. Nhớ là chỉ đưa lúc họ đang nằm, nếu họ đứng thì đừng đưa vì sẽ bị đuổi theo giật hết cả bị! 

Hôm đó có cả họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, ông ở Hà Nội xuống Nam Định chơi với cậu Chương vài ngày. Tối đó, ông tham gia đi cứu đói, cũng đeo một bị cói cơm nắm, mỗi người một bị, 8 giờ tối lên đường.

Đầu tiên đi dọc phố Bến Thóc, cả ba người cùng đi một phố, cách nhau chừng bốn thước, nhỡ họ phát hiện là có sứ giả của đội cứu đói đi qua thì mình còn... cứu nhau. Cách làm đó cũng hiệu quả phần nào.

Chỉ đi chừng hai phố và lựa chọn họ nằm mới bỏ gói cơm nắm xuống, mấy lần suýt bị phát hiện. Khi cô quay lại thì thấy hai, ba người đứng phắt dậy, nhìn trước nhìn sau để xem ai bỏ cơm xuống đi lối nào để chạy theo lấy nữa. Nhưng mình đã đề phòng rồi nên vội biến ngay vào bóng tối.

Trải qua một đêm cứu đói hãi hùng, đêm sau không thể tiếp tục nữa. Cụ Huyện, thân mẫu cậu Chương, bèn quyên góp mấy bao gạo vào ban cứu đói của phường Bến Thóc chứ không thể tự làm lấy được...”.

Khóm lúa - thi thể người

Bao thời cuộc thăng trầm của dân tộc đã trôi qua theo dòng thời gian, kể về nội dung lá thư đặc biệt này, ông Giao tâm sự sở dĩ người cô mình là bà Thục Oanh viết tỉ mỉ như vậy vì muốn con cháu không quên thảm nạn kinh hoàng của đồng bào thời ấy.

Một nạn đói kém mà chính ông Giao trong một lần vào TP.HCM thăm cô, đã được bà Thục Oanh tâm sự rằng nhiều năm sau này bà vẫn bị “ma đói” ám ảnh trong giấc mơ. Những hình ảnh đau khổ, tang tóc đến độ chỉ ai chứng kiến mới thấu hiểu, chứ không một bút lực nào tả thực hết nổi.

Thi thể người chết la liệt vì đói - Ảnh: VÕ AN NINH
Thi thể người chết la liệt vì đói - Ảnh: VÕ AN NINH

Tác giả bức thư viết tiếp: “Sau nạn chết đói thì đến nạn chết no cũng trong năm đó. Vì chịu đói quá, người ta lúc được ăn lại ăn nhiều, ăn cố, bị bội thực cũng chết. Rồi đến bệnh chấy rận, người chết đói, chết no, chết bệnh chấy rận đầy đường.

Sáng mở cửa nhìn ra đường, người chết bệnh chấy rận nằm ngay trước cửa nhà, cô đi chợ phải bước qua thi thể người là thường. Người chết da tím ngắt, tay chân khô như cành củi. Có người chết xung quanh chấy rận bò ra đen ngòm như kiến...

Hồi đó cô thấy thi thể người chẳng sợ gì cả vì nhiều quá nên quen. Suốt ngày có xe và người đi nhặt thi thể, chất đầy xe chở ra nghĩa địa. Người ta đào một cái hố to và sâu, đổ thi thể xuống, rắc vôi bột lên rồi lấp đất chôn, phải rất nhiều hố như thế ở nhiều nơi...

Không chỉ ở thành phố có người đói tìm đến xin ăn rồi chết, mà ngay tại các miền quê người ta cũng chết như rạ. Sau này những thửa ruộng người ta gieo mạ có rất nhiều khóm mạ mọc xanh um khác thường.

Cứ cách vài thước lại có một khóm dài chừng gần hai thước màu xanh thẫm như hình người đang nằm. Đứng xa trông rõ và đếm được từng khóm. Người ta bảo đấy là những người chết đói được chôn vùi xuống ruộng nên chỗ đó có thịt người, có nhiều chất nuôi dưỡng cây mạ mới tốt thế đấy!

Điều này thì có thật. Tản cư về các làng ở Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Trực, Nam Định, cô thấy rất nhiều...”.

Ban đầu người chết đói còn được người sống chôn sâu, đắp đầy. Nhưng về sau người chết nhiều quá, trong khi người may mắn chưa chết thì dần lả đi vì suy kiệt nên họ không còn sức để chôn cất tử tế.

Ở làng quê, người ta cứ khiêng thi hài ra đồng vùi xuống, lấp ít đất sơ sài để chim chuột khỏi ăn, khỏi phải thấy cảnh đau lòng. Khi chuẩn bị vụ lúa mới, nhiều khi lưỡi cày đụng cả thi thể người.

Trên cánh đồng cứ khoảnh nào xanh tốt rộng khoảng nửa mét, dài gần 2m, ngọn lúa sum sê vọt cao lên như nấm mộ xanh là chỗ ấy có thi thể nằm bên dưới. Thậm chí đến ba vụ lúa sau, hình ảnh này còn lặp lại rồi mới mờ dần đi...

Câu chuyện những khóm lúa - thi thể người không chỉ có bà Thục Oanh, vợ thi sĩ Vũ Hoàng Chương, tỉ mỉ kể lại, mà rất nhiều chứng nhân cao tuổi khác cũng còn ám ảnh này.

Giáo sư sử học Văn Tạo tâm sự năm Ất Dậu 1945 xảy ra nạn đói, ông 19 tuổi nên biết rất rõ thảm nạn kinh hoàng.

Nhà ông ở huyện Tứ Kỳ, Hải Dương cũng nấu cháo, nắm cơm phát cho người đói tìm đến xin ăn nhưng không thể nào xuể được. Chính dòng họ ông cũng có nhiều gia đình bị chết đói gần hết.

Thậm chí sau bao nhiêu ngày phải nhịn, người ta được bưng lại chén cơm ăn rồi lăn ra chết vì bao tử bục ra, ruột gan cũng không còn hoạt động được nữa.

-------

>> Kỳ tới: Tín phiếu cứu đói 

------

Các kỳ trước

>> Kỳ 1: Các nhà giàu tham gia cứu đói

>> Kỳ 2: Lòng tốt của các nhân sĩ

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên