02/07/2016 08:03 GMT+7

Ngư dân Hà Tĩnh mong được hỗ trợ để đánh bắt xa bờ

HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH
HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH

TTO - Gia đình bà Chu Thị Hương (51 tuổi, ở thôn Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vừa có thuyền đánh cá gần bờ vừa có nhà hàng kinh doanh hải sản.

Hiện nay Hà Tĩnh có gần 4.680 tàu thuyền đánh bắt gần bờ cần chuyển đổi sang tàu lớn để đánh bắt xa bờ -Ảnh: VĂN ĐỊNH
Hiện nay Hà Tĩnh có gần 4.680 tàu thuyền đánh bắt gần bờ cần chuyển đổi sang tàu lớn để đánh bắt xa bờ -Ảnh: VĂN ĐỊNH

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Hương nói: “Giờ đã biết nguyên nhân cá chết, chúng tôi mong các cấp xem xét hỗ trợ giúp chuyển đổi nghề để người dân chúng tôi có kế sinh nhai”.

Ông Bùi Đức Trình, phó bí thư xã Kỳ Lợi, cho biết xã có gần 3.000 hộ dân sống nhờ vào biển. Trong số 1.500 thuyền của xã, có hơn 1.000 thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Ngoài sớm khôi phục biển sạch, người dân còn mong muốn có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi đánh bắt từ gần bờ ra xa bờ.

Theo ông Dương Tất Thắng - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngay từ khi xảy ra cá chết, UBND tỉnh cũng đã tính đến chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi cá chết và môi trường biển ô nhiễm.

“Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát từng đối tượng, nhu cầu chuyển đổi nghề để lên dự thảo hỗ trợ ngư dân đánh bắt cũng như hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy, hải sản. Chủ yếu những ngư dân làm ở vùng lộng (vùng biển tính từ đường cách bờ 3 hải lý ra đến độ sâu 50m) bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cần cấp thiết giúp họ chuyển đổi từ các con thuyền nhỏ lên tàu lớn để vươn khơi ra vùng đánh bắt từ 20 hải lý trở ra. Các chính sách cho hộ nuôi trồng, hộ làm muối cũng được tính đến trong dự thảo” - ông Thắng cho biết.

Theo ông Phan Duy Vĩnh - phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, từ đầu tháng 6 UBND tỉnh cùng với các sở ban ngành đã họp với những huyện bị ảnh hưởng từ vụ cá chết nhằm bàn thảo, bổ sung và hoàn thiện thêm các chính sách hỗ trợ cho ngư dân.

Trong đó, dự kiến triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân gần bờ hoán cải, nâng cấp tàu thuyền để vươn khơi.

Với con em ngư dân có mong muốn đi xuất khẩu lao động sẽ được hỗ trợ miễn các chi phí đào tạo, đi lại, ăn ở, đặc biệt là cho vay vốn 100% (so với 70% như trước đây) tiền chi phí đi xuất khẩu lao động.

“Các chính sách này đang chờ trung ương phê duyệt, sẽ triển khai ngay khi hoàn thiện” - ông Vĩnh cho hay.

Thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại

Ngày 30-6, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh ký quyết định thành lập hội đồng đánh giá thiệt hại sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Theo ông Dương Tất Thắng, hội đồng có nhiệm vụ chỉ đạo thành lập các hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện, từ đó đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực.

Hội đồng cũng sẽ đề xuất giải pháp tổng thể để khôi phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương, sau đó tổng hợp báo cáo lên ban chỉ đạo tỉnh và Chính phủ.

HỒ VĂN - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên