19/08/2016 09:01 GMT+7

Xây dựng đô thị thông minh: Mở lối cho người dân cùng tham gia

M.HƯƠNG - D.N.HÀ (maihuong@tuoitre.com.vn)
M.HƯƠNG - D.N.HÀ (maihuong@tuoitre.com.vn)

TTO - Xây dựng TP thông minh phải có sự tham gia không chỉ của chính quyền, đoàn thể, người dân, doanh nghiệp.

Các chuyên gia đề nghị nên chọn lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân để “thông minh hóa” trước. Trong ảnh: người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Các chuyên gia đề nghị nên chọn lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân để “thông minh hóa” trước. Trong ảnh: người dân làm thủ tục nhà đất tại UBND Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Điều quan trọng ở đây là cộng đồng dân cư phải thật sự mong muốn và có điều kiện để tiếp nhận, sử dụng, khai thác tiện ích. Không thể để người dân đứng ngoài cuộc chơi này

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa

Các chuyên gia, nhà quản lý cùng thống nhất quan điểm nói trên tại buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp cho mô hình thành phố thông minh” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 18-8.

Liệu cơm gắp mắm

“Tôi rất sợ chúng ta hô hào xây dựng TP thông minh theo kiểu phong trào, rộ lên đó rồi mất hút đó. Singapore chuẩn bị cho đô thị thông minh từ năm 2010, đến năm 2014 họ mới chính thức công bố và lộ trình hướng tới năm 2020 mới xây dựng được TP thông minh. Tất cả phải được tính toán nghiêm túc, khoa học, có lộ trình” - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, nguyên trưởng khoa đô thị học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), phát biểu.

Theo ông Hòa, hiện đang có sự đánh đồng chính phủ điện tử với đô thị thông minh. Ông Hòa cho rằng chuyện đăng ký kinh doanh qua mạng, đơn giản các thủ tục hành chính... là những việc bình thường mà chính quyền phải hướng đến. Còn TP thông minh phải ở một cấp độ cao hơn, trong đó chính quyền phải thông minh để cho ra các quyết sách thông minh và cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phải đủ mạnh làm cơ sở triển khai các tiện ích.

Trong xây dựng TP thông minh, con người được đặt ở vị trí trung tâm. Phải tính đến trình độ dân trí vì người dân phải đủ khả năng và có mong muốn tham gia cuộc chơi này.

Theo ông Hòa, trong xây dựng TP thông minh phải liệu cơm gắp mắm, chọn những khu vực nhỏ để làm trước, chẳng hạn như khu trung tâm TP, khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

TP.HCM không thể làm một mình

Thạc sĩ Nguyễn Đức Thịnh, trưởng phòng cải cách hành chính Sở Nội vụ TP, cho rằng trong việc xây dựng đô thị thông minh thì TP.HCM không thể làm một mình được mà phải tương thích với các địa phương xung quanh, với các TP lớn khác.

Người dân sống ở TP.HCM theo mô hình thông minh nhưng đi các địa phương khác gần đó lại phải mày mò theo “lệ làng” thì cũng sẽ khập khiễng. Hoặc người dân ở các tỉnh đến TP.HCM cũng sẽ không kịp thích ứng với hệ thống quản lý thông minh của TP.

Theo ông Thịnh, chính quyền nên chọn lĩnh vực để “thông minh hóa” trước như: an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, khám chữa bệnh... để đem lại những lợi ích thiết thực mà người dân có thể hưởng thụ được ngay.

Ông Thịnh còn nhấn mạnh điều cần thiết phải có sự đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng mà hiện nay nước ta chưa có được.

Một ví dụ nhỏ như luật quy định người dân phải đến trụ sở cơ quan chức năng nộp hồ sơ trực tiếp. Nhưng một trong những cơ chế của đô thị thông minh là hạn chế việc người dân phải đi lại, tức người dân có thể nộp hồ sơ qua mạng - như vậy lại không phù hợp với quy định.

Hay quy định về đăng ký khai sinh, kết hôn xong phải ký sổ bộ nhưng dân đăng ký khai sinh, kết hôn qua mạng thì làm sao ký sổ bộ?

Đề cập đến kinh phí thực hiện TP thông minh, ông Lê Quốc Cường - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP - cho biết với một đô thị lớn như TP.HCM, muốn hiện đại hóa thì tất nhiên phải đầu tư chi phí không nhỏ, nhưng đó là khoản đầu tư cần thiết và lợi ích mang lại sẽ lớn hơn nhiều so với số tiền bỏ ra.

Bà Huỳnh Thu Thảo (Sở Tư pháp TP) đồng tình với ý kiến cần phải có sự phối hợp với các địa phương và trung ương trong việc xây dựng đô thị thông minh. Bà Thảo cho biết trong lĩnh vực hộ tịch, Sở Tư pháp TP đang đang triển khai  xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Ông Đỗ Trung Thắng (giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH tin học và thương mại Chân Chính):

Xây dựng an ninh mạng nhiều tầng

Trong đô thị thông minh cần rất nhiều giải pháp kỹ thuật, thu thập rất nhiều dữ liệu đưa về trung tâm để xử lý. Bên cạnh đó cũng có nhiều điểm truy cập dữ liệu nên dễ xảy ra các vấn đề trong an toàn, an ninh mạng.

Người xấu có thể tận dụng các điểm truy cập mạng dữ liệu để sửa đổi thông tin. Vì vậy, khi chọn lựa công nghệ, thiết bị và các cảm biến phải bảo đảm an toàn. Khi dữ liệu tập trung về thì phải được bảo vệ. Có 5 vấn đề trong việc bảo vệ dữ liệu:

Dữ liệu bảo đảm tính sẵn sàng: bảo đảm truy cập 24/7. Để làm được điều này, dữ liệu phải được lưu trữ nhiều nơi để dễ phục hồi, để đề phòng những sự cố cháy nổ, thiên tai, lũ lụt. Tính toàn vẹn: dữ liệu phải được đồng nhất, không thay đổi trong quá trình lưu trữ, truyền dữ liệu. Tính bảo mật: phải được bảo mật tối đa, kiểm soát truy cập, mã hóa ở nơi lưu trữ...

Ngoài ra, cần xây dựng một bộ phận giám sát và kiểm soát luồng thông tin dữ liệu. Bộ phận này có kế hoạch ngăn ngừa, làm giảm nguy cơ rò rỉ, mất mát dữ liệu... Bộ phận này liên kết nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về an ninh mạng để cảnh báo sớm những cuộc tấn công.

Có thể sử dụng hệ thống phòng thủ nhiều lớp, có chiều sâu để giảm tối thiểu những nguy cơ rò rỉ hay mất mát dữ liệu.

* TS Võ Văn Khang (phó chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam):

Đừng quá lo lắng về những rủi ro

Hệ thống thông tin trong đô thị thông minh có hai thuộc tính cơ bản: phải có tính phản ứng và điều hành ngay lập tức, phân tích dữ liệu ngay lúc nhận được chứ không phải thông tin trong quá khứ; có khả năng lập kế hoạch, chiến lược và đưa ra những dự đoán để hoạch định tương lai.

Cần phải có những hệ thống thu thập thông tin cơ bản như camera, cảm biến đặt khắp nơi, hệ thống truyền dẫn thông tin về trung tâm và cần những thuật toán tương ứng để khai thác thông tin này.

Dĩ nhiên, khi chúng ta sử dụng nhiều công nghệ, áp dụng ở nhiều nơi như vậy thì sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Thông tin quá sẵn sàng luôn kèm theo rủi ro vì các hacker dễ khai thác. Nhà nước cần phân loại thông tin: thông tin tối mật, thông tin cơ hữu, thông tin quan trọng đối với cá nhân và thông tin vừa phải có thể chia sẻ được.

Dựa vào những cấp độ như vậy, người có trách nhiệm sẽ có những chế độ bảo vệ khác nhau. Nếu có kế hoạch bảo vệ và kịch bản ứng phó cho từng tình huống, chúng ta sẽ không phải lo sợ quá nhiều về những rủi ro.

M.HƯƠNG - D.N.HÀ (maihuong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên