14/07/2016 19:19 GMT+7

​Trần Bạch Đằng: bám sát thực tiễn, gắn bó với nhân dân thành phố

LÊ THANH HẢI (nguyên Ủy viên bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM)
LÊ THANH HẢI (nguyên Ủy viên bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM)

TTO - Tại hội thảo khoa học kỷ niệm 90 năm Ngày sinh ông Trần Bạch Đằng (15-7-1926 - 15-7-2016), ông LÊ THANH HẢI, nguyên Ủy viên bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM đã có bài tham luận quan trọng.

Ông Trần Bạch Đằng đến thăm báo Tuổi Trẻ ngày 15-7-1996 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

TTO xin giới thiệu nguyên văn.*

Đồng chí Trần Bạch Đằng là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà sử học đầy uy tín; nhưng trên hết đồng chí là một người cộng sản kiên trung, nhà hoạt động chính trị bản lĩnh và trí tuệ.

Cuộc đời vô cùng phong phú và oanh liệt của đồng chí gắn liền với cách mạng miền Nam; đồng chí luôn đứng ở những nơi đầu sóng ngọn gió của cách mạng, hứng chịu hòn tên mũi đạn từ phía quân thù và trên mặt trận tư tưởng hết sức cam go, quyết liệt, sôi động.

Vào những thời khắc quyết định của sự nghiệp cách mạng tại thành phố này, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sau Xuân Mậu Thân và những năm tháng đất nước chuyển mình đổi mới, đồng chí đã trải nghiệm cùng những gian nan, thử thách hết sức hào hùng của Đảng bộ và Nhân dân thành phố.

Đồng chí Trần Bạch Đằng, nhà chính trị bám sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh

Hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Bạch Đằng bắt đầu từ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nơi đồng chí được kết nạp vào Đảng năm 1943. Đồng chí sớm trở thành cán bộ nòng cốt của Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám tại Sài Gòn, đồng chí được phân công tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong; trong cuộc kháng chiến chống Pháp,  đồng chí lần lượt giữ các chức vụ Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ, Phó ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ và sau đó là Trung ương Cục miền Nam,...

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu kết thúc sự thống trị của thực dân Pháp, song đất nước còn tạm thời bị chia cắt, đồng chí ở lại miền Nam và về Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với cương vị phụ trách Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Đồng chí Trần Bạch Đằng dành công sức và ngòi bút sắc bén của mình vào công cuộc vận động quần chúng, hòa nhịp cùng các phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi  tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; bám sát phong trào, gần gũi với nhân sĩ, trí thức, với Nhân dân.

Dù ở vị trí nào, đồng chí cũng bộc lộ một trí tuệ mẫn tiệp, một tư duy sâu sắc, kiến giải những vấn đề phức tạp hết sức thấu đáo, chỉ rõ bản chất và cách giải quyết căn cơ, khả thi; mà trí tuệ ấy, tư duy ấy đến từ một quá trình không ngừng tự học tập, không ngừng trau dồi từ thực tiễn đấu tranh cách mạng sôi sục, từ một cuộc sống gắn bó mật thiết với Nhân dân, lắng nghe, thấu hiểu Nhân dân, suy nghĩ cho cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn của Nhân dân".
Trích tham luận Ông LÊ THANH HẢI - nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM

Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, do sự đàn áp hết sức dã man của chế độ Ngô Đình Diệm, đồng chí cùng cơ quan Xứ ủy phải di chuyển khỏi thành phố, dù vậy, mọi trọng tâm hoạt động chỉ đạo của đồng chí đều dành cho phong trào đấu tranh cách mạng tại đô thị.

Năm 1965, sau thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đẩy cuộc chiến tranh lên một nấc thang mới bằng việc đổ quân trực tiếp tham chiến, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Đồng chí Trần Bạch Đằng lại một lần nữa về hoạt động ngay tại trung tâm sào huyệt, đầu não của kẻ thù, với vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư nội thành.

Phong trào cách mạng miền Nam lúc bấy giờ hết sức khó khăn, nhất là ở các đô thị, ngoài đội quân viễn chinh, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường lực lượng cảnh sát dày đặc để đối phó với hoạt động của ta, kìm kẹp, áp bức Nhân dân. Chúng tổ chức nhiều vòng, nhiều lớp, cảnh sát chìm nổi, mật vụ, chỉ điểm, nhân viên tâm lý chiến,… vây ráp khám xét ráo riết trên mọi khu phố, đường phố; thường xuyên bố ráp bao vây từng khu dân cư để kiểm tra tờ khai gia đình, lục soát từng nhà bất ngờ vào ban đêm, ráo riết lừa mị, áp bức tinh thần, tư tưởng của Nhân dân,...

Nhưng những thủ đoạn hiểm độc, gian ác của kẻ thù không thể bẻ gãy được ý chí đấu tranh của Nhân dân ta; những cuộc đấu tranh  đòi dân sinh, dân chủ, đòi hòa bình, thống nhất vẫn liên tục, bền bỉ diễn ra ở hầu khắp các xí nghiệp, khu xóm lao động, chợ, trường học,... Bằng sự lăn lộn với thực tiễn cách mạng, gắn bó mật thiết với các tầng lớp Nhân dân, đúc kết kinh nghiệm trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã cùng Khu ủy có nhiều chỉ đạo sát đúng, kịp thời, xây dựng được một lực lượng chính trị đông đảo trong công nhân, nông dân, nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, văn nghệ sĩ,…

Đồng chí còn tham gia viết báo công khai, có nhiều đóng góp xuất sắc vào phát triển phong trào đấu tranh tại đô thị cũng như cuộc đấu tranh của ta trên báo chí công khai tại Sài Gòn; góp phần chuẩn bị lực lượng trong nội thành cho Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.  

Khi Khu ủy thành lập Khu trọng điểm để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, đồng chí là Bí thư Phân khu 6, tức nội thành, chịu trách nhiệm cánh quân tiến vào thành phố từ phía Nam. Trong tổng tiến công, đồng chí luôn sát cánh cùng anh em chiến sĩ, cùng cơ sở nội thành, luôn bám trụ ở những trận tuyến ác liệt nhất; khi vào nội thành thì đi trong đội tiên phong và khi buộc phải rút ra thì trong đội thu quân, những người sau cùng rời khỏi chiến trường.

Sau Xuân Mậu Thân, Đảng bộ thành phố đứng trước nhiều khó khăn cực kỳ, lực lượng bị thiệt hại nặng, địch đàn áp, khủng bố gắt gao, Thành ủy phải chuyển  căn cứ sang nhiều tỉnh ở B2 và có lúc sang tận các tỉnh của Campuchia, nhưng vẫn bảo đảm sự chỉ đạo và liên lạc thường xuyên, kịp thời của Thành ủy với nội thành.

Đồng chí Trần Bạch Đằng lúc này giữ nhiệm vụ Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí đã cùng Thành ủy vừa đánh địch, vừa củng cố lực lượng, vừa tiến hành tổ chức các Hội nghị Thành ủy mang mật danh “Bình Giã” nhằm tổng kết, rút kinh nghiệm trong đấu tranh đô thị, rút ra những bài học được và chưa được trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy vừa qua; đề ra phướng hướng, nhiệm vụ, tìm các phương thức chỉ đạo hoạt động của ba mũi giáp công chính trị, quân sự  và binh vận trên toàn bộ địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong tình hình mới.

Đến tháng 01 năm 1971, khi đồng chí Võ Văn Kiệt được Trung ương Cục điều động về làm Bí thư Khu ủy Khu 9, đồng chí Trần Bạch Đằng thay đồng chí Võ Văn Kiệt giữ nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cho đến tháng 4 năm 1972 thì nhận nhiệm vụ tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.

Trong thời gian này, tình hình vẫn còn rất nhiều khó khăn, lực lượng của ta còn rất mỏng, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Trần Bạch Đằng và Thành ủy, phong trào đấu tranh đô thị ngay tại trung tâm đầu não của địch đã có những bước tiến lớn, quan trọng, đáng chú ý là các phong trào đấu tranh chính trị chống cuộc bầu cử của Nguyễn Văn Thiệu, đặc biệt là phong trào học sinh, sinh viên.

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí Trần Bạch Đằng đã có những dấu ấn sâu đậm đối với Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Sống trong sự chở che, đùm bọc của Nhân dân, đồng chí thấu hiểu tình cảnh, nguyện vọng, ý chí cách mạng; động viên, tổ chức để Nhân dân đứng lên làm cách mạng.

Đó là một quá trình thâm nhập thực tiễn cách mạng rất phong phú; thông qua các hoạt động tại cơ sở, đồng chí đã tích lũy cho mình một vốn kiến thức vô cùng dày dạn và sâu rộng, từ đó phác họa nên những chủ trương, kế hoạch của Đảng bộ thành phố, nhất là trong chỉ đạo rất nhạy bén phong trào đấu tranh đô thị và nông thôn. Gắn bó mật thiết với Nhân dân, bám sát thực tiễn cách mạng là tính cách đặc biệt, làm cơ sở cho hoạt động của đồng chí Trần Bạch Đằng.

Đồng chí Trần Bạch Đằng, một người cộng sản kiên trung, một nhà chính trị bản lĩnh và trí tuệ

81 tuổi đời, 64 tuổi Đảng, 66 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Bạch Đằng luôn kiên định lý tưởng của Đảng - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - sống, chiến đấu và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng đến giây phút cuối cùng.

Kinh qua phong ba bão táp của hai cuộc kháng chiến, đương đầu với hiểm nguy, vượt qua khó khăn gian khổ, dù ở đâu, trên cương vị nào đồng chí cũng gắn bó mật thiết với Nhân dân, tận tụy với công việc, năng động, sáng tạo, khẳng khái đề xuất những giải pháp hay, biện pháp có hiệu quả góp phần vào thắng lợi của Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định – thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cách mạng cả nước nói chung.

Là một nhà chính trị bản lĩnh và trí tuệ, người lãnh đạo dày dạn trên mặt trận tư tưởng, là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, đồng chí Trần Bạch Đằng luôn thể hiện khí phách hào hùng, đầy bản lĩnh, song cũng chan chứa chất trữ tình và chiều sâu của sự suy tưởng.

Dù ở vị trí nào, đồng chí cũng bộc lộ một trí tuệ mẫn tiệp, một tư duy sâu sắc, kiến giải những vấn đề phức tạp hết sức thấu đáo, chỉ rõ bản chất và cách giải quyết căn cơ, khả thi; mà trí tuệ ấy, tư duy ấy đến từ một quá trình không ngừng tự học tập, không ngừng trau dồi từ thực tiễn đấu tranh cách mạng sôi sục, từ một cuộc sống gắn bó mật thiết với Nhân dân, lắng nghe, thấu hiểu Nhân dân, suy nghĩ cho cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn của Nhân dân.

Trong những tháng ngày gian khổ trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm ngay tại sào huyệt của địch, những đòn roi tra tấn vô cùng dã man trong ngục tù của kẻ thù và cả trước những khúc quanh gian truân của cuộc đời không làm lay chuyển được ý chí của người chiến sĩ cộng sản, nhà chính trị Trần Bạch Đằng kiên trung, bản lĩnh và trí tuệ.

Cho đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình, đồng chí vẫn nghĩ về trách nhiệm với Đảng, về những công việc cụ thể mà đồng chí đang làm, trong đó có công trình biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến; trên hết đồng chí vẫn trăn trở, đau đáu lo cho dân, cho nước, cho sự nghiệp của Đảng. Bao giờ ở đồng chí cũng tỏ rõ tinh thần khí khái, niềm lạc quan, luôn sống mãi với tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết; luôn đứng về phía Nhân dân và luôn kỳ vọng vào thế hệ trẻ, hết lòng chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ, kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

Thời gian sẽ làm nhòa đi nhiều thứ, nhưng những người như đồng chí Trần Bạch Đằng chắc chắn để lại những dấu ấn không phai mờ trong lịch sử đấu tranh cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, trong lịch sử cách mạng của Nhân dân.

Đó là một nhà lãnh đạo tài năng, tài hoa của Nam bộ thành đồng, một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận tư tưởng văn hóa, một nhà báo mạnh mẽ, sắc sảo, thẳng thắn, một nhà văn, một nhà thơ đầy tình cảm; và trên hết đó là một người cộng sản kiên trung, một nhà chính trị bản lĩnh và trí tuệ một lòng, một dạ sắt son theo sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Kế tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ cách mạng đi trước, đội ngũ cán bộ, đảng viên Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh hôm nay tâm nguyện sẽ luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, nỗ lực giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc của Nhân dân; lấy sự cải thiện đời sống ngày càng có chất lượng hơn của Nhân dân, sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo phẩm chất, năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên.

Tăng cường xây dựng Đảng bộ thành phố thật trong sạch, vững mạnh; luôn bám sát thực tiễn sinh động, lấy thực tiễn để đo lường sự đúng đắn và kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng; từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh góp phần hoàn thiện đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ và nỗ lực thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng.

* Tựa do tòa soạn TTO đặt

LÊ THANH HẢI (nguyên Ủy viên bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên