27/07/2016 09:59 GMT+7

Không cho phép chậm trễ với người có công

ĐỨC BÌNH thực hiện
ĐỨC BÌNH thực hiện

TTO - Kỷ niệm 69 năm ngày thương binh liệt sĩ 27-7, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội  Đào Ngọc Dung dành riêng cho Tuổi Trẻ những chia sẻ về công tác người có công.

Fwd Ảnh phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Lao động thương bin và xã hội Đào Ngoc Dung cho bài Đức Bình
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung - Ảnh: Việt Dũng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn: "Đến nay, tuyệt đại bộ phận người có công với cách mạng đã được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định. Tuy nhiên vẫn còn có những tồn đọng, vướng mắc trong công tác này khiến một bộ phận người có công và bản thân chúng tôi cảm thấy “rất nhức nhối”. Tôi mới nắm lĩnh vực một thời gian ngắn, trước thực trạng này, quan điểm của tôi là phải bắt tay vào làm ngay, tìm mọi cách tháo gỡ, không cho phép chậm trễ nữa”.

* Thủ tướng đã chỉ đạo tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công trong hai năm 2014-2015 nhưng vẫn còn nhiều hồ sơ tồn đọng, nhiều người có công chưa được hưởng chính sách, ông đánh giá thế nào?

- Ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. 69 năm qua, hệ thống chính sách ưu đãi người có công từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống, cơ bản bao phủ hết các đối tượng người có công với cách mạng. 

Tuy nhiên, sau tổng rà soát 12 đối tượng người có công trong năm 2014-2015, trên 20.000 trường hợp kê khai chưa được hưởng chính sách nhưng thực chất số có hồ sơ kê khai là 4.500 trường hợp, trong đó số hồ sơ kê khai đề nghị công nhận liệt sĩ là 1.500, thương binh là 3.000.

Lý do chính là một bộ phận đủ điều kiện song khi lập hồ sơ lại không đủ căn cứ để chứng minh theo quy định. Một bộ phận không đủ điều kiện nhưng vẫn cứ lập hồ sơ đề nghị. Một bộ phận chưa đủ điều kiện do quy định của các chính sách thời điểm lập hồ sơ được nới rộng.

Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung pháp lệnh ưu đãi người có công, hệ thống chính sách người có công của chúng ta đã tương đối hoàn thiện.

Đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, có hơn 117.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp một lần, còn gần 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Kết quả rà soát gần 2,1 triệu người có công năm 2014-2015 cho thấy số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.108 người (chiếm tỉ lệ 95,75%); số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người (chiếm tỉ lệ 4,16%) và số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người (chiếm tỉ lệ 0,09%).

* Chiến tranh đã lùi xa nhưng một bộ phận người có công vẫn đang chờ đợi chính sách, trong khi  tuổi của họ ngày một cao. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này và giải pháp của Bộ LĐTB&XH?

- Việc một bộ phận người có công chưa được hưởng chính sách là điều rất nhức nhối với chúng ta, nhất là những người thực thi chính sách. Quan điểm của tôi là phải bắt tay vào làm ngay, tìm mọi cách tháo gỡ, không cho phép chậm trễ nữa.

Trước mắt đối với các hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng các chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, tập trung xử lý theo quy định của thông tư liên tịch giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ Quốc phòng.

Đồng thời giải quyết số hồ sơ tồn đọng mấy chục năm qua sau khi nắm tình hình ở nhiều địa phương và trực tiếp giải quyết một số hồ sơ vướng mắc kéo dài.

Ngay trong tháng 6, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng quy trình giải quyết có tính cá biệt, đi vào giải quyết từng đối tượng cụ thể, phấn đấu đến 15-8-2016 phải ban hành được quy trình này.

Sau đó tiến hành làm thí điểm ở 3 địa phương để rút kinh nghiệm rồi từng bước triển khai mở rộng theo nguyên tắc chung.

Việc giải quyết chính sách người có công không còn hồ sơ phải dựa trên các quy định hiện hành, thận trọng, đảm bảo sự chính xác và cần được tiến hành từ cơ sở trở lên, đề cao vai trò chỉ đạo của cấp ủy, giám sát của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân địa phương.

* Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng công tác chính sách đối với người có công thời chống Pháp, Mỹ chúng ta đã thực hiện rất tốt. Nhưng đối với những người tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc lại chưa được quan tâm lắm, Bộ trưởng nghĩ sao?

- Trước tiên, cần khẳng định, chính sách ưu đãi người có công được thực hiện đồng bộ trên cả nước theo quy định của pháp lệnh ưu đãi người có công và các chính sách hiện hành.

Đối với người có công trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như bảo vệ biên giới phía Bắc đều phải được thực hiện đúng, đầy đủ.

* Dọc các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ nằm lại chưa quy tập được. Nhiều nghĩa trang liệt sĩ vẫn chưa được đầu tư tôn tạo đúng tầm vóc. Là tư lệnh ngành, Bộ trưởng sẽ làm gì?

- Day dứt nhất, đau lòng nhất là chúng ta còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, đây cũng là việc ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.

Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Chính phủ đã phân công Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện. Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia 1237 do Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban.

Hiện nay trong cả nước có 20 đơn vị chuyên trách thường xuyên triển khai công việc này. Thời gian qua Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương cũng như các nước bạn đã cố gắng ở mức cao nhất để tìm kiếm, tiếp nhận, quy tập gần 8.000 hài cốt liệt sĩ, an táng ở các nghĩa trang liệt sĩ. Bộ LĐTB&XH cũng đang tập trung thực hiện Đề án 150 xác định danh tính liệt sĩ.

Sau hơn 3 năm triển khai bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN, đã xác định được 3.260 danh tính hài cốt liệt sĩ và báo cho gia đình liệt sĩ, tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Thực hiện tiếp nhận mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ hi sinh tại nước bạn Lào để phân tích, so sánh, xác định danh tính liệt sĩ.

Thời gian tới những công việc này cần được đẩy nhanh hơn, quyết liệt và hiệu quả hơn.

Hiện cả nước có trên 9.600 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 1.750 đài liệt sĩ, trên 4.800 nhà bia ghi tên liệt sĩ, và có trên 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, hầu hết đều được tu bổ, tôn tạo thường xuyên.

Nhiều công trình ghi công liệt sĩ đã trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống như nghĩa trang Trường Sơn, đền Bến Dược, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn…

Tuy nhiên, có một số nghĩa trang do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, xây dựng đã lâu, bị ảnh hưởng xuống cấp chưa được tu bổ hoặc chờ tu bổ (đa phần nằm ở tuyến xã).

Hàng năm, căn cứ vào khả năng của Ngân sách nhà nước và các nguồn lực của xã hội, Bộ đã dành kinh phí khoảng hơn 400 tỷ đồng để các địa phương thực hiện việc sữa chữa, nâng cấp, các địa phương và nhân dân đã đóng góp nhiều nghìn tỷ đồng góp phần tu bổ nghĩa trang công trình tưởng niệm các liệt sĩ đảm bảo khang trang bền vững, phù hợp với truyền thống của dân tộc.

Bộ LĐTB&XH đang rà soát, nghiên cứu xây dựng Đề án quy hoạch tổng thể nghĩa trang và các công trình ghi công liệt sĩ phạm vi toàn quốc nói chung và các tỉnh biên giới phía Bắc nói riêng để trình Chính phủ phê duyệt.

Ngay trong tháng 8-2016, Bộ LĐ-TB&XH sẽ cùng UBND tỉnh Hà Giang bàn thảo, sớm trình Chính phủ đề án mở rộng, nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang).

ĐỨC BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên