04/06/2016 08:42 GMT+7

Bước tiếp con đường Bác đã chọn

MAI HƯƠNG - MAI HOA , MAIHUONG@TUOITRE.COM.VN
MAI HƯƠNG - MAI HOA , MAIHUONG@TUOITRE.COM.VN

TTO - “Bác nói độc lập mà không được tự do, hạnh phúc thì độc lập không còn ý nghĩa. Như thế là dân ta phải tiếp tục con đường cứu nước của Bác, không ai được phép lơ là”

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng (bìa phải) trò chuyện với các đại biểu tại hội thảo khoa học
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng (bìa phải) trò chuyện với các đại biểu tại hội thảo khoa học "Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại" ngày 3-6 - Ảnh: Quang Định

Ngày 3-6 tại TP.HCM, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại”.

Tham dự hội thảo có ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương; ông Đinh La Thăng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thành Phong - ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBND TP; các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP.HCM, các ban ngành, đoàn thể qua các thời kỳ cùng đông đảo những nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Bám sát lời dạy của Bác, chúng ta không ngại bất cứ trở lực nào ngăn cản sự tiến bộ, nhất là khi sự tiến bộ đó lấy sự phồn thịnh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu và động lực

Bí thư Thành ủy ĐINH LA THĂNG

Chúng ta chưa hiểu hết con đường cứu nước của Bác

“Con đường cứu nước Bác vạch ra còn dài rộng lắm. Đâu phải chỉ đánh đuổi hết giặc ngoại xâm, giành được độc lập, thống nhất là xong. Trong tình hình mới hiện nay vẫn phải tiếp tục con đường cứu nước của Người. Đừng bao giờ từ bỏ con đường ấy” - lời nhắn nhủ xuất phát từ tận tâm can của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Thọ Chân (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội), khiến những ai tham dự đều hướng lòng mình suy nghĩ, trăn trở về những việc còn bề bộn, những mặt còn tồn tại của đất nước chưa được như mong muốn của Người.

Theo ông Nguyễn Thọ Chân, tư tưởng Hồ Chí Minh rất thống nhất, rõ ràng trong đối nội và đối ngoại.

“Bác hiểu tư tưởng bành trướng của nước lớn, mình giao hảo đấy nhưng phải luôn cảnh giác, đề phòng cao độ. Bởi có khi người ta “bề ngoài thơn thớt nói cười” mà “bên trong nham hiểm giết người không dao”.

Đừng vì lời nói mỹ miều của họ mà vội tin, vội chộp lấy làm bạn” - ông Chân nhắc lại lời Bác dặn.

Ông cũng cho rằng lúc sinh thời, Bác Hồ đã chỉ ra ba thứ giặc rất nguy hiểm là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, phải quan tâm chú ý chuyện “trong nhà”.

Nhìn lại thực tế ngày hôm nay, trong nội bộ vẫn còn tồn tại tệ quan liêu, lãng phí, tham ô, lừa đảo. Đây đều là những tai họa mà chúng ta vượt qua rất gian khổ, là nỗi lo toan thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Theo ông Nguyễn Thọ Chân, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mà soi rọi lại tư tưởng, lời dạy của Bác sẽ thấy chúng ta còn chưa hiểu sâu, chưa hiểu hết con đường cứu nước của Bác, chưa thật sự học Bác.

“Bác nói độc lập mà không được tự do, hạnh phúc thì độc lập không còn ý nghĩa. Như thế là dân ta phải tiếp tục con đường cứu nước của Bác, không ai được phép lơ là” - ông Chân nhấn mạnh.

Có cùng suy nghĩ này, bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP - trăn trở: “Chúng ta phát động phong trào học và làm theo Bác đã 10 năm nhưng kết quả vẫn chỉ mới dừng lại ở chuyển biến bước đầu”.

Theo bà Thảo, những chuyển biến quan trọng nhất về đạo đức và phong cách lại chưa rõ, chưa sâu. Cán bộ ta học hàm, học vị, bằng cấp ngày càng nhiều mà tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ dân vẫn còn nhiều vấn đề.

Không ngại bất cứ trở lực nào ngăn cản sự tiến bộ

Trong tham luận của mình, Bí thư Thành ủy TP Đinh La Thăng nhắc lại: “Bác đã chỉ rõ: Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng.

Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó vì đâu mà có rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn và chân chính”.

Từ lời dạy trên của Bác Hồ, ông Thăng bày tỏ lòng quyết tâm: “Bám sát lời dạy của Bác, chúng ta không ngại bất cứ trở lực nào ngăn cản sự tiến bộ, nhất là khi sự tiến bộ đó lấy sự phồn thịnh của đất nước, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu và động lực”.

Theo ông Thăng, một trong những việc quan trọng cần tập trung là thực hành dân chủ rộng rãi, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính, rèn luyện tác phong nói là làm, nói đi đôi với làm cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Cần phải chỉ rõ những cá nhân, bộ phận chưa thật sự vì dân hành động khiến công việc bê trễ, gây lãng phí xã hội.

“Tham nhũng đang là một quốc nạn thực sự. Nó hủy hoại mọi sự tốt đẹp, kìm hãm phát triển, gây mất niềm tin và mất an ninh xã hội.

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà tôi muốn nhấn mạnh là phải loại ra khỏi bộ máy những người tham nhũng, nhũng nhiễu dân, những cường hào mới” - ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Bàn về giải pháp, ông Thăng cho rằng chúng ta phải truy lùng tệ nạn này đến cùng, bằng việc huy động lực lượng đông đảo từ người dân.

Từ thực tế những vụ việc phát hiện cho thấy ngoài hình thức tham nhũng trực tiếp dễ thấy, có biểu hiện cấu kết chặt chẽ thành một nhóm người để thực hiện hành vi tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách, tác động đến cơ chế để thu lợi bất chính và thoát tội một cách tinh vi.

Ông Thăng cho rằng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là nói thật hay những điều cao xa bằng thứ ngôn ngữ chải chuốt mà phải bắt đầu từ những việc cụ thể ích nước lợi dân mà mọi người đều nhìn thấy.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM bày tỏ mong muốn: “Kỷ niệm 105 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước là dịp cho chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua, suy ngẫm về chặng đường sắp tới dưới ánh sáng tư tưởng của Người.

TP mà chúng ta muốn xây dựng phải là TP hòa bình, không có bạo lực, ngày càng vắng bóng các tệ nạn xã hội; một TP mà bất cứ ai cũng muốn đặt chân đến để trực tiếp trải nghiệm những giá trị sống mà họ mong muốn”.

* Ông Lê Thanh Hải (nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM):

Thành ủy TP các nhiệm kỳ luôn lắng nghe ý kiến nhân dân

Thấm nhuần lời dạy của Bác, từ năm 1992, TP khởi xướng chương trình xóa đói giảm nghèo; đến năm 2015 hộ nghèo có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm còn 0,9%, hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm còn 2,4%, trong điều kiện dân số TP tăng gấp hơn 2 lần; và không chỉ tạo điều kiện về thu nhập mà cả việc làm, việc học, chỗ ở, chữa bệnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần... cho các tầng lớp nhân dân.

TP rất chú trọng thực hiện tốt công tác tiếp công dân với sự nêu gương của người đứng đầu, tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài.

TP.HCM luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước, trong nhiều năm liền kinh tế TP tăng trưởng gấp 1,5 lần so với cả nước; trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng gấp 1,66 lần mức tăng bình quân của cả nước.

Hiện tại, TP đóng góp trên 21% GDP của cả nước, 30% nguồn thu ngân sách quốc gia.

Học tập và làm theo Bác, Thành ủy các nhiệm kỳ luôn luôn đau đáu với các vấn đề bức xúc trong cuộc sống của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế TP.

* Ông Tất Thành Cang (ủy viên Trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP):

Mỗi chủ trương chính sách phải vì lợi ích của nhân dân

Mỗi chủ trương, chính sách đều vì lợi ích của dân, sao cho thuận lòng dân và thực hiện đến nơi đến chốn, nhằm phát huy mọi tiềm năng sáng tạo và sự đóng góp của nhân dân TP cho sự phát triển của TP và đất nước.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự gần dân, sâu sát với nhân dân, chân thành lắng nghe, học hỏi từ nhân dân, vận động nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân để Đảng mãi được dân tin yêu mà thực hiện vai trò lãnh đạo, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc nhân dân.

MAI HƯƠNG - MAI HOA , MAIHUONG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên