15/08/2016 11:30 GMT+7

Mọi việc đều có thể...

HUY THỌ
HUY THỌ

TTO - “All things possible” (Mọi việc đều có thể) - đó là câu slogan treo ngay trên đầu trang web của Trường trung học Bolles (Florida, Mỹ), nơi đã đào tạo nên tay bơi Joseph Schooling - người đã đánh bại Michael Phelps ở nội dung 100m bướm tại Olympic Rio 2016.

Không nghi ngờ gì nữa, chiếc HCV của Schooling xứng đáng được ghi nhận là thành tích danh giá nhất của thể thao Đông Nam Á tại đấu trường Olympic. Tại sao lại nói như vậy? Đơn giản bởi nói tới Olympic, người ta phải nghĩ ngay tới hai môn điền kinh và bơi lội.

Có người còn ví von nếu ngọn núi Olympia là nơi sinh sống của các vị thần, mà trong đó đứng đầu là Zeus thì điền kinh, bơi lội chính là Zeus của Olympic vậy! Trong suốt lịch sử thể thao Đông Nam Á, HCV Olympic cũng đã có không ít, như ở môn cầu lông, quyền anh, cử tạ, bắn súng...; song bơi lội và điền kinh là điều không mơ thấy nổi.

Giữa thập niên 1990, người Singapore cũng đã từng khấp khởi hi vọng vào Joselin Yeo, người đoạt 7 HCV bơi lội SEA Games 1993, nhưng cũng không làm nên chuyện gì ở Olympic. 22 năm sau, Ánh Viên của Việt Nam có nhiều hơn Yeo một chiếc HCV SEA Games, nhưng cũng không chen nổi vào vòng chung kết Olympic 2016.

Vì vậy, chiến thắng của Schooling phải nói là kỳ diệu. Từ kỳ tích này, người Việt không khỏi giật mình khi nhớ lại chúng ta cũng từng có một “dị nhân” Hoàng Quý Phước, hơn Schooling hai tuổi. Đặc biệt ở ngay chính cự ly 100m bướm này, Phước từng đánh bại Schooling để đoạt HCV SEA Games 2011. Cùng đang ở độ tuổi đỉnh cao của sự nghiệp thể thao, từng hơn đối thủ, vậy mà sau 5 năm, một người đến đỉnh Olympia, một người về... vực sâu là sao?

Không ít người bảo Schooling nhờ có một nửa dòng máu châu Âu khi cha là người Anh. Đúng vậy, trong khoa học thể thao, yếu tố gen, dòng giống là rất đáng kể. Yếu tố đó không thể loại bỏ, nhưng chính thầy ruột của Phước, HLV Nguyễn Đông Hải, cũng gián tiếp bác bỏ khi kể với PV Tuổi Trẻ: “Năm 2012, cả hai trở thành đồng môn ở Trường Bolles tại Florida (Mỹ), cùng được huấn luyện bởi chuyên gia giàu kinh nghiệm Sergio Lopez. Khi đó, các chuyên gia Mỹ đánh giá Quý Phước và Joseph Schooling ngang ngửa cả về thể chất lẫn tố chất”.

Tuổi tác sàn sàn nhau, nếu không muốn nói rằng Phước ưu thế hơn, lại từng học cùng một lò là Trường trung học Bolles (nơi này từng đào tạo nên nhiều tay bơi vô địch Olympic như Martin Lopez, Anthony Nesty, Fred Tyler, Ashley Whitney...), lại được chuyên gia Mỹ đánh giá có tố chất tương đương, vậy sao lại thua?

Trong thể thao, thật khó để so sánh kiểu như thế, vì nó có những điều không thể đong đếm được, ví dụ ý chí chẳng hạn. Nhưng, quay trở lại với câu slogan của Trường Bolles “Mọi việc đều có thể”, chúng ta vẫn phải trăn trở với câu hỏi vì sao ở trường hợp Quý Phước.

Theo dõi câu chuyện của chàng trai Đà Nẵng này ngay từ đầu, tôi cho rằng chính lòng đố kỵ của người lớn, sự thiếu kiên trì của những người có trách nhiệm đã khiến Phước chỉ theo học ở Bolles một thời gian ngắn, để rồi khi thì đưa sang Trung Quốc, lúc sang Nhật... dẫn đến việc “lắm thầy thì nhiều ma”!

Đặt câu chuyện của Schooling bên cạnh Quý Phước để chiêm nghiệm, xem ra vấn đề không chỉ ở thể thao, ở bơi lội. Đã có biết bao nhiêu chuyện tự trào để người Việt tự nhìn lại mình, kiểu như “giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh thì tìm cách tiêu diệt”, “nhốt cua Việt không cần nắp đậy, vì con này ngoi lên thì con kia kéo xuống”...

Vì vậy, “mọi việc đều có thể” cần được hiểu là nó có thể tốt hơn hoặc có thể xấu đi. Vấn đề còn lại là của chính chúng ta...

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên